Thu hồi tài sản tham nhũng
- Không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng
- Ngăn chặn tội phạm tham nhũng bỏ trốn trước khi bị khởi tố
- Trị "tham nhũng vặt" phải từ gốc
Ngày 21-11, trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu thảo luận sôi nổi về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được Đảng ta thực hiện rất quyết liệt, bước đầu đã có những kết quả nhất định. Bên cạnh việc xử lý nghiêm những người phạm pháp, dư luận còn quan tâm đến việc thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc để công tác chống tham nhũng của chúng ta hiệu quả hơn.
Không phải vô cớ mà cán bộ, đảng viên, cử tri dõi theo các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng. Và vấn đề “nóng” tại cuộc thảo luận này là thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một trong những khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng là pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng, tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tế thời gian qua cho thấy, trong các vụ đại án với số tiền thất thoát lên đến con số nghìn tỷ đồng nhưng việc thu hồi lại cho Nhà nước lại quá ít ỏi.
Vụ đại án kinh điển cần phải nhắc đến là Vinashin. Kết quả xử lý trách nhiệm đối với những người làm thất thoát khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng đã được các cơ quan pháp luật thực hiện. Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT đã nhận mức án 20 năm tù giam. Các ông Trần Văn Liêm, Trần Quang Vũ, Nguyễn Tuấn Dương… đã phải chịu trách nhiệm hình sự với các mức án khác nhau. Ngoài án phạt tù, các bị cáo còn bị tuyên phạt bồi hoàn lại tài sản đã làm thất thoát của Nhà nước là 1.080 tỷ đồng.
Là phóng viên từng viết bài về quá trình thi hành án dân sự trong vụ án này, tôi cũng ngỡ ngàng về kết quả thu hồi tài sản tham nhũng của các vị quan tham này. Bởi, số tiền thu lại so với số tiền mà họ phải bồi thường cho Nhà nước quá ít ỏi. Ví như với ông Phạm Thanh Bình, Tòa tuyên phải bồi thường hơn 500 tỷ đồng nhưng số tiền mà cơ quan thi hành án thu hồi được là con số siêu nhỏ. Bởi, kết quả xác minh từ cơ quan thi hành án dân sự, ông Phạm Thanh Bình chỉ đứng tên cùng vợ sở hữu căn hộ ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.
Đến lúc này, dư luận mới… ngã ngửa là vị “thuyền trưởng” con tàu Vinashin làm thất thoát cả 500 tỷ đồng rất… cơ hàn. Mà không riêng gì ông Phạm Thanh Bình, đa số các “quan” của Vinashin đều “nghèo” như vậy. Về mặt pháp lý, cơ quan thi hành án dân sự chỉ xác định các đương sự có số tài sản chủ sở hữu rất ít ỏi nên không thể thu hồi được số tiền như bản án của Tòa yêu cầu.
Từ thực tế này, cơ quan thi hành án dân sự đã có kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước cần kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp kịp thời như kê biên, phong tỏa tài sản của người phạm tội, tránh trường hợp tẩu tán hết tài sản. Trong số 5 năm qua, các đương sự trong vụ Vinashin mới bồi thường 3 tỷ/1.080 tỷ cho Nhà nước – Một con số thật đáng buồn.
Từ các vụ đại án Vinashin, Vinaline, Huyền Như, Công ty cho thuê tài chính II…, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đặt ra rất nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc được đặt ra trong bối cảnh hiện nay cũng xuất phát từ tình hình thực tế. Chẳng phải vô cớ mà câu chuyện bán chổi đót, làm “xe ôm” có tiền xây biệt phủ trở thành đàm tiếu của dư luận. Hay như những cô cậu đang ngồi trên ghế nhà trường đã đứng tên sở hữu tài sản tiền tỷ cũng khiến người ta giật mình trước thực tế… rất thực.
Hy vọng rằng, từ thực tiễn khách quan, Quốc hội sớm ban hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với những quy định cụ thể, là căn cứ pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.