Tăng sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch” trước vấn nạn tin giả

08:10 17/01/2021
Nhận diện tin giả, nguyên nhân xuất hiện, tác hại của nó và đề xuất giải pháp ngăn chặn tin giả để người dân có ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay.


Tin giả đã xuất hiện từ lâu trên thế giới song, những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Nhận diện tin giả, nguyên nhân xuất hiện, tác hại của nó và đề xuất giải pháp ngăn chặn tin giả để người dân có ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay. 

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PV: Lượng tin giả đang có xu hướng ngày càng gia tăng trên môi trường mạng. Theo bà, việc tin giả “bùng phát” nhiều nơi, đặc biệt là trên các mạng xã hội gây ra những hệ lụy gì?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Theo định nghĩa đang được giới chuyên môn đưa ra, tin giả (Fake News) là thông tin không dựa trên sự thật, nguồn phát thông tin cố tình nguỵ tạo, nhưng thông tin lại thể hiện dưới hình thức tin tức thật. 

Nói cách khác, tin giả dựa trên nội dung nguỵ tạo bằng cách phóng to, thổi phồng và nhấn mạnh chi tiết không đúng bản chất, cắt chi tiết có thật, thay đổi cấu trúc nội dung làm méo mó nội dung thông tin, hoặc nội dung hoàn toàn bịa đặt. Tin giả đi kèm với thông tin nguy hại gây rối loạn thông tin dẫn đến ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá tinh thần xã hội, từ đó gây bất ổn cho an ninh, chính trị; trật tự, an toàn xã hội. 

Các lực lượng phản động, thù địch thường xuyên tổ chức việc sản xuất và phát tán tin giả như là một thủ đoạn rắp tâm hãm hại, hạ thấp uy tín, danh dự, phẩm giá của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội, Công an; từ đó gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, với thể chế chinh trị, Nhà nước pháp quyền. 

Đặc biệt, tin giả và tin nguy hại nếu không bị xử lý kịp thời sẽ là tác nhân kích động, gây chia rẽ, ly gián lòng người, tạo sự phân tâm trong các giai tầng xã hội, gieo rắc sự hoang mang, bi quan, hoài nghi, chán nản, thất vọng, mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân. 

Trong nhiều trường hợp, các cá nhân là nạn nhân trong các vụ thông tin sai sự thật có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thậm chí có thể khiến các nạn nhân có hành động nguy hiểm đến tính mạng. Hệ quả cụ thể là ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức. Các doanh nghiệp là nạn nhân của tin giả có thể “khuynh gia bại sản” nếu không xử lý kịp thời và chịu khủng hoảng do tin giả gây nên.

PV: Theo bà, người dân, công chúng có thể phân biệt, nhận diện tin giả, tin thất thiệt bằng cách nào?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Tại Việt Nam, mặc dù pháp luật đã có quy định về hình phạt đối với hành vi phát tán tin giả, phát tán thông tin nhằm mục đích vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức và cũng đã có nhiều người bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự về hành vi này nhưng cho tới nay, câu chuyện tin giả vẫn là vấn nạn. 

Điều này cho thấy, không chỉ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có giải pháp hiệu quả hơn với những người cố tình đưa thông tin giả, thông tin độc hại tới cộng đồng mà chính người dùng mạng xã hội nói riêng và người dân nói chung cần có sự tỉnh táo khi tiếp nhận tin từ những nguồn tin không chính thống. 

Để tránh mắc bẫy tin giả, người đọc không nên tin ngay mà cần kiểm tra chéo trên các báo chí chính thống cũng như nguồn tin chia sẻ vì hiện nay có rất nhiều nguồn không rõ căn cứ. 

Một số kinh nghiệm được nhiều chuyên gia chia sẻ trong việc nhận diện tin giả gồm truy nguồn thông tin, xem tin đó đăng tải ở đâu, tên hiển thị là gì, tên miền là gì, ai là người chia sẻ. Bước tiếp theo, độc giả cần những biện pháp mang tính kỹ thuật hơn như xem thông tin có khách quan, đa chiều không hay chỉ một chiều, viết theo chủ quan của người viết? Các thông tin đưa ra có bằng chứng không, được đơn vị nào có thẩm quyền thẩm định không? 

Nói cách khác, để phòng tránh tin giả thì chúng ta nên tập tư duy phản biện và đừng tin vào bất cứ thông tin gì ngay lần đầu đọc nó. Đặc biệt, khi gặp một thông tin trái với dòng chảy thông tin thông thường đang diễn ra thì chúng ta nên bình tâm đọc kỹ, suy xét cẩn thận và cuối cùng, khi chia sẻ (share) thông tin gì, hãy nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng, nghĩ đến hậu quả nếu đó là tin giả để thận trọng hơn.

