Thay đổi tư duy quản lý để thúc đẩy nội lực nền kinh tế

07:47 26/04/2020
Dịch bệnh COVID-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp gây khủng hoảng toàn cầu, tác động nghiêm trọng tới nhiều mặt của nền kinh tế trong nước và thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phải thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.


Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo bị nén lại để bung ra”.

Gói hỗ trợ đã có, quyết tâm chính trị và sự đồng lòng cũng đã có, nhưng liệu những dữ kiện này đã đủ để “cứu” DN trong hiện tại và vực dậy mạnh mẽ sau đại dịch? Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với PV Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật xung quanh các giải pháp này.    
TS Nguyễn Đình Cung.

Kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm tốt   

P.V: Thưa ông, nhiều dự báo cho thấy khả năng GDP năm 2020 của nhiều nước, trong đó có Việt Nam sẽ có tăng trưởng âm. DN khốn khó, đối mặt với nguy cơ phá sản hàng loạt. Liệu chúng ta sẽ cầm cự như thế nào trong hiện tại để có thể vươn lên sau đại dịch?

TS Nguyễn Đình Cung: Sự khó khăn của kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước và từng DN cụ thể thì đã rõ ràng với hàng loạt thống kê về con số DN phá sản. Tuy nhiên, trước khi nói về những khó khăn cũng như cơ hội của DN nói riêng và cả nền kinh tế nước ta nói chung, tôi muốn có sự so sánh về nền tảng của cuộc khủng hoảng kinh tế lần này với cuộc khủng  hoảng kinh tế thời kỳ 2009-2013.

Phải khẳng định luôn, chúng ta có xuất phát điểm khác hẳn lần trước. Lần này, nhìn toàn cục, nền kinh tế của ta có sức phục hồi tốt, tăng trưởng ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định. Sức chống chịu của nền kinh tế tăng lên, và hiệu quả nhãn tiền của nó là chúng ta mới có nguồn lực và năng lực để chống với dịch bệnh vừa qua.

P.V: Nền tảng tốt này xuất phát từ đâu, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Nguồn cơn của khủng hoảng thường bắt đầu từ tài chính, tuy nhiên lần này lại khác, hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn an toàn, chính sự an toàn của hệ thống tài chính là bệ đỡ cho DN phát triển. Lần này, chúng ta có hai đối trọng: Chính phủ hệ thống tài chính - cụ thể là Ngân hàng, làm nền tảng và bệ đỡ cho DN vượt qua đại dịch. Đây là điều kiện xuất phát điểm tốt khi chúng ta đối phó với dịch bệnh.

P.V: Vâng, nhưng rõ ràng những khó khăn mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế dường như là chưa từng có, bằng chứng là số lượng DN phá sản nhiều?

TS Nguyễn Đình Cung: Đúng vậy, dịch bệnh lần này gây cho nền kinh tế 1 cú sốc lớn cả về phía cung và cầu. Về cung, các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đứt gãy toàn cầu, khó khăn về nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, trong khi Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm, nguyên liệu từ các nước, đặc biệt là cả lao động chất lượng cao. Còn về cầu, những biện pháp chống dịch như giãn cách xã hội, cách ly xã hội, phong tỏa trong thời gian vừa qua tác động tới nhiều ngành nghề và giảm cầu trực tiếp như hàng không, vận tải hành khách, du lịch gần như là tụt dốc, bán buôn bán lẻ bị tác động nặng nề.

Với ngành chế biến, chế tạo, Trung Quốc bị dịch bệnh thì không nhập khẩu được nguyên liệu, đến khi nguồn cung được nối lại thì EU và Mỹ cắt đơn hàng do dịch, dẫn tới khó khăn về thanh khoản không bán được hàng. DN không có nguồn thu, mà vẫn phải chi phí nên khó khăn về thanh khoản, dẫn đến thua lỗ, thu hẹp sản xuất, ngừng sản xuất.

Sắp tới chúng ta sẽ thấy về xuất khẩu nhiều đơn hàng sẽ bị cắt, theo đó là cắt việc làm, không có thu nhập, đời sống của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Người dân khó khăn, dẫn đến thắt chặt chi tiêu, nên DN lại càng khó khi tiêu thụ sản phẩm. Đây là chuỗi phản ứng dây chuyền, tạo thành một cái vòng khủng hoảng bao trùm lên nền kinh tế,

P.V: Khó khăn kinh tế là trước mắt, nhưng chúng ta đã chống dịch rất tốt. Phải sống đã, rồi mới phát triển chứ, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Chống dịch là điểm sáng của chúng ta. Cho đến nay, Chính phủ chống dịch rất tốt, giải pháp đưa ra rất hợp lý, kết quả đưa ra là một kết quả rất khác biệt so với các quốc gia khác. Chính cách tiếp cận và xử lý dịch như vậy nhưng đã tạo ra một niềm tin mãnh liệt là dịch sẽ qua và chúng ta an toàn. Nhiệm vụ kép mà Thủ tướng nói vừa phát triển và dập dịch tốt. Cứu mạng sống của người dân, một bên là tạo ra kế sinh nhai cho người dân, hai việc này gắn kết với nhau, không thể tách rời nhau. Trong ngắn hạn lúc nào cũng phải ưu tiên bảo vệ tính mạng của người dân nhưng cũng không thể thiếu kế sinh nhai cho người dân.

