Biển Đông là chủ đề "không thể tránh khỏi" tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35

07:39 31/10/2019
Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Junever Mahilum-West cho biết, các cuộc thảo luận về Biển Đông là không thể tránh khỏi tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 diễn ra ở Thái Lan từ ngày 31-10 đến ngày 4-11. Đặc biệt, ASEAN quyết tâm đẩy nhanh tiến trình ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để có những ràng buộc pháp lý trong việc giải quyết những vấn đề liên quan.


Quyết tâm của ASEAN và EAS

Trả lời phỏng vấn tờ Express của Anh ngày 30-10, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Junever Mahilum-West, khẳng định các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận về một loạt các chủ đề bao gồm những cơ hội kinh tế và an ninh của vùng Biển Đông giàu năng lượng và là tuyến giao thương hàng hải sầm uất bậc nhất thế giới. 

“ASEAN đang thúc đẩy hợp tác nội khối ở cả 3 trụ cột: An ninh chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Biển Đông chắc chắn sẽ được bàn luận sâu, kỹ và được nhiều quốc gia nêu quan điểm rõ ràng, vì lợi ích dân tộc và vì an ninh cho toàn khu vực cũng như trên thế giới. Với việc Philippines là điều phối viên của quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc cho đến năm 2021, Tổng thống Rodrigo Duterte là người được kỳ vọng sẽ nói về tình hình hiện nay trên Biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh khu vực”, bà Mahilum-West cho biết thêm. 

Biển Đông là khu vực giao thương sầm uất bậc nhất thế giới. Trung Quốc tham vọng và đang từng bước hiện thực hoá yêu sách độc chiếm Biển Đông. ảnh: Getty

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra hôm 29-10 thì nhấn mạnh, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Thái Lan trong tuần này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thúc đẩy sớm hoàn thành COC. 

Trước đó, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Rodrigo Duterte đã nêu lên sự cần thiết phải hoàn thành COC bởi bộ quy tắc sẽ giúp giải quyết nhiều xung đột trên vùng biển này. Chủ tịch Trung Quốc đã đồng ý và bày tỏ hy vọng, COC sẽ được hoàn tất vào những năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Rodrigo Duterte.

Trong khi đó, tờ Economic Times dẫn lời đại diện nước chủ nhà Thái Lan cho hay, vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập trong tuyên bố đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14. 

“Tình hình tại Biển Đông gia tăng căng thẳng kể từ tháng 7 do cách tiếp cận hiếu chiến của Trung Quốc. Các bên có liên quan như Philippines, Malaysia và Brunei có vẻ lo lắng về các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trong thời gian qua. Bởi lẽ, những nước này sợ rằng họ có thể sẽ phải đối mặt với hành động tương tự của Trung Quốc trong tương lai. 

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 14 có thể nêu ra vấn đề, nói về tình hình hiện tại trên Biển Đông và kêu gọi sự kiềm chế, tôn trọng Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và tự do hàng hải. 

Điều này được hiểu rằng một số nhà lãnh đạo Đông Á cũng có thể nói cả đến những tác động xấu từ phương pháp tiếp cận của Trung Quốc đối với tài sản năng lượng của họ trong khu vực. Biển Đông chắc chắn sẽ là một mục quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Đông Á”, bài báo có đoạn viết.

Còn theo Bangkok Post, dự thảo tuyên bố sẽ cho thấy các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo phi pháp trên Biển Đông, đồng thời hoan nghênh tiến trình đàm phán liên tục về COC. Đồng thời, tác giả bài báo nhận định, trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo của các quốc gia Đông Á cũng muốn nâng cao tầm quan trọng của trật tự dựa trên các quy tắc và sự cần thiết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. 

Thủ tướng Ấn Độ tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 14 dự kiến  sẽ có bài phát biểu tập trung vào tầm quan trọng của trật tự dựa trên các quy tắc và tự do hàng hải trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ đang nỗ lực kêu gọi Trung Quốc và ASEAN xây dựng Bộ quy tắc ứng xử như một công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột trong khu vực và yêu cầu công nhận phán quyết của toà án trọng tài năm 2016. 

Trong những năm gần đây, ASEAN đã cố gắng chứng minh sự liên quan của mình trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Một trong những chủ đề của hội nghị thượng đỉnh năm nay là quan hệ đối tác, trong đó các quốc gia thành viên tìm cách củng cố kiến trúc khu vực tập trung vào ASEAN, tăng cường hợp tác kinh tế với tất cả các quốc gia, với sự cân nhắc và cân bằng lợi ích cho người dân, và tăng cường vai trò của khối trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng.

Chiêu trò của Trung Quốc

Trên thực tế, cho đến nay, Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế lớn của ASEAN và là mối đe dọa đối với sự ổn định, hoà bình trong khu vực, nhất là với vấn đề Biển Đông. 

“Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hiện coi Trung Quốc là đối tác đối thoại quan trọng nhất của nhóm 10 quốc gia và quan hệ đối thoại ASEAN với Trung Quốc nên là mối quan hệ năng động và thực chất nhất trong khu vực. Tuy nhiên, cuộc đối thoại ngày càng được tiến hành dưới sự áp đặt, uy hiếp. 

Khả năng hải quân của Trung Quốc đang tiến triển với tốc độ chóng mặt, với sự ra mắt gần đây của các tàu chiếnlớn, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm thông thường mới và tin đồn về một hạm đội tàu sân bay lớn hơn, đóng vai trò là chất xúc tác cho cạnh tranh khu vực. 

Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã vượt qua Mỹ và các đồng minh bằng cách chế tạo hơn 100 tàu chiến và tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm hiện đại. Trung Quốc cũng đã đơn phương xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt thiết bị quân sự trái phép trên Biển Đông. 

Nói cách khác, Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của các khoản đầu tư vào kiểm soát biển khi siêu cường đang trỗi dậy, tìm cách mở rộng tham vọng khu vực và ASEAN cần cân nhắc điều này”, tờ The Diplomat bình luận.

Nói rõ hơn về ý đồ của Trung Quốc, nhà báo Toru Takahashi, Tổng biên tập tờ Nikkei chi nhánh châu Á nhận xét: “Trung Quốc tiếp tục các hành động đe dọa ở Biển Đông dù một mặt vẫn thương lượng COC. Tuy nhiên, dù Bắc Kinh có thay đổi chủ trương về COC thì các nước ASEAN cũng phải hết sức thận trọng”. 

Đồng thời, nhà báo Toru Takahashi cảnh báo, Trung Quốc thể hiện động cơ ngầm trong 2 khung đàm phán. 

Thứ nhất là Trung Quốc không đàm phán với cả khối ASEAN mà là với 10 nước riêng rẽ thuộc ASEAN nên ngôn ngữ trong phác thảo COC giai đoạn đầu được xem như 11 bản đề xuất riêng biệt từ Trung Quốc và 10 nước ASEAN chứ không phải là hai đề xuất (một từ Trung Quốc và một từ khối ASEAN) như nhiều người nghĩ. Cách tiếp cận song phương kiểu này sẽ mang lại lợi thế nhiều hơn cho Trung Quốc, cho phép nước này dùng sức mạnh để uy hiếp đối phương. 

Thứ hai, tại Hội nghị Trung Quốc-ASEAN tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đơn phương đưa ra thời hạn 3 năm để hoàn tất COC. Đây là một động thái hoàn toàn chủ ý bởi thời điểm này Philippines giữ vai trò điều phối ASEAN đối thoại với Trung Quốc (nhiệm kỳ 2019-2022) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang có chủ trương mềm mại hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Cuối cùng, Trung Quốc đưa ra 3 yêu cầu cơ bản về COC trong đó có việc không chịu ảnh hưởng từ UNCLOS 1982. Nhà báo Toru Takahashi phân tích, Trung Quốc là một thành viên UNCLOS nên vì thế không muốn bị chỉ trích, lên án việc không tuân thủ công ước này cho dù trên thực tế, Bắc Kinh luôn có hành động đi ngược với các quy định trong UNCLOS 1982.

Bổ sung thêm những lý giải cặn kẽ của nhà báo Toru Takahashi, cựu Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio khi trả lời hãng Phil Star, cho rằng, Bắc Kinh từ lâu đã trì hoãn việc thông qua COC vì vẫn chưa thực hiện được động thái cải tạo nào trên bãi Scarborough (mà Philippines gọi là Panatag còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Từ đó, ông Antonio Carpio đặt câu hỏi, sự thật nào tồn tại đằng sau tuyên bố trước đó của Trung Quốc, rằng họ muốn COC sẽ được ký kết vào năm 2022, vào đúng thời điểm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kết thúc nhiệm kỳ của mình. 

"Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng hòn đảo và họ sẽ đặt mục tiêu cải tạo bãi cạn Scarborough, nơi có đặc điểm thủy triều cao từ nay cho đến trước khi ký kết COC vào khoảng năm 2022", ông Antonio Carpio nhận định và nhấn mạnh, việc xây dựng một căn cứ không quân và hải quân trên bãi cạn Scarborough là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông và nước này sẽ chỉ dừng lại sau khi mục tiêu tại Scarborough được hoàn tất. 

Đồng quan điểm này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David R.Stilwell trong phiên điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi trung tuần thấng 10 cũng đã chỉ trích Trung Quốc đang tìm cách định hình lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho nước này. 

David R.Stilwell cũng bày tỏ quan ngại về cái mà Bắc Kinh gọi là “theo đuổi con đường hoà bình” qua đàm phán thiết lập COC trong khi vẫn sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự-kinh tế để tạo sức ép với các bên tham gia đàm phán và đơn phương bồi đắp, xây dựng các thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Huyền Chi

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文