Quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị làm “biến dạng” ra sao?
- Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Thủ Thiêm Group “cố đấm ăn xôi”?
- Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vướng mắc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Nhiều vấn đề cần làm rõ ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Theo nội dung bản Thông báo cho thấy nhiều vấn đề của KĐTM Thủ Thiêm cần phải xem xét như quy hoạch, công khai giải quyết khiếu nại, đối thoại với người dân…
Trong đó, thành phố đã có nhiều động thái khiến khu đô thị này thay đổi so với quy hoạch ban đầu. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã tự ý tăng 10ha so với thẩm định của Bộ Xây dựng, sau đó giảm diện tích rồi lại bổ sung 4,3ha ngoài quy hoạch đã được phê duyệt.
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
KĐTM Thủ Thiêm vốn được quy hoạch là khu đô thị hiện đại, bền vững, có quy mô, tiêu chuẩn tầm cỡ khu vực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành để xảy ra những thiếu sót, vi phạm, gây phát sinh khiếu nại đông người kéo dài.
Trước đó, để làm cơ sở pháp lý triển khai việc xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, ngày 28-8-1995, UBND TP Hồ Chí Minh có tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định quy hoạch chi tiết Khu trung tâm mới Thủ Thiêm.
Đến ngày 15-5-1996, Bộ Xây dựng gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ đề nghị xét duyệt quy hoạch khu đô thị này khoảng 759,7ha được giới hạn bởi: phía Bắc giáp sông Sài Gòn và Xa lộ Hà Nội; phía Nam giáp sông Sài Gòn (cảng Sài Gòn và huyện Nhà Bè); phía Tây giáp sông Sài Gòn (Trung tâm thành phố hiện có và quận 1); phía Đông giáp xã An Phú, huyện Thủ Đức cũ.
Tuy nhiên, ngày 27-5-1996, UBND thành phố gửi tờ trình đề nghị Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm với diện tích 770ha (theo phạm vi lập quy hoạch) - nhiều hơn khoảng 10ha so với thẩm định của Bộ Xây dựng; đồng thời bổ sung khu chuyển dân tái định cư (TĐC) 160ha giáp ranh phạm vi lập quy hoạch (chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng).
Trên cơ sở tờ trình của TP Hồ Chí Minh và văn bản của Bộ Xây dựng, ngày 4-6-1996, Thủ tướng ký Quyết định số 367/TTg phê duyệt quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm với tổng diện tích 930ha, trong đó KĐTM 770ha với dân số khoảng 200.000 người, khu TĐC 160ha với dân số 45.000 người. Sau khi có Quyết định 367/TTg, TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến khu đô thị này bị “biến dạng” và đó là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều hệ lụy.
Trong đó, có thể kể lần “biến dạng” đầu tiên dẫn đến ranh quy hoạch bị nhập nhèm xuất phát từ Quyết định số 13585/KTST-QH do ông Lê Văn Năm, Kiến trúc sư trưởng thành phố (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc - QH-KT) ký đã điều chỉnh diện tích và ranh giới, trong đó giảm khoảng 26,3ha (bao gồm 3ha mặt nước) so với Quyết định số 367/TTg, với lý do “đã giao đất cho 5 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại với tổng diện tích 23,3ha thuộc phường Bình An, quận 2, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và bổ sung vào trong ranh quy hoạch khoảng 4,3ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay”.
Chính việc nhập nhèm này khiến vị trí, giới hạn quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm được phê duyệt không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa.
Về thực hiện khu TĐC160ha được nêu trong Quyết định 367/TTg, thông báo của Thanh tra Chính phủ khẳng định UBND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu TĐC 160ha đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, thành phố đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng... sau khi Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch khu TĐC.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh còn không lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 trước khi giao đất, nhưng vẫn được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để các dự án đầu tư xây dựng. Đúng ra UBND TP Hồ Chí Minh cần tạm thời dừng giao đất cho các dự án không cấp thiết, quản lý biến động của quỹ đất trong khu vực được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thì lại chấp thuận chủ trương, tạm giao cho 6 dự án với diện tích 27,7ha và giao đất chính thức cho 45 dự án với tổng diện tích gần 117ha…
Việc làm này dẫn đến hậu quả không đủ đất để bố trí TĐC theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo tìm hiểu, hầu hết trong số 51 dự án làm “biến dạng” đất TĐC nói trên được thành phố giao đất từ thời điểm 4-6-1996 đến 22-2-2002, tức là từ sau Quyết định 367/TTg đến trước khi có Công văn 190/CP-NN, thậm chí có 10 dự án tiếp tục được giao đất sau thời điểm có Công văn 190/CP-NN.
Đúng ra, các sở, ngành của thành phố phải tham mưu đề xuất UBND thành phố xây dựng TĐC cho dân trước, sau đó mới giao đất cho dự án. Việc này cho thấy kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở QH-KT, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận 2 thời kỳ đó có trách nhiệm liên quan để đất TĐC bị “biến dạng”.
Điều đáng nói, UBND TP Hồ Chí Minh khi điều chỉnh quy mô KĐTM Thủ Thiêm vào năm 2005 với Quyết định 6565/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Đua ký, còn không đề cập đến 160ha đất TĐC của KĐTM Thủ Thiêm mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trước đó.
Hệ lụy là đến thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra, tổng diện tích đất đã được quy hoạch và thực hiện đầu tư khu TĐC chỉ có 46,1ha. Chưa kể, các lần điều chỉnh quy hoạch của UBND thành phố vào thời điểm năm 2005 và 2012 đã loại bỏ chức năng trung tâm hành chính (18ha) mà trước đó Quyết định 367/TTg của Thủ tướng đã xác định rõ...
Từ những việc làm “nhập nhèm” trên, Thanh tra Chính phủ đánh giá công tác quản lý sử dụng đất KĐTM Thủ Thiêm của TP Hồ Chí Minh đã bị buông lỏng, thiếu kiểm soát, giao đất tràn lan cho các dự án, làm phá vỡ không gian, quy mô quy hoạch, đặc biệt là không bảo đảm được quỹ nhà, đất phục vụ TĐC theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã nêu, trên cơ sở đó thực hiện kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, TĐC… để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.