50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân

08:33 19/08/2019
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi áp bức, bất công. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta một di sản vô cùng quý giá – Bản Di chúc thiêng liêng.

Trong Di chúc, điều làm nên giá trị tinh thần lớn lao và mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc là tư tưởng vì con người và giải phóng con người của Hồ Chí Minh. Mỗi lời căn dặn của Người trong Di chúc đều hàm chứa những tư tưởng nhân văn cao đẹp, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền con người luôn gắn liền với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”(Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, tập 4, tr.64).

Lúc sinh thời, Người luôn tâm niệm một ham muốn, là: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, tập 4, tr.64).

Trong Di chúc, Người dành cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội tình yêu thương bao la, sự quan tâm lớn lao cả về vật chất và tinh thần. Đối với thương binh “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình”, Người căn dặn: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

“Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”. Với những người nông dân Việt Nam, Người dành sự cảm thông về những hy sinh, chịu đựng gian khổ của đồng bào qua hàng trăm năm bị phong kiến, thực dân đàn áp, bóc lột.

Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân “để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Đối với phụ nữ, Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Với đoàn viên và thanh niên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên””. Theo Người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

“Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu.., thì Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Ngay cả khi nói về việc riêng, trong Di chúc cũng toát lên tư tưởng “vì mọi người” của Hồ Chí Minh. Trước lúc ra đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”, Người vẫn chỉ nghĩ đến cuộc sống của nhân dân: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Những lời căn dặn của Người đối với các tầng lớp nhân dân, đó là sự thấu hiểu, quan tâm sâu sắc, chăm lo chu đáo, bù đắp bằng những việc làm thiết thực đối với những con người phải gánh chịu mất mát, hy sinh trong chiến tranh.

Sự quan tâm của Người không chỉ về vật chất mà còn phải chăm lo bồi dưỡng và phát triển con người; không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ, cải thiện đời sống mà điều quan trọng là Đảng và Nhà nước phải tổ chức, tạo điều kiện cho nhân dân vươn lên làm chủ cuộc sống của mỗi người.

Theo Người, con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, khi mỗi người dân tìm thấy niềm vui trong công việc và được sống bằng chính sức lao động của mình. Mong muốn của Người là mọi thành viên trong xã hội ai cũng được góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và ai cũng được hưởng thành quả của cách mạng đem lại.

Để những mong ước trên trở thành hiện thực, Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải quan tâm “xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”. Người chỉ ra những việc cần làm ngay sau khi chiến tranh kết thúc, như: “Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”.

Đồng thời: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Có thể nói, bản Di chúc của Người là một chương trình toàn diện về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Người cho rằng, đó “là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”, là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phải thực hiện sau chiến tranh. Vì vậy, Người căn dặn: “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh bị động, thiếu sót và sai lầm” và “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Theo Người, yếu tố quyết định để Đảng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ to lớn đó: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”; “Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Đặc biệt, Người dành sự quan tâm lớn đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người luôn trăn trở, lo lắng về những nguy cơ của chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí... của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, phòng chống những căn bệnh đó là điều kiện tiên quyết, cơ bản nhất để bảo đảm sự vững mạnh của Đảng và chế độ.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân ta làm tốt những điều căn dặn của Người. Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Từ một nước nghèo, chậm phát triển, Việt Nam đã vươn lên nhóm nước đang phát triển, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực và thế giới. Các lĩnh văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân được nâng cao, tuổi thọ trung bình tăng, công tác xoá đói giảm nghèo đạt những thành tựu to lớn được thế giới đánh giá cao. An ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng đã tạo được nhiều dấu ấn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; không khí dân chủ trong Đảng và trong xã hội ngày càng được phát huy; sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo thế và lực mới cho đất nước tiếp tục trên đà phát triển, từng bước xây dựng đất nước ta “đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như ước nguyện của Người. 

Với những thành quả to lớn đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tin tưởng rằng, giá trị thời đại và tư tưởng nhân văn của bản Di chúc sẽ tiếp tục soi sáng các mục tiêu, những bước đường của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dẫu vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với khối đại đoàn kết toàn dân, ý chí tự cường và khát vọng phát triển của nhân dân Việt Nam, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, kiên định trên con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, nhất định sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và nhân dân ta sẽ đi đến thành công.

PGS. TS Trần Quang Tám

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文