Nợ đọng xây dựng Nông thôn mới:

“Vung tay quá trán” xây dựng Nông thôn mới: Thích đẹp nên nhanh xẹp!

23:44 06/07/2016
Nhiều địa phương vì chạy theo thành tích đã dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tổng nợ đọng chương trình này của cả nước đã lên đến hơn 11 nghìn tỷ đồng. Vấn đề cần bàn lúc này là lấy tiền đâu trả nợ vẫn đang khiến các địa phương đau đầu.


5 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Từ một chính sách nhân văn, người dân đã có cơ hội cải thiện đời sống văn hóa, kinh tế.

Song, trong thực thi, nhiều địa phương vì chạy theo thành tích, áp lực về đích bằng mọi giá đã dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tổng nợ đọng chương trình này của cả nước đã lên đến hơn 11 nghìn tỷ đồng. Vấn đề cần bàn lúc này là lấy tiền đâu trả nợ vẫn đang khiến các địa phương đau đầu.

Khi địa phương nằm trên đống nợ

Khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, nhất là những xã đã về đích NTM, đều thấy số nợ đọng vượt ngưỡng kiểm soát của địa phương. Có những xã nghèo nợ tới 20 tỷ đồng, thậm chí có xã nợ kỷ lục lên tới hơn 40 tỷ đồng.

Thừa Thiên-Huế là một tỉnh nghèo, trong quá trình xây dựng NTM cũng xảy ra nợ đọng. Đặc biệt, huyện Quảng Điền có tới 90% số xã nợ đọng. Khảo sát tại xã Quảng Thành, nơi được chọn làm điểm của huyện đã để xảy ra nợ đọng hơn 3 tỷ đồng.

Công trình hoành tráng nhưng nợ đọng tại Thanh Hóa.

Nhiều người dân cho biết, đời sống kinh tế khó khăn nên phải vay mượn tiền đóng góp. Các công trình nhà văn hóa, trụ sở làm việc ra đời, nhưng cùng với đó là vốn được cấp, cùng tiền nhân dân đóng góp cũng không đủ để trang trải. Cũng ở huyện Quảng Điền, xã Quảng Thọ tính đến nay mới đạt 13/19 tiêu chí, nhưng đã nợ lên tới gần 7 tỷ đồng.

Thực tế ở huyện Nam Đông, hiện có 50% số xã đạt chuẩn, nhưng hầu hết các xã nợ đọng. Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu các địa phương gửi báo cáo tổng hợp nợ đọng xây dựng NTM để có biện pháp xử lý.

Ở một tỉnh miền trung, Quảng Bình, địa phương được xác định kinh tế còn nhiều hạn chế. Nhưng vì thành tích, và mới có 30 xã đạt chuẩn, nhưng số nợ đọng xây dựng lên đến 470 tỷ đồng. Xã nợ đọng nhiều nhất là Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch, số tiền lên đến 36 tỷ đồng.

Ở địa phương khác, Nghệ An có 112 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 25,9%, vượt mức 5,9% so với kế hoạch; tổng số tiền huy động là 20.912,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm 31%. Thế nhưng, dù nhiều thành quả đạt được thì hầu hết các xã đều đang đau đầu với các khoản nợ đọng. Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nghệ An, đến tháng 6-2016, nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến 887 tỉ đồng.

Hay tại Thanh Hóa, lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết toàn tỉnh có 573 xã làm nông thôn mới, trong đó 113 xã đã đạt chuẩn mà chỉ có 16 xã không nợ hoặc nợ rất ít. Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Số nợ của Thanh Hóa là 1.160 tỷ đồng.

Đây là con số lớn đối với tỉnh nhà, hiện nay chúng tôi cùng với các địa phương đang nỗ lực tìm cách trả nợ”. Tìm hiểu các địa phương, xã Quý Lộc (huyện Yên Định) đang gánh món nợ vô cùng khó giải quyết, hiện nay còn 16 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Lộc, bày tỏ: “Mệt vì áp lực, nay lại mệt vì nợ nần”.

Điều đáng nói, Quý Lộc không chỉ là trường hợp cá biệt của huyện NTM Yên Định, được nhận quyết định vào ngày 20-5-2016, rất nhiều xã khác khi cán đích thì cùng đội món nợ khổng lồ, như Yên Trường nợ 21 tỷ đồng, Định Hải 5 tỷ đồng, Định Tân hơn 10 tỷ đồng… Ở các huyện khác của xứ Thanh, tình trạng tương tự như tại huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Thịnh nợ 5 tỷ đồng, xã Hoằng Đồng gần 10 tỷ đồng, tại huyện Nga Sơn, xã Nga An nợ trên 20 tỷ đồng...

