Ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa

06:47 29/11/2020
Công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, không chỉ phải hằng ngày, hằng giờ tiến hành đấu tranh bằng phương thức phi vũ trang, phòng chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mà còn phải sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống chiến tranh, xung đột quân sự bằng phương thức vũ trang. Vì vậy, vấn đề phòng ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa là một trong những kế sách quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong mục “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Chủ động phát hiện, có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng chỉ rõ mặt bất cập: “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động”.

Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, trong mục “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”, Dự thảo Báo cáo Chính trị khẳng định: “Phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa là chính… Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”.

Có thể khẳng định rằng, quan điểm ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa trong Dự thảo là sự tiếp tục quan điểm của Đảng đã được đề cập trong các Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thêm nội dung và cách diễn đạt vấn đề này như sau: “Có kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là ngăn ngừa các nguy cơ bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, xung đột quân sự, chiến tranh”.

Thứ nhất là, bổ sung thêm cụm từ “bảo vệ Tổ quốc”.

Bởi lẽ, quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” không chỉ hoàn toàn phù hợp với lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong những thập kỷ vừa qua, mà còn thể hiện sự kế thừa, nâng lên một tầm cao mới truyền thống, kinh nghiệm “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy” của ông cha ta trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất và thắng lợi vẻ vang; phù hợp với tình hình thế giới, khu vực và trong nước như đã được phân tích, dự báo trong Dự thảo Báo cáo Chính trị. 

Khẳng định quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là thể hiện tinh thần chủ động, tích cực chăm lo xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia ngay từ trong thời bình, ngay từ bây giờ. Xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, thực hiện “nước nhà cường thịnh, giang sơn thêm vững bền”, “quốc phú, binh cường” là “kế sách” bảo vệ Tổ quốc tích cực nhất, chủ động nhất và có hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh mới, thực hiện tốt quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là đối sách đúng đắn nhất nhằm “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn… giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mặt khác, bổ sung thêm cụm từ “bảo vệ Tổ quốc” vào trong mệnh đề này là thể hiện sự thống nhất giữa các nội dung trong Dự thảo Báo cáo Chính trị cả trong phần I “Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII”…  và trong phần II “Tầm nhìn và định hướng phát triển”.

Trong phần I, mục 2, Đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã khẳng định: “Mười năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã tạo ra những bước tiến quan trọng cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện, khẳng định những giá trị to lớn của Cương lĩnh”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị khẳng định: “Quán triệt sâu sắc phương châm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh và tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy” trên cơ sở xây dựng thế trận lòng dân vững chắc...”.

Thứ hai là, bổ sung thêm cụm từ “ngăn ngừa bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang”. Bởi lẽ, nếu chỉ có kế sách ngăn ngừa chiến tranh, xung đột không thôi thì đúng nhưng chưa đủ. Thực tiễn công cuộc bảo vệ Tổ quốc ở nước ta trong những năm qua cho thấy, chúng ta đã phải giải quyết các vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên (năm 2001, 2004) và ở Mường Nhé - Điện Biên (năm 2011)… Cho nên, vấn đề đặt ra là phải có cả kế sách để ngăn ngừa bạo loạn.

Thứ ba là, bổ sung thêm cụm từ “quân sự” sau từ xung đột. Bởi lẽ, nếu chỉ nói xung đột không thôi thì chưa hết nghĩa. Có rất nhiều loại xung đột. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ đề cập đến ngăn ngừa xung đột quân sự. Đặt nội dung ngăn ngừa xung đột quân sự với nội dung ngăn ngừa chiến tranh là hợp về logic cả nội dung và hình thức diễn đạt. Xung đột quân sự là ở mức độ thấp hơn so với chiến tranh.

Thứ tư là, sắp xếp lại trật tự các ý trong mệnh đề này theo quan niệm từ cái chung đến cái riêng; từ lớn (bảo vệ Tổ quốc) đến nhỏ (bạo loạn, xung đột, chiến tranh); theo mức độ, tính chất của các tình huống từ thấp đến cao: bạo loạn chính trị đến bạo loạn vũ trang đến xung đột quân sự và đến chiến tranh (hình thức cao nhất).

Để thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là ngăn ngừa các nguy cơ bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, xung đột quân sự, chiến tranh, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau đây:

- Chăm lo xây dựng đất nước vững mạnh toàn diện, nhất là kinh tế phát triển nhanh và bền vững, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại được củng cố, phát triển; chủ động phát hiện và giải quyết tốt các “điểm nóng”; giữ cho “trong ấm”, “ngoài êm”.

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh cả tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

- Quan tâm xây dựng CAND, QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhất là nâng cao khả năng tham mưu, dự báo chiến lược của các cơ quan chiến lược, các viện nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- Dự báo các tình huống, các kịch bản về an ninh, quốc phòng, quân sự sát đúng, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về các phương án để chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

- Thực hiện chiến lược đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, có nguyên tắc, tăng đối tác, giảm đối tượng. Thông qua hoạt động đối ngoại chủ động nắm bắt tình hình, các động thái liên quan đến an ninh, quốc phòng để tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về đối sách và biện pháp xử lý, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp một cách phù hợp, hiệu quả.

- Luôn luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên nắm chắc và hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cả bên trong và bên ngoài. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hạn chế và đập tan các chiêu bài mà các thế lực thù địch dựng lên để lấy cớ tiến hành các hoạt động vũ trang và phi vũ trang chống phá cách mạng.

Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Vĩnh Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự – Bộ Quốc phòng

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文