Lợi ích từ 1 ha đất nông, lâm trường bình quân chỉ đạt 5kg gạo

10:09 11/11/2015
Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước, đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. 

Phương thức quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ, hiệu quả sử dụng đất còn thấp, buông lỏng công tác quản lý về đất đai... là những thực trạng được các đại biểu Quốc hội chỉ rõ, cùng với đó là những kiến nghị xác đáng gửi tới các bộ, ngành, cơ quan.

Đề cập đến tình hình tổ chức sử dụng đất và hiệu quả sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, Thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, với chủ trương đẩy mạnh, tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thì hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp đã ổn định sản xuất, tích cực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo hướng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, hiện có hơn 428.000ha đất chưa sử dụng, sử dụng vào mục đích khác, để hoang hóa. Các công ty còn nợ 51% tiền sử dụng đất, 20% tiền thuế phải nộp. 

Các nông, lâm trường quản lý đất đai là khá lớn, khoảng 8 triệu ha, trong đó các công ty nông, lâm nghiệp quản lý hơn 2,8 triệu ha nhưng nộp ngân sách Nhà nước chỉ được 1.722 tỷ đồng là quá thấp trong vòng 10 năm. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) tính toán: “Như vậy, tính bình quân 1ha/năm chỉ đạt 90.000 đồng, tương đương với 5kg gạo, sử dụng đất đai như thế là kém hiệu quả, lãng phí, đóng góp vào ngân sách Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng của đất đai”. 

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhận xét, hiệu quả sản xuất kinh doanh như vậy là không thể chấp nhận được. “Điều đó cũng có nghĩa là sự thất thoát, lãng phí trong khi có gia đình phải trả giá rất lớn về môi trường, hàng ngàn hecta rừng phòng hộ chuyển thành rừng sản xuất kinh tế…”, đại biểu Trần Minh Diệu khẳng định.

Cho rằng hầu hết các nông, lâm trường mới sắp xếp lại tổ chức để thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty mà chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, tức là “bình mới” mà “rượu” vẫn “cũ”, đại biểu Nguyễn Thị Khá tiếp tục phân tích: “Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa công tác quản lý đất đai vẫn tiếp tục lỏng lẻo. Nhiều nơi khoán trắng đất cho người lao động nhưng buông lỏng, không quản lý được hợp đồng giao khoán. Có nơi khoán trắng, khoán trái pháp luật, có tình trạng khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất, để tình trạng người nhận khoán tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật sang làm nhà ở, công trình dịch vụ...”.

Quốc hội làm việc tại hội trường.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng nhất trí với nhận định này bởi các nông, lâm trường hiện nay mới chỉ thay đổi về hình thức tổ chức quản lý chứ chưa thay đổi về phương thức quản lý. Ông đề nghị Quốc hội phải kịp thời rà soát, tạo sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý và quản trị doanh nghiệp. Theo đó cần triển khai việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường trong sản xuất, hoạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo luật doanh nghiệp. Theo đại biểu này, thực tế đã chỉ rõ một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, cũng như một số công ty lâm nghiệp kinh doanh có hiệu quả, bắt nguồn từ việc từ việc tạo cơ sở pháp lý về quản lý đất đai, tức là có hồ sơ địa chính, mốc giới đầy đủ, được quản lý chặt chẽ, không xảy ra tranh chấp. Ngược lại, đất đai không rõ ràng, hệ lụy xảy ra là khoán trắng, phát canh thu tô, lấn chiếm rất lớn, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị Chính phủ cần mổ xẻ, phân tích đầy đủ để làm rõ thêm trách nhiệm của từng cấp, từng ngành cụ thể. Đối với ngành tài nguyên môi trường cần làm rõ trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, cấp mà không đo đạc, không cắm mốc địa giới, cấp chồng lấn, hồ sơ được cấp giao cho đơn vị theo quyết định thành lập công ty mà không lưu trữ hồ sơ. “Đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến quản lý đất đai bị buông lỏng như hiện nay hay không? Có cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm hay không?”, đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh. 

Đối với cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành khác có liên quan trong việc quản lý công ty, doanh nghiệp nông, lâm trường được giao quản lý, khai thác sử dụng đất (theo Nghị quyết 28 và mới đây là Nghị quyết 30 của Trung ương), đại biểu đặt vấn đề, nếu quản lý, khai thác, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, để bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng, khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô, khoán trái pháp luật, nghĩa vụ ngân sách nhà nước không thực hiện… thì người đứng đầu có chịu trách nhiệm gì không? Bộ phụ trách lĩnh vực có liên đới trách nhiệm gì không?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan tài chính, thanh tra, kiểm toán khi để các đơn vị được giao khai thác, quản lý, sử dụng đất với diện tích lớn nhưng nộp ngân sách thấp. “Các đơn vị còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì ý kiến ngành tài chính về vấn đề này ra sao? Có tương xứng với giá trị tài nguyên của quốc gia hay không? Hay vào túi cá nhân nào? Có minh bạch không?” – đại biểu đặt câu hỏi liên tiếp. Để bảo vệ pháp luật về đất đai; phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, góp phần khai thác nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Khá yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan được giao trách nhiệm giúp Chính phủ khai thác, quản lý ngân sách nhà nước; trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán khi trong 10 năm chỉ thực hiện vài cuộc thanh tra, kiểm toán lồng ghép liên quan đến đất đai.

Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016

Sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, với tỷ lệ đại biểu tán thành đạt 90,49%. Nghị quyết đưa ra 13 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị tính toán, cân nhắc tính khả thi trong việc đề ra mức tăng trưởng 6,7%. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, năm 2012: GDP tăng 5,25%; năm 2013: GDP tăng 5,42%; năm 2014: GDP tăng 5,98%; năm 2015 GDP dự kiến tăng trên 6,5% cho thấy xu hướng tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần. Đồng thời, căn cứ vào dự báo tình hình quốc tế, trong nước và cân đối các nguồn lực thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 khoảng 6,7% là khả thi. 

Kinh tế khó khăn, không thể dồn tiền xây trụ sở hoành tráng

Xu hướng nhiều tỉnh, thành lập đề án xin Chính phủ rót tiền xây dựng trụ sở hoành tráng, có nơi đề án xây trụ sở lên đến gần 10 nghìn tỷ đồng, rồi xây dựng tượng đài, quảng trường đồ sộ, mua sắm xe công xịn… khiến nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại. Trong khi đó, tình hình tài chính ngân sách đang rất eo hẹp, đã ba năm nay Chính phủ chưa thể tiến hành tăng lương theo lộ trình. PV Báo CAND đã trao đổi với các đại biểu về vấn đề này.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu).

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu): Phải ưu tiên những dự án phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân

Tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, trong lúc kinh tế, ngân sách khó khăn như hiện nay, phải quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm. Nhu cầu lớn nhưng phải ưu tiên những dự án phục vụ trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Tôi được biết các dự án xây dựng trung tâm hành chính đó theo phân cấp thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương nhưng qua xem xét các dự án đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, nhiều tỉnh ngân sách địa phương chỉ có một phần, còn phần lớn nguồn vốn đầu tư ở một số tỉnh là xin trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Trong điều kiện như vậy, tôi đề nghị phải xem xét cân nhắc thận trọng.

Đất nước chúng ta còn kém phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhu cầu đầu tư rất lớn. Trong bối cảnh đó, nguồn lực tài chính hạn chế, đặc biệt nợ công cao, bội chi ngân sách lớn thì cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên. Tôi cho rằng, ưu tiên số 1 lúc này là tất cả đầu tư của nhà nước phải thu hút nguồn vốn trong xã hội, đầu tư của nhà nước phải thực sự đóng vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp đời sống cải thiện và từ đó ngân sách được cải thiện… Mấy năm gần đây, khắc phụ tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường đầu tư quản lý theo Luật Đầu tư công, hạn chế dự án đầu tư vốn lớn đã được quy định trong các nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa trong các luật. Vấn đề là tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu ở các đơn vị, địa phương.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa).

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): Nhiều nơi xây trụ sở hoành tráng rồi bỏ không

Xét về yêu cầu cải cách hành chính hiện nay thì cần có trụ sở đảm bảo nhưng phải xem lại hệ thống công sở đã đầu tư xây dựng còn tốt hay không và cần thống nhất giữa các tỉnh. Có nơi khi xây dựng trung tâm hành chính xong, tất cả cơ sở vật chất trị giá hàng trăm tỷ đồng tiền bạc của nhân dân lại để không. Lúc làm đề án thì nói bán đi để lấy tiền làm trung tâm hành chính, lúc xây xong lại không bán được, gây sự lãng phí lớn. Tôi thấy hình như chưa có quy định trung tâm hành chính thì phải như thế nào, phải theo mô hình nào. Đó là khoảng trống cần phải được quy định, thống nhất, không để mỗi nơi xây theo số lượng tiền bạc, quy mô, kiến trúc không thống nhất. Chi tiêu cho cơ quan quyền lực phải theo quy định chung chứ không phải có tỉnh mấy nghìn tỷ cũng không đủ, có tỉnh chỉ mấy trăm tỷ cũng đủ.

Về việc các địa phương xây dựng quảng trường, yêu cầu này là khách quan và chính đáng vì đó là bộ mặt, là trung tâm sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt chính trị và cũng là yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần phải tính toán làm sao thật sự hợp lý, phù hợp với khả năng, chứ không cần phải xây tượng đài, quảng trưởng quá hoành tráng.
Đại biểu Dương Trung Quốc.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Tiền bỏ ra để vận hành tòa nhà quá lớn

Việc xây dựng các công trình khu trung tâm hành chính cũng giống như việc chi tiêu trong gia đình, tức phải tính xem có khả năng và nhu cầu đến đâu để cân nhắc mà “liệu cơm gắp mắm”. Nhìn trụ sở thì chúng ta phải nhìn cái lâu dài. Tôi xin nói những trụ sở quá lớn người ta mới nhìn ở bề ngoài, đó là số tiền đầu tư để xây nhà nhưng chưa nhìn kỹ bên trong, tức là số tiền bỏ ra để vận hành tòa nhà đó là quá lớn!

Đ.Minh (ghi)

Quỳnh Vinh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文