Nền hành chính minh bạch sẽ đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực
- Đối thoại về cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan
- TAND Tối cao Tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp
- Chậm cải cách thủ tục hành chính sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng 3 tháng, kể từ khi bắt đầu thực hiện các thủ tục. Nếu năm 2006, một doanh nghiệp tại tỉnh trung bình mất 20 ngày để đăng ký thành lập doanh nghiệp thì nay chỉ mất 7 ngày… Đó là những tiện ích chỉ riêng trong lĩnh vực đầu tư mà hoạt động cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mang lại. Cải cách TTHC đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, đẩy lùi tiêu cực, phòng chống tham nhũng.
Thời gian quan, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách TTHC đã đạt được kết quả thiết thực, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế ghi nhận. TTHC có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân và hiện được thực thi ngày càng đơn giản, thuận lợi, nhiều nội dung cải cách trọng tâm.
Ví dụ với các thủ tục thành lập doanh nghiệp, theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong giai đoạn 2006-2016 đã ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư mới đã không hạn chế nhà đầu tư gia nhập thị trường, theo đó danh sách các ngành, nghề bị cấm được giảm từ 51 xuống còn 6 ngành nghề, số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ còn 267.
Người dân làm TTHC tại Trung tâm hành chính công Đà Nẵng. |
Đối với các lĩnh khác, TTHC cũng được cắt giảm, như: 11 thành phần hồ sơ liên quan đến việc giải quyết bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế được bãi bỏ, giao dịch về BHXH được thực hiện qua internet, số lượng giao dịch mà doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm giảm từ 12 lần xuống 1 lần; chứng nhận xuất xứ (C/O) đã được thực hiện thí điểm qua mạng; quy trình kiểm tra thuế giảm xuống không quá 1 lần/năm…
Văn phòng Chính phủ đã đưa vào vận hành, khai thác Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và các kênh giao tiếp khác trên Cổng thông tin Chính phủ, qua đó giúp Chính phủ, Thủ tướng nắm bắt được các vấn đề phát sinh từ phía cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo, giải quyết kịp thời; thực hiện tổng rà soát, xác định các dịch vụ hành chính công có thể được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.
Cùng với việc bãi bỏ những TTHC gây phiền hà, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC được triển khai rộng khắp. Đó là một trong những giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa hành chính nhà nước với các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành quy định về thực hiện cơ chế “một cửa” chưa đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC đang đặt ra.
Đồng thời, phạm vi của các văn bản này mới chỉ áp dụng tại các cơ quan hành chính địa phương, chưa dựa trên một khung pháp lý thống nhất cho mọi cấp hành chính. Để bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và định hướng chuyển trọng tâm từ xây dựng sang hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, tiến tới nền hành chính phục vụ, tiện ích, Văn phòng Chính phủ đang chủ trì nghiên cứu soạn thảo Nghị định về cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC với các mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Trong mối quan hệ hành chính giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức, việc cơ quan hành chính nhà nước ban hành thêm giấy phép con hoặc tạo ra những rào cản khác trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức xuất phát từ lợi ích nhóm, cục bộ, là cơ hội, là mảnh đất “màu mỡ” cho tham nhũng, tiêu cực nảy sinh.
Một nền hành chính minh bạch, mang tính phục vụ sẽ không còn cơ hội nhũng nhiễu, tiêu cực cho cán bộ cơ quan hành chính nhà nước khi: Công khai minh bạch chính sách, TTHC cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện và giám sát thực hiện; đổi mới mạnh mẽ giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian, giảm chi phí; thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.
Với nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, cải cách TTHC, kiểm soát TTHC giúp phòng ngừa tham nhũng thông qua 3 hoạt động: Việc kiểm soát quy định về TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định TTHC giúp “sàng lọc” các quy định về TTHC để chỉ ban hành TTHC cần thiết, có chi phí tuân thủ thấp nhất và hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa cá nhân, doanh nghiệp với cán bộ công chức, cơ quan nhà nước; Công bố công khai TTHC là cách thức để minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện để người dân giám sát việc thực hiện của người thi hành công vụ; việc rà soát những TTHC không còn phù hợp, là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và gây bức xúc cho người dân là cơ chế hậu kiểm giúp duy trì TTHC thật đơn giản, thuận lợi, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cải cách TTHC, kiểm soát TTHC cũng đóng vai trò nhất định đối với việc phát hiện tham nhũng. Bởi, việc thiết lập kênh thông tin phản hồi giữa người dân và cơ quan hành chính để người dân kịp thời phản ánh với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về thái độ phục vụ, hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong việc thực hiện TTHC, kiến nghị sửa đổi những TTHC không còn phù hợp gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giúp phát hiện, xử lý những hành vi sai trái của cán bộ công chức, cơ quan trong thực hiện TTHC.
Qua hoạt động kiểm tra việc thực hiện kiểm sát TTHC, phát hiện và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi sai trái, thực hiện không đúng với chỉ đạo, quy định về TTHC, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.