PV: Cần phải làm gì để tăng “sức đề kháng”, tạo khả năng “miễn dịch” cho công chúng trước vấn nạn tin giả hiện nay, thưa bà?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Để có thể tạo được khả năng miễn dịch đủ mạnh, đủ lớn trong cộng đồng, mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần có ý thức trách nhiệm với chính bản thân, với cộng đồng xã hội, có hiểu biết về pháp luật, xây dựng được ý thức cảnh giác với tin giả, luôn tỉnh táo, thận trọng trong việc đưa và tiếp nhận thông tin, chia sẻ, bình luận, luôn coi trọng nguyên tắc và chuẩn mực văn hoá, đạo đức khi tham gia và tiếp nhận thông tin trên không gian mạng. 

Cần rèn cho mình kỹ năng nhận biết tin giả như kiểm tra xuất xứ thông tin, kiểm tra tựa bài có khớp với nội dung, kiểm tra thời gian thông tin, xem xét nguồn tin trong bài, xem xét độ phủ sóng và xem xét chủ quan bản thân, tự rèn thói quen đọc tin chính thống, kiểm chứng thông tin trước khi ấn like, share hoặc bình luận. 

Nên tìm đọc các chỉ dẫn của các chuyên gia nghiên cứu về tin giả đăng tải trên các tạp chí khoa học, các trang web của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông có uy tín để tự mình nhận diện tin thật – tin giả, tránh việc vì thiếu những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà vô tình hoặc bị lợi dụng đưa tin giả.

PV: Thưa bà, bà có thể nói rõ hơn về trách nhiệm của các chủ thể xử lý tin giả và tin nguy hại ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Các chủ thể có trách nhiệm cao nhất trong nhận diện và xử lý tin giả ở Việt Nam hiện nay bao gồm các tổ chức Đảng, các cấp uỷ Đảng, các cơ quan tham mưu của cấp ủy, lực lượng chuyên trách -  Ban chỉ đạo 35; Quốc hội và Chính phủ; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; các Bộ, ngành chủ chốt như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo...; Các thiết chế truyền thông của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp… 

Các chủ thể đều có trách nhiệm xem xét, phân tích, điều tra, kiểm chứng nhận diện và nhận định về chủ thể - nguồn phát tin giả, nội dung, phương thức, thủ đoạn tung tin giả, từ đó đánh giá, phát hiện và giải quyết sai phạm. 

Trách nhiệm xử lý tin giả bao gồm hai cấp độ. Một là phát hiện, điều tra, kiểm chứng, phân tích, tổng hợp để xác định bản chất thông tin sai lệch, xuyên tạc và mức độ sai phạm; Hai là xử lý các hình thức, mức độ sai phạm trên cơ sở xác định rõ chủ thể, đối tượng, mục tiêu, nội dung, cơ sở chính trị - pháp lý - xã hội - đạo đức, có công cụ và hình thức xử lý thích hợp.

PV: Thực tế cho thấy, trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như đại hội, bầu cử hoặc khi xảy ra những sự việc nóng được dư luận xã hội quan tâm thì ngay lập tức xuất hiện nhiều luồng thông tin khác nhau, trong đó có rất nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt, gây nhiễu loạn. Có khi nào tin giả, sự nhiễu loạn thông tin đôi khi cũng được bắt nguồn từ việc thông tin chính thống chưa được phát ra kịp thời không, thưa bà?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Tin giả thường được phát tán rất nhanh, nhanh hơn gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng. Đặc trưng chung nhất của những tin tức giả kiểu này là chúng thường xuất phát từ những sự kiện, hiện tượng nóng, gây tranh cãi trong đời sống thực. Những sự kiện nào càng nóng, càng gây tranh cãi thì càng là đề tài béo bở cho tin tức giả phát tác. 

Chẳng hạn như những tin tức về các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, họp Quốc hội, về thiên tai nghiêm trọng, khủng bố. Chúng có thể được thể hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh được chỉnh sửa hoặc các video cắt ghép và thường được đăng tải, phát tán trên các trang thông tin không chính thống, qua các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn hay công cụ tìm kiếm như Google. 

Tất nhiên với trình độ dân trí phát triển như hiện nay, không phải cứ đưa lên mạng Internet thông tin gì là người dân đều nghe và tin cậy cả, bởi ai cũng có một bộ lọc của riêng mình. Nhưng rõ ràng, điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. 