Nhìn bao quát hơn, theo cập nhật mới nhất của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và tìm hiểu của chúng tôi, nợ đọng xây dựng cơ bản không loại trừ một vùng miền nào, thậm chí ở các huyện đã “về đích” vẫn loay hoay với bài toán nợ nần. Theo thống kê của 44/51 tỉnh, thành tiền nợ đã lên đến 11.700 tỷ đồng (vẫn còn 12 tỉnh chưa có báo cáo), tập trung vào 10 tỉnh, thành chiếm 82,7% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của cả nước...

Đâu là nguyên nhân?

Theo tìm hiểu ở các địa phương, lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố cho rằng, nguyên nhân nợ đọng là do cấp xã không lo được nguồn vốn đối ứng, dẫn đến loay hoay vì không tìm đâu ra kinh phí.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra, là Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ thay đổi, do Trung ương không cân đối được ngân sách nên ngày 8-6-2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2010-2020.

Bộ mặt nông thôn đổi mới.

Trong đó, chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho: quy hoạch; xây dựng trụ sở; kinh phí cho đào tạo. Các hạng mục khác chỉ hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số công trình đã xây dựng xong nhưng địa phương không có vốn trả nợ.

 Ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Nghệ An khẳng định: “Tỉnh không có chủ trương ép các xã phải cán đích NTM.

Việc một số xã rơi vào nợ nần sau khi đạt chuẩn NTM là do họ tự ý đi vay để xây dựng công trình, trong đó có các công trình hoành tráng”. Còn tại Thanh Hóa, ông Trần Đức Năng cho biết, trước khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương, thì cả xã và huyện đều có cam kết nguồn vốn đối ứng, nguồn trả nợ.

Một căn nguyên khác cũng là tiêu biểu của hầu hết các địa phương, là do áp lực về tiêu chí, thậm chí “chạy tiến độ”, dẫn đến nhiều hạng mục công trình phải làm gấp các tiêu chí khó đạt và cần đầu tư nhiều tiền là: giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, chợ, hộ nghèo…

Trong khi đó lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhiều tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp, chưa tự cân đối được ngân sách, dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi. Thêm nữa việc phân bổ ngân sách Trung ương rất thấp.

Thực tế tại nhiều địa phương, phóng viên chứng kiến nhiều vùng nông thôn còn nghèo, nhưng lại xây trụ sở UBND xã rất lớn; các công trình trung tâm văn hóa, trường học, trạm y tế xã, cổng làng… cũng được đầu tư tốn kém, vượt công năng sử dụng nên dẫn đến nợ nần. Nhưng dù thế nào thì đó cũng là khoản nợ khổng lồ, mà theo như nhiều chuyên gia là đã “vung tay quá trán”.

Hướng giải quyết tiếp theo

Hiện nay, các cấp địa phương đang tích cực tìm cách tháo gỡ nợ nần. Có xã đặt mục tiêu bán đất công. Có xã đề xuất cấp trên hỗ trợ và giảm vốn đối ứng của địa phương, bởi nguồn vốn đối ứng 30% là quá sức của các địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về cơ chế đầu tư đặc thù trong xây dựng NTM, theo đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để giao cho cộng đồng và người dân tự triển khai các công trình xây dựng quy mô nhỏ, đơn giản trong Chương trình xây dựng NTM; góp phần giảm 30-40% chi phí của công trình (so với trường hợp phải đấu thầu hoặc thuê doanh nghiệp thi công).

Nhiều xã vung tay quá trán, khiến khoản nợ kếch xù. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Đồng thời, hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang hoàn thiện phương án sửa đổi bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới để ban hành bộ tiêu chí NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020, theo đó đối với 9 tiêu chí về cơ sở hạ tầng sẽ được làm “mềm hoá”, cho phép địa phương áp dụng mức đạt chuẩn linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi). Như vậy, sẽ tránh việc đầu tư quá lớn cho những công trình chưa thực sự cần thiết, hoặc đầu tư quy mô quá mức để đạt chuẩn.

Thêm nữa, có một tin mừng là trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội đã cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tối thiểu ở mức khoảng 193.000 tỷ đồng (trong đó 63.000 tỷ đồng là từ ngân sách Trung ương, và 130.000 tỷ đồng là từ địa phương các cấp).

Như vậy, nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2011-2015; ngân sách địa phương tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ của 5 năm trước.

Dẫu vậy chính các địa phương phải chủ động hơn trong quá trình thực thi công việc. Kinh nghiệm cho thấy, quá nhiều xã trước đây trông chờ vào việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng chưa bán được thì đã cấp tập xây dựng, thực chất là “đếm cua trong lỗ”.

Đến khi thị trường chững lại thì đất không bán được mà tiền cũng chẳng có. Một vấn đề khác, là chính các địa phương chưa biết lượng sức mình, đã bằng mọi cách để về đích, trong khi đó điều kiện chưa đủ mạnh. Điều này vốn đã được cảnh báo, song thời gian tới cần được các địa phương tích cực tuyên truyền, chỉ đạo để các địa phương thực hiện theo đúng tinh thần.

Hải Miên

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文