Ngăn chặn “rác” độc trên không gian mạng
- Yêu cầu Google xử lý các video nhảm nhí, giật gân trên Youtube
- Video được xem nhiều nhất trên Youtube
- Xây dựng kênh YouTube về sách
Bài 1: Tràn lan video nhảm nhí, giật gân
Những video có nội dung như thế này có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, suy nghĩ, hành xử của người xem nhất là các em nhỏ.
Càng giật gân, càng nhảm càng “viu” cao
Cách đây chưa lâu, câu chuyện bà Tân- một người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé sống ở một vùng nông thôn tại tỉnh Bắc Giang bỗng dưng nổi tiếng bởi những video nấu những món ăn “siêu to, khổng lồ” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Những video của bà Tân trên youtube thu hút hàng triệu lượt xem với nội dung xoay quanh chỉ là những món ăn “siêu to, khổng lồ”. Người ta cũng đồn đoán về lợi nhuận cũng “siêu to, khổng lồ” mà bà Tân đã thu được từ mỗi video.
Sau đó, xuất hiện trào lưu người người làm video, nhà nhà làm video đăng tải trên youtube. Điều đặc biệt là, các video có nội dung càng giật gân, càng nhảm nhí lại càng thu hút đông người xem, thậm chí là cả học làm theo.
Múa quạt, một điệu múa gắn với cái tên của Khá “bảnh” tức Ngô Bá Khá được rất nhiều bạn trẻ và ngay cả các em bé mới 5,6 tuổi thuộc làu làu. Không khó để thấy hình ảnh một em bé trai hai tay chụm lại như chiếc quạt giơ lên cao và lắc lư giống như Khá “bảnh”.
Đơn giản chỉ là một cái chấm tay trên màn hình smartphone, hàng chục video clip Khá bảnh múa quạt trong bar, dạy cách múa quạt đẹp như Khá bảnh, Khá “bảnh” quẩy múa quạt… hiện lên trên ứng dụng youtube. Đi kèm với hình ảnh của Khá bảnh múa quạt là hình ảnh những thanh niên săm trổ đầy mình, cởi trần uống bia trong quán bar, quán karaoke rất “hổ báo” dưới thứ ánh sáng xanh đỏ mập mờ khói thuốc.
Cảnh ăn cá sống rùng rợn từng đăng tải trên youtube. |
Một chậu cá được dọn ra, bên trong chậu cá là lổn nhổn những con cá to bằng cả bắp chân người còn tươi sống đang nhảy tanh tách. Một thanh niên trong nhóm gồm 4, 5 người ngồi quanh chậu cá thản nhiên đưa con cá lên mồm cắn bốp một tiếng. Rồi, một người đàn ông bắt con cá chim nặng đến hơn 1kg, sau đó dùng dao ra cắt từng miếng thịt cá cho lên mồm nhai cùng với quả sung ngay cạnh bờ ao khiến người xem rợn tóc gáy. Những cảnh tượng hãi hùng này chính là những video về ăn cá sống từng được đăng tải trên youtube.
Thử làm nhà trên không cũng là một video sau khi đăng tải 2 tuần đã thu hút cả đến hàng triệu lượt người xem. Tuy nhiên, nội dung của video clip này đã khiến người xem không khỏi giật mình thót tim.
Căn nhà trên không do một nam thanh niên làm có khung sắt, vỏ bằng gỗ, sơn màu vàng cheo leo giữa không trung và cách mặt đất lên đến cả gần chục mét chỉ được nâng đỡ duy nhất bằng một chiếc cột thẳng đứng. Nam thanh niên một mình ngồi trong căn nhà chênh vênh và nói chuyện với các khán giả qua chiếc máy quay. Anh này còn giới thiệu thêm sẽ làm một video clip thử thách 24 giờ sống ở trong căn nhà này.
Không biết ý nghĩa mà video clip này hướng đến là gì, nhưng rõ ràng nó đã mang đến cho người xem sự tò mò rồi thót tim và sốc. Và, một điều cũng không thể biết được rằng, có bao nhiêu người nhất là trẻ em sau khi xem xong video clip này sẽ học làm theo.
Không chỉ dừng ở đó, bên dưới video clip này lại tiếp tục có thêm không biết bao nhiêu clip na ná nội dung như vậy như: Thử làm nhà dưới lòng đất; thử thách 24h sống trong nhà trên cây; thử thách sống trong thùng xốp… cũng đã thu hút hàng triệu lượt xem.
Từ video ảo đến cái chết thực
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, để làm ra được một clip sau đó chia sẻ lên mạng xã hội là một điều khá dễ dàng. Trào lưu này đã có từ khá lâu ở nước ngoài, tuy nhiên chỉ mới du nhập về Việt Nam đã được đón nhận mạnh mẽ.
Đặc biệt, khi mà youtube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà làm video thông qua các quảng cáo hiển thị trên video chia sẻ lên Youtube, càng khiến nhiều người tự thực hiện để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh những video được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh với nội dung hữu ích, lành mạnh thì lại xuất hiện rất nhiều sản phẩm có nội dung nhảm nhí, thậm chí điên rồ, gây sốc. Dường như càng độc, lạ và nhảm nhí, những video này lại càng thu hút người xem nhất là trẻ em.
Nguy hiểm hơn khi hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vì bận rộn với công việc mà giao cho con chiếc điện thoại thông minh và không kiểm soát những nội dung con em mình xem trên các trang mạng. Điều này vô tình đã giúp cho những video này nhanh chóng được trẻ nhỏ tiếp cận, tò mò thích thú dõi theo và kết quả là học làm theo.
Nhiều video mang nội dung độc hại trên mạng ảo nhưng đã để lại những hậu quả khôn lường, thậm chí là cái chết của trẻ nhỏ trong cuộc sống đời thực khiến rất nhiều người phải đau lòng. Đó là câu chuyện về trường hợp của một bé gái mới 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã tử vong vì làm theo video hướng dẫn trò thắt cổ trên yotube trong tháng 10/2020. Chỉ vì tò mò mà bé đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà… và bắt chước.
Trước đó, tháng 11/2019, bé trai 7 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh đã làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên mạng xã hội. Khi gia đình phát hiện ra bé thì toàn thân bé tím ngắt, rất may mắn bé đã được các bác sỹ can thiệp kịp thời và không mất mạng.
Còn tại Hà Nội, cách đây ít ngày, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận cháu M.Đ, 15 tuổi, quê Hải Dương trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ theo video hướng dẫn trên youtube. Chắc chắn đây chưa phải là dấu chấm hết cho những hệ lụy khôn lường từ việc xem và học làm theo những video clip có nội dung xấu, độc đang tràn lan trên mạng.