Nhà khoa học phản bác kết luận của Bộ Tài nguyên – Môi trường
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết: "Nếu cá chết do thuỷ triều đỏ thì phải có hiện tượng màu nước, tuy nhiên chưa thấy có hình ảnh màu nước khác lạ ở khu vực này".
"Với quy mô cá chết rộng như vậy, nếu do thuỷ triều đỏ thì ảnh viễn thám sẽ ghi nhận được. Bộ Tài nguyên – Môi trường có Trung tâm viễn thám quốc gia, phải kiểm tra xem có thuỷ triều đỏ ở vùng đó không. Việc phân tích một vài con tảo độc chưa thể có kết luận".
"Tảo độc không có nghĩa là thuỷ triều đỏ. Tảo độc là một loại tảo gây hại, luôn tồn tại trong môi trường. Nhưng nó chỉ trở thành thuỷ triều đỏ nếu vùng biển đó bị ô nhiễm chất hữu cơ, thừa dinh dưỡng, là môi trường thuận lợi cho loài tảo độc phát triển".
"Hơn nữa, nếu thuỷ triều đỏ xảy ra thì nó không di chuyển xa như vậy, xảy ra chỗ nào thì chỉ ở phạm vi đó. Việc xác định cá chết do thuỷ triều đỏ là không có căn cứ. Nếu Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định do thuỷ triều đỏ thì phải đưa ra dẫn chứng, phương pháp làm. Thuỷ triều đỏ đã từng xảy ra ở khu vực biển Ninh Thuận còn vùng biển Hà Tĩnh gần như chưa từng xảy ra".
Nhiều năm nghiên cứu về biển, PGS Chu Hồi khẳng định, hiện tượng cá chết hàng loạt diễn ra ở quy mô lớn, phân bố rộng, thời gian kéo dài chứng tỏ rằng có chất ô nhiễm độc tố rất cao, gây hại mạnh.
Khu vực biển xảy ra cá chết nằm ở ven bờ Tây vịnh Bắc Bộ, là nơi luôn luôn tồn tại dòng chảy biển có tốc độ rất mạnh, độ sâu 20-30m. Khi chất độc vào khu vực này sẽ di chuyển xuống phía Nam rất nhanh.
Cá chết vẫn tiếp tục dạt vào bờ. |
"Chất độc này không chỉ lớn mà còn có khả năng lan truyền rất nhanh trên biển. Nơi xảy ra nguồn ô nhiễm có thể là địa điểm đầu tiên ở phía Bắc, cụ thể là Hà Tĩnh. Theo dòng chảy, chất độc này sẽ lan truyền xuống phía Nam, nếu không ngăn chặn sẽ ra tới cửa vịnh Bắc Bộ" – PGS Chu Hồi phân tích.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội động vật Việt Nam cũng cho rằng, kết luận cá chết do thuỷ triều đỏ là không có căn cứ.
"Cá chết trên diện rộng, kéo dài dọc 4 tỉnh, nay đã lan truyền sang cả Đà Nẵng. Nếu thuỷ triều đỏ xảy ra thì phạm vi của nó khá hẹp, không thể rộng như vậy. Khả năng cao vẫn là do việc xả thải của các cơ sở công nghiệp. Cần phải sớm công bố kết quả phân tích mẫu nước thải để xem có độc tố hay không. Nói cá chết do thuỷ triều đỏ thật khó tin" – GS Huỳnh nói.
Vị chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường này cũng nói thêm: "Để xác định nguyên nhân cá chết có sự tham gia của rất nhiều Bộ, ngành, vậy mà đến nay vẫn chưa đưa ra được kết luận chính thức. Đánh giá nguyên nhân phải thận trọng, chính xác nhưng cũng phải nhanh chóng để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân".
Hội nghề cá Việt Nam: Nguyên nhân cá chết ở miền Trung không do thủy triều đỏ Chiều ngày 28-4, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT... về việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung thời gian qua. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phụ trách thủy sản), Hội nghề cá đồng tình với nguyên nhân cá chết có thể do độc tố mà Bộ TN-MT đưa ra tại cuộc họp ngày 27-4 vừa qua. Tuy nhiên, nguyên nhân do thủy triều đỏ (hay còn gọi tảo nở hoa) nên được loại trừ. Những biểu hiện đặc trưng của thủy triều đỏ không được ghi nhận trong thực tế như lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển; cá ở tầng mặt chết hàng loạt và xác tảo trôi dạt vào bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm.. Ngoài ra, Hội này cũng cho biết, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy nguyên nhân cá chết do tác động từ động đất, sóng thần. Vì vậy, giả thiết chất độc do con người gây ra là tương đối có cơ sở. “Hội nghề cá cũng bày tỏ nguyện vọng của ngư dân, mong muốn sớm có câu trả lời nguồn độc tố từ đâu ra”, ông Nguyễn Việt Thắng cho hay. |