Không thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, cản trở việc thực thi Luật An ninh mạng

08:45 26/11/2018
Sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (ngày 12-6-2018), nhất là khi Chính phủ công bố lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thi hành Luật ANM, nhiều trang web trong và ngoài nước đã đưa tin, bình luận, xuyên tạc hòng cản trở việc thực thi luật này.


Quyền tự do ngôn luận (TDNL) là một trong những quyền quan trọng của quyền con người và quyền công dân. Cho đến nay, quyền này chẳng những đã được ghi nhận trong luật quốc tế về quyền con người, mà còn được khẳng định trong hiến pháp, pháp luật của các quốc gia - không phân biệt chế độ chính trị, ý thức hệ. 

Tuy nhiên, quyền TDNL ở các quốc gia đều có những quy định hạn chế quyền mang tính đặc thù. Chẳng hạn như đối với nhà nước tôn giáo (như Vatican), hoặc ở những quốc gia, trong đó xác định một tôn giáo nào đó là “quốc đạo” thì ở đó quyền TDNL nghiêm cấm xúc phạm đến “đấng tối cao”.

Sau khi Luật An ninh mạng (ANM) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (ngày 12-6-2018), nhất là khi Chính phủ công bố lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thi hành Luật ANM, nhiều trang web trong và ngoài nước đã đưa tin, bình luận, xuyên tạc hòng cản trở việc thực thi luật này (có hiệu lực từ 1-1-2019). 

Một số kẻ quấy phá về chính trị trong nước, phát tán trên mạng, cho rằng Luật ANM “đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư” và “tạo nên gánh nặng lớn” về kinh tế cho doanh nghiệp”, “Luật An ninh mạng vi phạm tư do ngôn luận, báo chí, Internet”, “Luật ANM vi phạm quyền riệng tư”...  

Ở Hoa Kỳ, 17 nghị sỹ cực đoan viết thư cho Google và Facebook đề nghị hai trang mạng này nên rời bỏ Việt Nam… 

Có thể nói, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã có cả một kế hoạch bài bản, chống phá quyết liệt trên lĩnh vực thông tin, truyền thông như đối với Luật ANM.

Ở Việt Nam, từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời, các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013, quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền TDNL nói riêng được ghi rõ và bảo đảm trong thực tế. Quyền TDNL chỉ hạn chế các hành vi gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Đối với quyền con người, Luật ANM hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966. 

Điều 19 của Công ước quy định: (1) Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; (2) Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin… ; (3) Việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt để: (a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, (b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội. 

Điều 14, Hiến pháp 2013 quy định: (1) Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. (2) Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Hiến pháp 2013 đã dành hẳn một chương để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Thể chế hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội ta đã xây dựng và thông qua nhiều luật liên quan đến quyền TDNL. Chẳng hạn, Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng… Trong những luật, nghị định có liên quan, quyền TDNL nói chung, quyền tự do sử dụng Internet, mạng xã hội của công dân được tôn trọng và bảo đảm.

Luật Báo chí 2016 quy định: Công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… (Chương II). 

Luật quy định rõ các hành vi nghiêm cấm: Đăng, phát thông tin chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, với lực lượng vũ trang, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; phá hoại chính sách đoàn kết quốc tế; kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc. (Điều 9).

Luật tiếp cận thông tin 2016 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác”.

Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (năm 2013) xác định chính sách phát triển, quản lý Internet và thông tin trên mạng. 

Nghị định nêu rõ: Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội… để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống;… đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet; ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet; bảo đảm chỉ những thông tin hợp pháp theo pháp luật Việt Nam mới được truyền, kể cả truyền qua biên giới, đến người sử dụng Internet tại Việt Nam (Điều 4).

Các hành vi bị cấm là đưa thông tin “chống lại Nhà nước CHXHCN  Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…” (Điều 5).

Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định một cách minh bạch quyền và nghĩa vụ công dân nói chung, quyền TDNL (bao gồm quyền tiếp cận thông tin trên Internet, mạng xã hội) nói riêng. Những hạn chế về quyền này (quy định trong các hành vi “nghiêm cấm”) đối với những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức...

Luận điệu phát tán trên mạng rằng: Luật An ninh mạng vi phạm tư do ngôn luận, báo chí, Internet, vi phạm quyền riêng tư… là vô căn cứ. Cũng như các đạo luật trên lĩnh vực thông tin nói trên, Luật ANM chỉ hạn chế những hành vi gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Một trong những nguyên tắc của Luật ANM là: Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước.

Những vụ án liên quan đến sử dụng Internet, MXH như vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng), về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88, BLHS); vụ án Lê Đình Lượng (Nghệ An) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79, BLHS cho thấy, các đối tượng đều sử dụng Internet, mạng xã hội (chủ yếu là Facebook, blog), lập tài khoản để hoạt động nhằm tập hợp lực lượng, phát tán tài liệu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách, pháp luật, lịch sử cách mạng Việt Nam, vu cáo lực lượng Công an… 

Chẳng hạn, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tài khoản “Mẹ Nấm”) đã phát tán hàng nghìn bài viết, tài liệu xuyên tạc chế độ, trong đó file “Stop police killing civilians” (tạm dịch: Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường). Hoặc Lê Đình Lượng (tài khoản “Lỗ Ngọc”) kết nối mạng, like, chia sẻ với các tài khoản Facebook khác nhằm lôi kéo nhiều người vào tổ chức khủng bố Việt Tân, tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…

Như vậy, hoàn toàn không có chuyện, pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về TDNL, trong đó có Luật ANM vi phạm quyền con người, vi phạm “không gian riêng tư”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận báo chí, sử dụng Internet, mạng xã hội” như một số luận điệu. 

Pháp luật của Nhà nước ta chỉ nghiêm trị những kẻ lợi dụng không gian điện tử, mạng xã hội để xuyên tạc lịch sử, chính sách pháp luật, chế độ xã hội, Nhà nước, vu cáo cơ quan tổ chức, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích cộng đồng… 

Thực tế, việc ban hành và thực thi nghiêm chỉnh Luật ANM cũng chính là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng xâm hại, bảo đảm an ninh, chủ quyền, trật tự trên không gian  mạng.

Có tật giật mình, sở dĩ các thế lực thù địch ráo riết kích động dư luận trong và ngoài nước xuyên tạc Luật ANM bởi từ đây, Nhà nước ta có thêm một công cụ pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa, xử lý những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng không gian mạng để chống phá chế độ, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 

Đồng thời, kẻ xấu lấy cớ chống phá vì không muốn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam được bảo đảm. Do đó, cần tỉnh táo để nhận diện, loại trừ những quan điểm sai trái, thù địch hòng gây nhiễu, cản trở việc thực thi Luật ANM.

Vọng Đức

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文