Những chiêu thức gây nhiễu việc luật hóa an ninh mạng

08:50 04/12/2017
Mượn gió bẻ măng, không ít cá nhân, tổ chức thù địch hải ngoại với sự “hà hơi” của đối tượng chống phá trong nước liên tục khuấy đảo thông tin, bôi nhọ, xuyên tạc, cho rằng Nhà nước Việt Nam o ép thông tin, gây khó khăn cho nhà mạng...

I - Kiểu “mổ xẻ” có tính kích động, phá hoại

Vấn đề được quan tâm trong dự thảo Luật An ninh mạng (đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4) là quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải có máy chủ quản lý dữ liệu người dùng đặt tại Việt Nam. Một số thông tin khi đưa vấn đề đã trích dẫn không đầy đủ, dễ gây hiểu lầm trong dư luận. Lợi dụng việc này, nhiều tổ chức, cá nhân thù địch tìm cách chống phá, “mổ xẻ” những quy định trong dự luật để quy kết rằng Nhà nước Việt Nam soạn luật để siết, “đuổi” những nhà mạng lớn như Facebook, Youtube… ra khỏi Việt Nam. 

Khoản 4, Điều 34, Dự thảo Luật An ninh mạng quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

Dự thảo này là sự phát triển từ Điều 24, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Trong dự thảo luật, không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội mà các dịch vụ viễn thông, Internet… của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ quy định này.

Một số báo khi đưa tin về quy định này đã viện dẫn Google và Facebook, là hai trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng ở Việt Nam (thực tế, ở Việt Nam còn có nhiều trang mạng tìm kiếm lớn khác như Yahoo, Cốc Cốc (nội địa), Amazon, Viber, Zalo… và nhiều trang mạng chuyên đề như Wikipedia, Wikileak, Youtube). Điều này tác động lo lắng cho người dân đang sử dụng những dịch vụ phổ biến là Google và Facebook, từ đó gây ra làn sóng chỉ trích, phản ứng quy định mà dự thảo Luật An ninh mạng đưa ra.

Thậm chí, có thông tin “câu view” bằng nhận định gây sốc và rất chủ quan như: Google và Facebook sẽ rút khỏi Việt Nam một khi bị yêu cầu phải đặt máy chủ quản lý người sử dụng tại Việt Nam!

Thực tiễn, Google, Facebook, Youtube… đang là những trang mạng thông dụng, phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước khác. Cùng những tiện ích to lớn mà những trang mạng này mang lại, giúp kết nối cộng đồng, tra cứu, truyền tin, hình ảnh… với quy mô và tốc độ nhanh thì nó cũng gây ra nhiều hệ lụy, trong đó nhiều trang mạng tán phát tin, bài, clip có nội dung chống Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc, bôi đen tình hình chính trị xã hội Việt Nam, xúc phạm lãnh tụ; các nội dung xâm phạm quyền tự do, dân chủ, nhân phẩm, danh dự cá nhân, tổ chức xảy ra khá thường xuyên trên những trang mạng này.

Việc cho rằng, nếu dự thảo luật được thông qua thì Google và Facebook sẽ rút khỏi Việt Nam và sẽ gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đây là suy đoán rất thiếu căn cứ, mục đích nhằm gây sốc và gây phản ứng từ dư luận. Trong nhiều ý kiến trên comment ở các bài báo về chủ đề này, nhiều đọc giả tỏ ý ngạc nhiên bởi kiểu dẫn dắt vấn đề gây sốc như vậy, khi mà chính Google và Facebook cũng chưa bao giờ nghĩ tới kịch bản đó. Có bài câu view kiểu  như “bỗng dưng, một buổi sáng ngủ dậy, Google và Facebook biến mất”!

Theo đà, còn đăng hẳn những thông tin quảng cáo, giới thiệu cơ sở hạ tầng Cloud Campus của “gã khổng lồ Google” đặt tại Council Bluffs (Mỹ) cũng như cơ sở hạ tầng của Facebook đặt tại Prineville, bang Oregon (Mỹ). Trong khi cái mà người Việt Nam đang thiếu chính là phát triển một trình tìm kiếm, lướt web riêng của người Việt thì không hề thấy mạng đề cập đến. Vậy động cơ thực sự của những thông tin phiến diện, gây sốc như vậy là gì?

Trong khi đó, mượn gió bẻ măng, không ít cá nhân, tổ chức thù địch hải ngoại với sự “hà hơi” của đối tượng chống phá trong nước liên tục khuấy đảo thông tin, bôi nhọ, xuyên tạc, cho rằng Nhà nước Việt Nam o ép thông tin, gây khó khăn cho nhà mạng.

