Tây Nguyên đang khóc ròng sau "phong trào" ồ ạt xây thủy điện

09:08 17/04/2016
Hàng trăm công trình thuỷ điện lớn nhỏ đang khiến cho các dòng sông ở Tây Nguyên cạn kiệt nước. Hạn hán kỉ lục trong vòng 60 năm qua tại Tây Nguyên được nhìn nhận như là sự trả giá cho việc ồ ạt làm thuỷ điện, đặc biệt là các công trình chuyển nước như thuỷ điện An Khê –Kanak, Serepok 4A, Đại Ninh...

 

Thuỷ điện An Khê – Kanak khởi công xây dựng tháng 11-2005 với tổng công suất 173 MW. Công trình thuỷ điện lớn nhất Gia Lai đã từng được kì vọng sẽ là điểm sáng kinh tế cho khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, ngay sau khi các tổ máy đi vào hoạt động, người dân các tỉnh Phú Yên, Gia Lai lại liên tục đi khiếu kiện do đời sống sinh hoạt, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. 

Nguyên do bởi An Khê – Kanak là công trình chuyển nước, lấy nước sông Ba nhưng lại trả nước về cho sông Kôn (Bình Định). Mỗi năm, hơn 300 tỷ m³ nước sông Ba đã bị chuyển về Bình Định, khiến hàng triệu hộ dân sống ở lưu vực sông Ba thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. 

Về mùa khô, do không được trả dòng nên lưu vực sông Ba thường xuyên khô hạn. Trong khi đó, về mùa lũ, khi thuỷ điện xả lũ, người dân vùng hạ lưu lại phải hứng chịu.

 Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, ông Huỳnh Thành, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã thẳng thắn cho rằng An Khê – Kanak là công trình “sai lầm thế kỉ”. Ông Thành cũng nhấn mạnh, hiện nay vẫn chưa có cơ chế giám sát hữu hiệu để buộc các nhà máy thuỷ điện phải trả nước về hạ du. Mâu thuẫn về lợi ích khiến chủ đầu tư các dự án thuỷ điện không xả hoặc xả rất ít, không đảm bảo lưu lượng dòng chảy tối thiểu trong mùa khô.
Phát triển ồ ạt các công trình thủy điện đang khiến Tây Nguyên phải trả giá bằng hạn hán lịch sử. Ảnh: CTV

Dòng sông Serepok – biểu tượng hùng vĩ của Tây Nguyên cũng đã bị băm nát để làm thuỷ điện. Phần lưu vực chảy qua Việt Nam chỉ dài trên 120km nhưng đã có tới 7 công trình thuỷ điện lớn nhỏ được xây dựng. 

Nhà máy thuỷ điện Serepok 4A đã chặn dòng tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), chuyển nước sang khu vực khác để phát điện. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Yok Đôn và Khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Cả đoạn sông Serepok dài hàng chục kilomet đã cạn khô, trở thành dòng sông chết. 

Trước đây, khi dòng Serepok còn đầy ắp nước, du khách thích thú đến với Bản Đôn để cưỡi voi qua sông. Suốt một thời gian dài, Bản Đôn trở thành khu du lịch mang đậm sắc màu Tây  Nguyên. 

Nay, Bản Đôn dần trở nên quạnh hiu, tẻ nhạt và không chút dấu ấn. Không còn ai mua vé cưỡi voi qua sông bởi lẽ dòng sông đã cạn trơ đáy, lởm chởm những tảng đá nhọn hoắt. Cùng với bàn tay can thiệp thô bạo của con người, Serepok đang dần trở thành dòng sông chết, còn Khu du lịch sinh thái Bản Đôn đang dần bị lãng quên.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng có 2 công trình chuyển nước là thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh. Thủy điện Đa Nhim chuyển một phần lưu vực sông Đa Nhim thuộc hệ thống sông Đồng Nai sang sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) để tận dụng lợi thế chênh cao tự nhiên giữa hai lưu vực. 

Còn thủy điện Đại Ninh thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt. Dự án này chuyển một phần lưu vực của sông Đồng Nai sang sông Lũy, tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, tại Kon Tum, thủy điện Thượng Kon Tum cũng đang được xây dựng. 

Theo thiết kế, đây cũng là công trình chuyển nước từ sông Đăk Snghé (tỉnh Kon Tum) sang sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi). 

TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, về nguyên tắc không được phép xây dựng các công trình chuyển nước trên các con sông bởi lẽ điều này sẽ làm thay đổi quy luật tự nhiên của các dòng sông, đồng thời làm gia tăng cuộc chiến tranh chấp nguồn nước giữa các địa phương. 

Trong khi đó, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam thì cho rằng, Việt Nam đã phải trả giá cho việc xây dựng những công trình chuyển dòng như thuỷ điện Đắk Mi 4, An Khê – Kanak… 

Một số khu vực ở Tây Nguyên bị hạn hán nghiêm trọng do thuỷ điện đã chuyển nước sang lưu vực khác. “Con sông là nguồn sống của hàng triệu người, không thể lấy nước của lưu vực này chuyển cho lưu vực khác. 

Trên thế giới, không nước nào cho phép xây dựng các công trình chuyển dòng, trừ một số trường hợp đặc biệt cần cứu hạn khẩn cấp cho khu vực nào đó. Ngay cả trong trường hợp ấy, Nhà nước phải đứng ra can thiệp để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các lưu vực”, GS Hồng phân tích.

Phát triển thuỷ điện luôn là bài toán đánh đổi giữa phát triển kinh tế và lợi ích môi trường, sinh thái. Sự can thiệp thô bạo của con người đang khiến cho những dòng sông ở Tây Nguyên hoặc hung dữ hơn, hoặc trở thành những con sông chết. 

Thuỷ điện vẫn cứ mọc lên ở Tây Nguyên trong khi hàng triệu người dân phải oằn mình chống chịu đại hạn lịch sử mà không biết kêu ai.

Khánh Vy

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文