Chính phủ đã có Chỉ thị 11 đưa ra một loạt các giải pháp toàn diện để đối phó với dịch bệnh COVID-19. Song song với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 và Nghị định 41 về giãn nợ thuế… Ngoài ra, hàng loạt giải pháp khác từ các ban ngành như: Bảo hiểm  xã hội lùi thời hạn đóng bảo hiểm xã hội, Công đoàn cũng có công văn lùi phí công đoàn, đặc biệt là ngành ngân hàng có gói tín dụng cơ cấu nợ, giãn nợ và hạ lãi suất để một mặt là giảm chi phí cho DN, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn có thanh khoản, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là những giải pháp rất quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế và DN.

Cần có gói kích cầu đầu tư công

P.V: Đúng là Chính phủ đã có nhiều giải pháp và gói hỗ trợ, song liệu những biện pháp này đã “đủ đô” để cứu DN, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi trả lời ngay là chưa. Với sự tác động sâu rộng và lớn như vậy của dịch bệnh, ở một mức độ nào đấy, chúng ta có một tiềm lực nhất định, thì có lẽ cần phải tăng thêm mức độ và thời hạn hỗ trợ DN. Hiện nay, các giải pháp hỗ trợ của chúng ta chỉ là trên tinh thần của hai từ “hoãn và giảm” chứ chưa có “miễn và giảm”.

Tôi mong muốn nhiều hơn ở các gói hỗ trợ này. Thứ nhất là thời hạn hoãn và giảm này cần nhiều hơn, kéo dài hơn so với tác động của dịch bệnh, chủ yếu là giảm vì thời gian hiện nay là quá ngắn. Với thời gian này, việc hỗ trợ chỉ giúp tính thanh khoản của DN, chứ chưa tạo tiềm lực để DN phát triển. Hãy giúp DN nhiều hơn trong việc tăng cường tính tích luỹ, chia sẻ với họ gánh nặng chi phí thì phải miễn, giảm thuế, miễn nhiều loại phí, không phải chỉ một vài tháng mà phải kéo dài 1 vài năm, ví dụ như phí công đoàn thì nên miễn 2-3 năm đối với DN, vì 2% là một khoản phí rất cao.

Ngoài ra, cũng nên có những gói hỗ trợ nhất định cho những ngành nghề chịu nhiều thiệt hại lớn như du lịch, hàng không, logistics… vì dịch là tạm thời, có như vậy thì chúng ta mới duy trì được, có năng lực cho DN bật dậy được. Còn nếu còn để DN chết, lao động mất việc thì tới lúc dịch đi qua, chúng ta không có gì để bật dậy được vì sức lực của DN không còn nữa. Bao nhiêu sự tích luỹ của DN đều trôi bay hết. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lần trước cho thấy, chúng ta mất tới 5 năm, từ 2011-2015 mới phục hồi được sau khủng hoảng, song có những cơ hội đã để mất đi mà không bao giờ quay trở lại được vì chúng ta không củng cố tiềm lực.

Thời kỳ đó, chúng ta tham gia WTO với bao hy vọng nhưng khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì chúng ta thiệt hại rất lớn. Khi khủng hoảng đi qua, trong khi chúng ta còn loay hoay với 12 dự án thua lỗ, những đại án kinh tế “khủng” mà không có một dự án đầu tư nào lớn cả, thì đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, họ chiếm lĩnh xuất khẩu, và tất nhiên cơ hội của chúng ta từ WTO, nhà đầu tư nước ngoài tận dụng hết. Bởi vậy, phải rút kinh nghiệm sâu sắc vì không duy trì sức sống cho DN thì chúng ta không thể có nền tảng để bật dậy được.

P.V: Đưa thêm gói kích cầu, “miễn và giảm” thay cho “hoãn và giảm” theo ông là giải pháp cần, song để “đủ”, lõi của vấn đề là gì?

TS Nguyễn Đình Cung: Trong thời gian tới đây, tác động của dịch bệnh chưa kết thúc, chừng nào bên ngoài chưa hết dịch thì nguy cơ bên trong cũng rất lớn, chưa thể giao thương bình thường. Thế thì giải pháp kinh tế chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước và DN nội địa. Chính phủ phải có một gói kích cầu đầu tư công, tập trung vào giải quyết các vấn đề xâm nhập mặn ở ĐBSCL, kinh tế số, hạ tầng số… giúp khôi phục kinh tế ở trong nước và tạo đà cho chúng ta khi kinh tế phục hồi, tạo được sức bật cho DN.

P.V: Chủ trương thì có thể, nhưng còn vấn đề thực hiện?

