Luật Đầu tư làm phức tạp hóa nhiều hệ thống pháp luật

08:12 24/07/2016
Đây là nhận định của Luật sư Ngô Việt Hoà - Công ty Luật General Motor được đưa ra tại Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật đầu tư, kinh doanh do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT), Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức GIZ (Đức) phối hợp tổ chức ngày 22-7, tại Hà Nội.

Luật Đầu tư năm 2014 được cho là một trong những đạo luật tiên tiến và có tinh thần cải cách thể chế mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, qua rà soát, VCCI thấy có khoảng gần 30 ngành nghề kinh doanh trong tổng số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư là không cần thiết, cần phải bãi bỏ. Trong đó, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014 cần phải nâng cấp từ thông thư lên nghị định. Tuy nhiên, bản thân Chính phủ và các bộ, ngành cũng băn khoăn vì tính cần thiết của nó. Do đó, một số nghị định vẫn chưa được ban hành.

Nhiều điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh mâu thuẫn nhau, gây ra nhiều rào cản cho DN. Ảnh minh họa: Hòa Lộc.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khẳng định: Thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện tốt hơn cho kinh doanh, đầu tư. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, cùng với những Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mới đây về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã thể hiện những nỗ lực cải cách của Chính phủ.

“Sau Đổi mới 1986, Việt Nam có nhiều luật về kinh doanh, đầu tư rất ngắn, ít điều, dễ hiểu. Nhưng càng ngày luật càng dài hơn, khó hiểu hơn” - ông Hà nói. Tuy nhiên, “Trong bối cảnh đó, cần phải rà soát lại tất cả những quy định bất hợp lý, trái ngược nhau, chưa tương thích với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư không phù hợp với thực tế để sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ để tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư, kinh doanh”, ông Hà nhấn mạnh và lưu ý hội thảo cũng cần đề cập đến Điều 292 của BLHS 2015 mà cộng đồng Start-up Việt Nam đang kiến nghị bãi bỏ.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp từ các lĩnh vực, ngành, nghề đều bày tỏ sự bức xúc về tình trạng chồng chéo, vướng mắc của các văn bản pháp luật hiện hành liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh, gây nhiều khó khăn và rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Theo LS Ngô Việt Hòa – Công ty Luật General Motor, nếu như các nội dung của Luật Đầu tư chủ yếu quy định về mặt thủ tục đầu tư và có quá nhiều nội dung trùng lắp với các luật khác thì các cơ quan hành pháp có thể đề xuất với Quốc hội bãi bỏ luật này.

Thực tế, Luật Đầu tư làm phức tạp hóa hơn nhiều hệ thống pháp luật. Các thủ tục của Luật Đầu tư đã không chỉ gây ra sự chồng chéo với hệ thống luật về môi trường kinh doanh, đầu tư mà còn tạo rào cản cho nhà đầu tư và không đảm bảo được mục tiêu quản lý nhà nước. Do đó, việc có cần thiết phải có luật đầu tư hay không là điều cần phải tính đến.

Bà Đinh Thị Kim Anh, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, trong quá trình thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, DN gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi áp mã ngành kinh tế quá rắc rối. Theo Luật Doanh nghiệp, không quy định ghi cụ thể ngành kinh doanh. DN được tự do kinh doanh những ngành luật không cấm. DN được tự áp mã.

Thoạt đầu, tưởng dễ và linh động cho DN, nhưng thực tế lại vô cùng phức tạp. Việc cho phép DN tự khắc con dấu cũng tưởng rằng là một đổi mới, thông thoáng so với trước. Nhưng việc chủ động đăng ký trên Cổng thông tin của Sở KH&ĐT ở các địa phương thì phải sau 3 ngày con dấu mới có hiệu lực. Như vậy là không tạo sự chủ động cho DN.

Một số ngành nghề như chứng khoán, luật sư, giám định lại yêu cầu phải đăng ký con dấu qua Công an. Thế là mâu thuẫn với Luật. Không biết cơ sở pháp lý quy định khác biệt như vậy có đúng hay không, bởi ngành bảo hiểm, luật sư đã phải chịu sự quản lý chuyên ngành thì có nhất thiết phải bị ràng buộc về con dấu như vậy không.

Nhiều điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh mâu thuẫn nhau, gây ra nhiều rào cản cho DN. Ảnh minh họa.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, mục đích rà soát các luật về đầu tư kinh doanh nhằm loại bỏ những vướng mắc, rào cản, đặc biệt là cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết; loại bỏ những mâu thuẫn chồng chéo, thiếu đồng bộ, không thống nhất, chưa liên thông giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Qua đó, đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng liên thông, phối hợp và minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho mọi doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận rằng: Việc xây dựng luật này sẽ gặp nhiều thách thức. Hiện nay, rất nhiều điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nằm rải rác trong các luật khác đang chồng chéo, mâu thuẫn nhau, gây ra nhiều rào cản cho DN.

“Điều đó trái với mục tiêu cao nhất là: Các luật cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho kinh doanh theo đúng chỉ thị của Thủ tướng. Cộng đồng DN rất phấn khởi khi Chính phủ đã lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị của DN và Thủ tướng đã chỉ thị rằng: Cần phải xây dựng để trình luật này trong thời gian sớm nhất” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Từ khảo sát tình hình thực tế hoạt động của DN và các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, đã có một số ý kiến phàn nàn vì người dân và nhà đầu tư phải mất quá nhiều thủ tục mới đủ điều kiện đầu tư. Nếu có tiền muốn đầu tư còn gặp thủ tục rắc rối thì rõ ràng cần phải xem xét lại vấn đề vướng ở đâu? Do chính sách hay do con người? Bộ KH-ĐT sẽ ghi nhận ý kiến này để về nghiên cứu và có đề xuất chính thức.

Lưu Hiệp

Ngày 22/5/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sau Lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu nhậm chức, Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch nước.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổ công tác của Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư và xây dựng, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án 85, Sở GTVT tỉnh Phú Yên thường trực tại hiện trường sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, để chỉ đạo Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) và Nhà thầu thi công là Công ty CP Tổng Công ty công trình đường sắt tập trung tối đa lực lượng, thiết bị kỹ thuật để khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.

Ngày 22/5, thông tin từ Cơ quan ANĐT Công an TP Hải Phòng cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Kim Dung (SN 1972, trú phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu đối thủ nhiều duyên nợ là Indonesia tại AFF Cup. Với huấn luyện viên Kim Sang Sik, mọi sự chuẩn bị sẽ bắt đầu từ thời điểm này.

Quân đội Nga ngày 21/5 (giờ địa phương) đã bắt đầu các cuộc tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, hoạt động vốn được Moscow công bố hồi đầu tháng này, như một lời cảnh báo rõ ràng tới các quan chức cấp cao phương Tây.

Ngày 22/5, Công an huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Vẹn (SN 1977), Nguyễn Thị Trang (vợ Vẹn, SN 1991), Trần Thị Hòa (SN 1988) và Trần Văn Thái (em ruột Hòa, SN 1990, cùng ngụ huyện Thanh Bình) điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文