Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ

Trị bệnh “vô cảm” trong cán bộ, công chức

07:26 21/12/2018
Đầu tiên, phải khẳng định “vô cảm” không phải là bệnh trong y học, nó là căn bệnh xã hội, của cách hành xử, được biểu hiện dưới dạng trơ lì về cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với mọi sự việc, hiện tượng của đời sống xã hội xung quanh.


Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, hàng ngày, bên cạnh nhiều hình ảnh đẹp về những người luôn biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khác một cách tận tình, chúng ta cũng còn thấy đâu đó có những sự việc, hiện tượng đau lòng, động đến lòng trắc ẩn của mỗi người, đó là cảnh tượng nữ sinh bị lột áo, giật tóc, đánh hội đồng nhưng không có ai can ngăn, thậm chí có người còn dành thời gian để chụp ảnh, quay clip để khoe “chiến tích”; là cảnh tượng người dân lao vào “hôi của” khi những chiếc xe ôtô chở hoa quả, bia, nước ngọt bị tai nạn trên đường… đến những hành vi dửng dưng, làm ngơ khi nhìn thấy kẻ gian móc túi, “xin đểu” người khác tại các điểm chờ hoặc trên xe buýt.

Tại sao lại có những hiện tượng này? Phải chăng người ta vô cảm trước nỗi đau của người khác, người ta sợ bị trả thù, bị liên lụy? Hay đó là suy nghĩ, hành động của những kẻ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức. Điều này sẽ thực sự nguy hiểm khi nó lây lan, phát triển và trở thành một xu thế trong xã hội.

Không chỉ âm ỉ trong xã hội, bệnh “vô cảm” đã lây lan sang cả nền hành chính công, theo đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức - những “công bộc của dân” đang có dấu hiệu vô cảm với nhân dân, thậm chí với cả chức trách, nhiệm vụ của mình, đúng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã nêu “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.

Theo đó, trong quan hệ tiếp xúc, giải quyết công việc hằng ngày với nhân dân, bệnh “vô cảm” được thể hiện qua hành vi, cử chỉ không thân thiện, không văn hóa và không có tâm, có đức của cán bộ, công chức; đó là sự máy móc đến lạ kỳ hay là sự thờ ơ, dửng dưng trước những khó khăn, mất mát của người dân, doanh nghiệp, cao hơn họ còn nghĩ ra và thực hiện những chiêu trò “đánh võng”, gây khó khăn, gây cản trở hoặc đặt ra những đòi hỏi phi lý, khó thực hiện nếu không được người dân, doanh nghiệp cảm ơn hoặc hứa hẹn cảm ơn.

Gần đây, dư luận xã hội bức xúc trước sự việc tắc trách, vô cảm của nhân viên y tế trong khám bệnh, chữa bệnh dẫn đến những cái chết oan uổng của người dân; những vụ bảo mẫu, giáo viên có hành vi ngược đãi, hành hạ, thậm chí làm nhục trẻ em, học sinh tại một số cơ sở giáo dục; vụ việc gây khó khăn trong cấp giấy chứng tử cho người đã mất; cấp sổ đỏ, sổ hồng cho nhân dân…

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, ở nước ta, bệnh “vô cảm” còn nguy hiểm hơn khi nó bắt đầu có dấu hiệu phát triển trên lĩnh vực chính trị - “vô cảm về chính trị”. 

Đó là việc cán bộ, công chức không quan tâm đến chính trị, lười học nghị quyết của Đảng, xem nhẹ lịch sử, có lối sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ với thế cuộc và các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước hay của đơn vị, địa phương mà chỉ chăm lo thu vén cá nhân; ngại va chạm, giữ tâm thế trung dung với tư tưởng “dĩ hòa vi quý”; không tích cực tham gia đấu tranh “phê và tự phê” với những vi phạm, biểu hiện xấu ở xung quanh để xây dựng đơn vị, địa phương đoàn kết, vững mạnh, phát triển.

Trong các bệnh “vô cảm” thì bệnh “vô cảm về chính trị” là nguy hiểm nhất bởi cán bộ, công chức là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là người truyền đạt và tổ chức cho nhân dân thực thi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời nắm bắt và phản hồi thông tin từ nhân dân để Đảng và Nhà nước có căn cứ hoạch định, điều chỉnh, đảm bảo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng “xã hội chủ nghĩa”.

Vì vậy, cán bộ, công chức phải là người thông hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; biết lắng nghe ý kiến của dân, cảm thông, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của nhân dân; biết đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân.

Nếu cán bộ, công chức “vô cảm về chính trị” thì sẽ như “cây mất gốc”; không thể cảm nhận, thấu hiểu và thực hiện tốt được chức trách, nhiệm vụ của mình, đi ngược lại với chủ trương “xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp” của Đảng, Nhà nước khiến cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội không hài lòng, thậm chí bất bình, mất niềm tin với nền hành chính công, gián tiếp làm mất lòng tin đối với Đảng, Nhà nước.

Chữa bệnh “vô cảm” của cán bộ, công chức là cần thiết, cấp bách, nhưng nó đòi hỏi phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần đặt nó trong tổng thể của việc chữa bệnh “vô cảm” trong xã hội, trong hệ thống giải pháp nhằm xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong toàn xã hội; phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội.

Đồng thời, cần đổi mới và tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức gắn liền với việc thực hiện chế tài khen thưởng, xử lý kỷ luật; gắn việc nâng cao đạo đức công vụ với tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới; đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, hoàn thiện cơ chế giám sát đối với hoạt động của cán bộ, công chức.

TS Phạm Văn Hưng - Học viện Chính trị CAND

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文