TS Nguyễn Đình Cung: Khi dịch thì phải tăng cầu bên trong lên, khi DN yếu thì phải kích đầu tư công lên để thay thế. Muốn làm được trước tiên phải thay đổi tư duy điều hành, tư duy quản lý. Trên nguyên tắc ổn định kinh tế vĩ mô, phải xem xét lại một số mục tiêu điều hành, chỉ tiêu cân đối vĩ mô trong đó có cả thâm hụt ngân sách dưới 4% GDP- phải thay đổi tư duy.

Thứ 2 là về trần nợ công cũng phải thay đổi, không thể giữ 65% GDP như hiện nay, trần nợ nước ngoài cũng không thể giữ mà phải nới trần nợ công lên, chúng ta sẽ phải chấp nhận vay mượn thêm. Tôi xin nói thêm là hiện không có cơ sở khoa học nào để áp trần nợ công cả. Chúng ta cần phải có một tư duy khác, đừng ngại vay mượn, mà quan trọng là sử dụng vốn vay có hiệu quả. Thứ 3 là không thể tiếp tục duy trì lối quản lý đầu tư công với những thủ tục dày đặc và kéo dài, xin hết chỗ này sang chỗ khác, mấy năm cũng vẫn chưa xong.

Bối cảnh hiện nay là phải nhanh, gọn và hiệu quả. Có thể có một Nghị quyết riêng, Nghị quyết chuyên đề cho gói kích cầu đầu tư công. Nghị quyết sẽ quyết luôn cụ thể những dự án nào sẽ triển khai, trong bao lâu với chi phí bao nhiêu… và cứ thế triển khai, không cần một thủ tục nào khác. Hãy giao quyền nhiều hơn cho các tỉnh trong việc triển khai giải ngân đầu tư công. Cách làm việc hiện nay là không theo thủ tục mà hướng đến tính hiệu quả. Và thứ 4 là phải cổ vũ, hỗ trợ cho những ngành nghề kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao. Mô hình kinh doanh mới xuất hiện ngày càng nhiều, chúng ta cho thử nghiệm, để phù hợp với xu thế của thế giới.

P.V: Trong 4 giải pháp nói trên, về đầu tư công, nếu giao quyền nhiều hơn cho các tỉnh trong việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công, liệu có sợ sẽ xảy ra xin cho, tiêu cực không thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Thế thì phải tăng cường sự giám sát của người dân và báo chí. Chính cơ chế thủ tục dày đặc và kéo dài mới tạo ra cơ chế xin cho, còn với cơ chế đặc thù, tính hiệu quả sẽ cao hơn nhiều và tránh được tham nhũng.

P.V: Vậy theo ông, gói kích cầu đầu tư công này sẽ khoảng bao nhiêu tiền?

TS Nguyễn Đình Cung: Theo tính toán của tôi, cân đối với mức thâm hụt ngân sách (đã từng có thời kỳ thâm hụt ngân sách tới 10%) thì gói kích cầu có thể dao động trên dưới khoảng 15 tỷ USD. Song, tôi nhấn mạnh thêm là cùng với việc tung gói kích cầu 15 tỷ USD này, thì chúng ta vẫn tiếp tục phải triển khai và thực hiện quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công khoảng 700 nghìn tỷ theo kế hoạch trong năm nay cho những dự án đang thực hiện. Phải chạy song song hai chân để “thúc” nội lực trong nước.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy- Hiệp (thực hiện)

Sáng nay 4/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Phú Yên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) năm 2024. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ Công an.

Chiều 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc và đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình thụ lý theo thẩm quyền.

Sáng 26/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, khi có đại biểu Quốc hội nêu vấn đề xử lý những đối tượng đang lẩn trốn ra nước ngoài, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết:  

Sáng 4/12, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội TTGT quận Cầu Giấy; Đội CSGT-TT Công an quận Cầu Giấy cùng Công an phường Trung Hòa triển khai lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực nút giao thông Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, trong đó tập trung công tác chỉ huy, điều tiết phân luồng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Ngày 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Trần Quốc Hưng (SN 1965, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi “Vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Nói về sự cần thiết, bắt buộc phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đảng viên, cán bộ, nhân dân đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương này, coi đây là một “cuộc cách mạng” quan trọng và cấp thiết, không thể trì hoãn…

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Đây cũng là thời cơ mà tội phạm “tín dụng đen” triệt để lợi dụng, tung các chiêu trò dụ dỗ người dân vay tiền. Đáng chú ý, loại tội phạm này có sự biến tướng trong phạm vi, phương thức hoạt động từ môi trường thực tế lên không gian ảo, khiến không ít người rơi vào ma trận trực chờ sập bẫy.

Lầu Năm Góc xác nhận rằng Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công vào các tài sản quân sự ở miền Đông Syria sau một cuộc tấn công bằng tên lửa gần một trong các căn cứ của họ.

Vào ngày 31/12/2024, sau hơn 3 năm áp dụng, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ chính thức dừng lại. Thay vào đó, từ 1/1/2025, Thông tư số 34/2024/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ bắt đầu có hiệu lực với hàng loạt các điểm mới phù hợp hơn với thực tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文