Giải pháp về một phần mềm tìm kiếm nội không phải bây giờ mới được nêu ra. Trong suốt những năm đầu thế kỷ XXI, nó được nhắc đến trong không ít các hội nghị về công nghệ thông tin – tin học, về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, trong việc thiết lập chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Nhưng vì nhiều lý do yêu cầu này chưa đạt được. Thế kỷ XXI là thế kỷ của các cuộc chiến tranh phi quân sự, trong đó người ta đề cập nhiều đến chiến tranh thông tin. Ai nắm nguồn lực thông tin, người đó có ưu thế, có điều kiện để chi phối các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và cả chính trị.

Câu chuyện chưa dứt về việc Mỹ và phương Tây nhiều lần buộc tội Nga can thiệp vào kết quả bầu cử ở Mỹ, rồi Trung Quốc với dân số lớn nhất thế giới đã từ chối Google và Facebook, đã cấm Wkipedia hoạt động tại Trung Quốc (trừ Đài Loan)… cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận với công nghệ thông tin truyền thông hiện đại mà Internet là nền tảng. Trong 20 năm qua, kể từ ngày 19-11-1997, khi ông Mai Liêm Trực, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu chính viễn thông bấm nút kết nối hệ thống mạng của Việt Nam với hệ thống Internet toàn cầu, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như các dịch vụ mạng ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ rất cao. Thành tựu đó đem lại nhiều tiện ích cho đời sống của người dân cũng như việc quản lý xã hội của Nhà nước, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi vị trí nước kém phát triển để vươn lên tầm các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sự vật, hiện tượng nào cũng có mặt trái của nó.

Theo thống kê từ cơ quan an ninh mạng, chỉ trong vòng 5 năm kể từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi tháng có hàng trăm tin, bài, clip tung lên mạng Internet những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật, bôi nhọ cá nhân và tổ chức, thậm chí ra mặt chống đối chính quyền, mượn danh yêu nước để phá hoại quan hệ đối ngoại của Việt Nam, mượn danh chống tham nhũng để đòi lật đổ chế độ chính trị hiện hành. Những tin, bài, clip này chủ yếu được phát trên hai trang mạng Facebook và Youtube, hai trang mạng được nhiều người Việt Nam (cả ở trong và ngoài nước) sử dụng. Tuy nhiên, vì máy chủ của các trang này đặt ở nước ngoài nên việc điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ, việc kết nối mạng Internet đã tạo ra nhiều lỗ hổng trong quản lý tài chính tiền tệ. Nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước đã rao bán tiền VND giả trên các trang mạng xã hội, đã sử dụng việc buôn bán, trao đổi thông tin thương mại trên mạng để trốn thuế và che giấu nhiều hành vi phạm pháp khác. Tiến trình phá nhiều vụ án rửa tiền ở nước ngoài, buôn bán chất ma túy, buôn lậu, đánh bạc xuyên quốc gia… rất khó khăn vì không ít nhà cung cấp dịch vụ mạng từ chối hợp tác với cơ quan điều tra của Việt Nam, ngay cả khi có văn bản của Interpol.

Trong lĩnh vực văn hóa, các thông tin xấu độc vẫn hằng ngày lan tràn trên các tuyến thông tin, những trang web khiêu dâm, kích động bạo lực, tuyên truyền cho lối sống sa đọa… vẫn chưa bị ngăn chặn triệt để đã tác động xấu thậm chí làm băng hoại đạo đức của một bộ phận không nhỏ người dân. Lĩnh vực an toàn thông tin, trong 5 năm gần đây cũng xuất hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trung bình hằng tháng có vài chục vụ tấn công của tin tặc từ nước ngoài vào các hệ thống truyền thông, vào các trung tâm dữ liệu của các ngân hàng, sân bay, các cơ quan nhà nước, các tổ chức tư nhân, các trang báo mạng, thông tin mạng.

Những cuộc tấn công ấy nhằm đánh cắp thông tin, dữ liệu, hoặc phá hoại sự hoạt động bình thường của hệ thống, hoặc với cả hai mục đích. Nếu như những cuộc tấn công mạng trên diện rộng có thể dễ dàng bị kiểm soát và vô hiệu hóa bởi những quy định chia sẻ thông tin chống mã độc của các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới thì những cuộc tấn công nhằm vào một khu vực hẹp, thậm chí chỉ vào một hệ thống máy chủ ở trong nước khó kiểm soát và khống chế hơn nhiều.

(Còn nữa)

Tân Hoàng Minh

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文