Nếu đánh giá con người theo năng lực thì nạn bằng giả sẽ giảm bớt

08:19 06/12/2020
"Tạo lập môi trường sử dụng lao động hiệu quả, minh bạch, đánh giá con người theo năng lực và kết quả công việc ở vị trí việc làm chuẩn xác. Nếu chúng ta làm được những điều này thì động cơ để có bằng cấp bằng mọi giá sẽ giảm bớt". -PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ.


Những sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo văn bằng 2 tại Trường Đại học (ĐH) Đông Đô tiếp tục thu hút sự quan tâm của xã hội. Xung quanh câu chuyện này, một loạt vấn đề đã được đặt ra như có hay không sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này? Lời cảnh báo về sự gian dối, suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ quản lý và chính người học, những người mang danh trí thức nhưng sẵn sàng dùng tiền để “mua bằng”; văn hóa sính bằng cấp, căn bệnh thành tích còn khá nặng nề trong xã hội hiện nay? Giải pháp nào khắc phục tình trạng này? PV Báo CAND đã cuộc trò chuyện với PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

PV: Câu chuyện một số người “không học, không thi” nhưng vẫn có bằng và nhiều cán bộ tại ĐH Đông Đô dính vòng lao lý những ngày qua gợi cho ông suy nghĩ gì?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Với cương vị là một nhà giáo đã cao tuổi, câu chuyện này khiến cá nhân tôi cảm thấy buồn, lo lắng, trăn trở về sự thiếu liêm chính trong một bộ phận người thầy, một bộ phận những người làm quản lý giáo dục. 

Xã hội Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn đòi hỏi người thầy ngoài tri thức, cần phải trung thực, người quản lý giáo dục phải tận tâm. Tuy nhiên, do tác động từ những mặt trái của kinh tế thị trường, một số giáo viên, người quản lý giáo dục tại Trường ĐH Đông Đô đã đánh mất đi những phẩm chất này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin mà xã hội dành cho giáo dục… 

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, hiện nay chúng ta đang tiến tới Đại hội Đảng và trong các văn kiện ĐH Đảng đều nói đến khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Điều này đặt trách nhiệm nặng nề lên ngành giáo dục, đòi hỏi ngành giáo dục phải đào tạo ra những con người có tri thức, trung thực, tận tâm. Nếu không làm được điều này thì sẽ rất nguy hiểm cho đất nước.

PV: Ông có cho rằng, từ những sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo văn bằng 2 tại Trường ĐH Đông Đô đã bộc lộ rõ những lỗ hổng về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Đúng là trong sai phạm xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, trách nhiệm chính thuộc về nhà trường, đặc biệt là một bộ phận cán bộ quản lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, trong câu chuyện này, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng chưa làm tròn trách nhiệm, đặc biệt là trong việc giám sát, ngăn ngừa các hành vi gian lận, lách luật có thể xảy ra. Giáo dục đào tạo là nền tảng của tất cả sự phát triển trong xã hội và là cái gốc hình thành nhân cách con người. Do đó, qua câu chuyện này, rất mong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT cầu thị lắng nghe, nghiêm khắc xem xét, rà soát để rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp quản lý tốt hơn, phù hợp hơn.

PV: Mặc dù “không học, không thi” nhưng tại Trường ĐH Đông Đô đã có 193 người được cấp bằng và trong số này, đã có 55 người sử dụng văn bằng được cấp làm điều kiện xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ tiến sĩ. Liệu đây có thể xem là lời cảnh báo về sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận người học không, thưa ông?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Công bằng mà nói, trong câu chuyện này, người học đã chủ động bỏ tiền ra để mua bằng thật. Điều này cho thấy, những cá nhân này không phải là nạn nhân, mà họ chính là đồng phạm. Dù có biện minh bằng bất kỳ lý do gì thì đây cũng là những hành vi đáng xấu hổ, không thể chấp nhận được, nhất là với những người mang danh tri thức.