Khi có những tin đồn thất thiệt, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt thì các chủ thể quản lý thông tin, truyền thông phải kịp thời làm rõ thật-giả, không nên né tránh, im lặng quá lâu. Càng công khai, minh bạch thì sẽ càng dễ đẩy lùi được tin giả, hiện tượng “nhiễu” thông tin.

PV: Thưa bà, trong tình huống có một số thông tin người dân và xã hội quan tâm nhưng lại được cho là nhạy cảm, vậy phải làm thế nào để vừa đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân vừa đảm bảo bí mật và lợi ích quốc gia?

PGS.TS ĐỗThị Thu Hằng: Thực tế cho thấy, cơ chế bây giờ cho phép các cơ quan, đơn vị có nhiều cách thức hơn để cung cấp thông tin đến người dân như tổ chức họp báo, gặp mặt, trả lời trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Do vậy, chúng ta không nên lạm dụng cái gọi là nhạy cảm để né tránh việc cung cấp thông tin chính đáng cho người dân. Càng nhạy cảm càng phải làm rõ hơn, nhanh hơn. Càng nhạy cảm thì càng phải xử lý sớm, có tình, có lý, không để lâu sẽ thành bức xúc, thành điểm nóng. Tất nhiên, đối với những vấn đề liên quan đến bí mật, lợi ích quốc gia, không thể công bố công khai thì phải có cơ chế quản lý riêng. 

Đây là bài toán khó không chỉ với cơ quan chức năng mà còn là thách thức với các nhà báo, các cơ quan báo chí trong chiến lược thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, từ đó thực hiện tốt chức năng khơi nguồn, định hướng, điều chỉnh dư luận xã hội của mình. 

Việc xây dựng chiến lược, chiến thuật trong “cuộc chiến thông tin” ở các cơ quan báo chí, phân công trách nhiệm và sự phối hợp giữa các thiết chế truyền thông, các cơ quan chức năng là điều kiện tiên quyết để giải bài toán này.

PV: Trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay, nhất là khi tin giả lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, báo chí đóng vai trò như thế nào trong việc “nắn dòng”, định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin trên “không gian ảo” và hạn chế tin giả, thưa bà?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất mà các tin tức giả gây ra đó là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông nói chung và của báo chí chủ lưu nói riêng. Chúng khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận. 

Thực tế cho thấy, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và việc cảnh báo người dân trong lựa chọn thông tin khi mà mỗi ngày họ đang tiếp cận rất nhiều nguồn cung cấp thông tin dễ dẫn đến nhiễu loạn, mất phương hướng thì vai trò của báo chí đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng. Vì trong “cuộc đua” về thông tin, nhất là với thông tin trên mạng xã hội, hơn ai hết báo chí đang nắm giữ nhiều lợi thế. 

Để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, cơ quan báo chí cần tăng cường việc cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời nhưng vẫn phải đảm bảo sự khách quan,  trung thực, chính xác. Bởi khi hiểu rõ bản chất của tin giả, tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức như báo chí để xác minh thông tin họ quan tâm. Từ đó, góp phần định vị và khẳng định sự tin cậy của người dân và xã hội đối với cơ quan báo chí.

PV: Mới đây,  Bộ TT&TT vừa ra mắt cổng thông tin quốc gia tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả. Theo bà, sự ra đời của Trung tâm xử lý tin giả liệu có tạo ra “đột phá” trong việc hạn chế vấn nạn tin giả hiện nay không?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, video clip có nội dung xấu độc, bịa đặt... gây bất ổn trong xã hội, đất nước. Sở TT&TT các địa phương và lực lượng Công an cũng đã phối hợp xử lý nhiều cá nhân, tổ chức phát tán tin giả. 

Tuy vậy, việc lần đầu tiên Việt Nam ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả có thể được xem là một tín hiệu đáng mừng. Từ đây, người dân có thêm một kênh thông tin chính thức, một địa chỉ cụ thể, đáng tin cậy trong việc tiếp nhận phản ánh về tin giả. 

Đặc biệt, bên cạnh việc tiếp nhận, Trung tâm xử lý tin giả còn có chức năng công bố thông tin xác nhận tin giả, tin sai sự thật trên trang để để cảnh báo người dân không chia sẻ; hướng dẫn người dùng cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Điều này cho phép chúng ta có thêm kỳ vọng về việc tin giả sẽ dần được hạn chế trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文