PV: Hiện có ý kiến cho rằng, ngoài việc phải thu hồi, hủy các văn bằng đã cấp sai quy định, cũng cần công khai danh tính những cá nhân này. Quan điểm của ông ra sao?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Việc công khai hay không công khai cần dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, trong câu chuyện này, cần nghiêm khắc với sai phạm và không bao che vi phạm trên tinh thần phải xử lý nghiêm túc để làm gương và răn đe những người khác.

PV: Từ câu chuyện của Trường ĐH Đông Đô, ông có cho rằng, nạn sính bằng cấp hiện vẫn còn phổ biến trong xã hội hiện nay?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Việc sính bằng cấp đang là vấn đề nan giải của giáo dục, của xã hội hiện nay. Thói sính bằng cấp có lẽ có từ thời xa xưa dần hình thành “văn hóa”. Đó là văn hóa học để “làm quan” trong chế độ phong kiến xưa vẫn còn rơi rớt cho đến ngày hôm nay. Một người làm quan sẽ làm vẻ vang dòng tộc, làng xóm, tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” đã tạo ra động cơ thúc đẩy việc học và thi. 

Bên cạnh đó, giáo dục của chúng ta vẫn nặng về thi cử, nặng bệnh thành tích. Tất nhiên, đã có học thì phải kiểm tra, đánh giá, song đó chỉ nên là phương tiện, còn mục tiêu cuối cùng mà người học hướng tới phải là học để làm việc, học làm người. Đó mới là động cơ học tập đúng đắn. Ngoài ra, cơ chế tuyển dụng và sử dụng hiện nay cũng bị ảnh hưởng văn hóa sính bằng cấp, dẫn đến quá chú trọng bằng cấp mà ít chú ý đến năng lực thực sự của người lao động.

PV: Các nước phát triển họ có lệ thuộc vào bằng cấp không và việc thi cử, tuyển dụng của họ được vận hành như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Bằng cấp ở các nước khác cũng được coi trọng nhưng gắn liền với đó là các yếu tố kinh tế, địa vị xã hội, là sự tự do trong tư duy. Tại Hoa Kỳ, như tôi biết, hiện nay, tại rất nhiều bang, trước khi sát hạch vào đại học, các ứng viên phải gửi cho nhà trường 4 bài tự luận. Qua các bài tự luận này, nhà trường sẽ phần nào biết được khẩu khí, tư cách của người học. Sau khi qua vòng này, họ mới cho phép tham gia vào các vòng thi trắc nghiệm hoặc kỹ thuật khác. 

Cá nhân tôi rất ấn tượng, cảm thấy thú vị với cách làm này và mong muốn các trường đại học tại Việt Nam cần nghiêm cứu, xem xét, học hỏi để có thể vận dụng phù hợp. Còn trong tuyển dụng, tại một số nước, trong hồ sơ tuyển dụng, người ta không có mục kê khai trình độ văn hóa, bằng cấp, mà thay vào đó là lịch sử quá trình giáo dục, kinh nghiệm làm việc và những vị trí việc làm, sản phẩm, công trình công bố được tạo ra do cá nhân người đó.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế nạn sính bằng cấp và bệnh thành tích vốn vẫn đang rất nặng nề trong xã hội?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Do có yếu tố văn hóa chi phối nên câu chuyện này không hy vọng có thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều. Điều này đòi hỏi chúng ta phải dày công, phải kiên trì, quyết liệt từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội để tạo ra một môi trường đào tạo ra bằng cấp trong sạch, không có gian lận kiểu “học giả bằng thật”; đổi mới thi cử, giúp người học nhận thức được mục tiêu, động cơ đúng đắn của việc học là để làm việc, để làm người. 

Cùng với đó là tạo lập môi trường sử dụng lao động hiệu quả, minh bạch, đánh giá con người theo năng lực và kết quả công việc ở vị trí việc làm chuẩn xác. Nếu chúng ta làm được những điều này thì động cơ để có bằng cấp bằng mọi giá sẽ giảm bớt.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文