Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân của CAND trong bảo vệ ANTT

08:25 18/05/2017
Năm 1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”(1) . 


Theo Người, "tính đảng" trong mỗi cán bộ, đảng viên đó là, “phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc"(2). Đó là, làm việc gì cũng phải “Điều tra tình hình thực tế, nắm bắt nguyện vọng của quần chúng. Sau đó, phải quyết tâm thực hiện một cách kiên quyết, triệt để”. 

Đó là, phải ra sức học tập lý luận và thực hành, nắm vững vai trò hết sức to lớn của lý luận đối với thực tiễn: “Như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi" (3). 

Đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND), Bác Hồ luôn quan tâm đặc biệt, trong đó 6 lời dạy của Người với CAND trong thư gửi Công an Khu 12 ngày 11-3-1948 đã trở thành di sản tinh thần vô giá, kim chỉ nam hành động cho CAND Việt Nam. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-5-1950 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, nêu rõ: Chấn chỉnh cách lãnh đạo Công an, mỗi cấp ủy phải phân công cho một ủy viên phụ trách lãnh đạo Công an. Chọn các đồng chí có năng lực vào Công an để nắm vững đường lối, chính sách của Đảng. 

Ngày 30-10-1956, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 13-NQ/TW về thành lập Đảng đoàn Bộ Công an, thể hiện sự quan tâm toàn diện và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng CAND trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới sau khi thống nhất đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 45-QĐ/TW ngày 14-11-1979 quy định về tổ chức đảng ở Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), là đầu mối trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tổ chức đảng ở Công an địa phương trực thuộc cấp ủy đảng cùng cấp. Từ đây, sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND được cụ thể hóa và tăng cường một bước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô (14-2-1961).

Trong những năm đầu đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng lần đầu tiên quy định về tổ chức đảng trong CAND trong Điều lệ Đảng; ngày 30-8-1990, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 110-QĐ/TW thành lập Đảng ủy Công an Trung ương, đánh dấu bước chuyển từ cơ chế lãnh đạo đảm bảo sang lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, xác định rõ nguyên tắc, mô hình tổ chức, cơ chế lãnh đạo của Đảng, của Đảng ủy Công an Trung ương và cấp ủy Công an các cấp.

Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND trong tình hình mới, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định số 92-QĐ/TW quy định về tổ chức đảng trong CAND. Từ đó cho đến nay, Đảng đều phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia Đảng ủy Công an Trung ương.

Đối với Công an địa phương, các tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy, thị ủy đều chỉ định (hoặc phân công) đồng chí phó bí thư thường trực, chủ tịch ủy ban nhân dân tham gia hoặc phụ trách đảng ủy Công an cùng cấp. Trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Chính trị khóa XII đã quyết định chỉ định các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tham gia Đảng ủy Công an Trung ương, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay.

Trên nền tảng lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh, trong xã hội có giai cấp, ''không ai có thể đứng ngoài giai cấp”(4). Người khẳng định: “Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản”(5) ; “là một bộ phận của cả bộ máy nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, Công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”(6).

Mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam, CAND Việt Nam ra đời trong bão táp Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Nói chuyện tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10 (tháng 1-1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, phải: "Nhận rõ nhiệm vụ của Công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng và bảo vệ chính quyền nhân dân"(7). Bản chất giai cấp công nhân của CAND Việt Nam thể hiện ở chỗ "Công an phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới; "công tác Công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng thì dù khéo mấy cũng không đạt kết quả". Công an cần "phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nghĩ đến lợi toàn dân trước lợi ích của cá nhân".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản to lớn về tổ chức, xây dựng nhà nước dân chủ mới ở nước ta. Người xác định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân...", "tất cả quyền lực trong nước Việt Nam DCCH đều thuộc về nhân dân".

Đối với lực lượng CAND, Người dạy: “Đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, cũng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10 (tháng 1-1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Công an của ta là CAND, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc"(8). Người nói: "Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân.

Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt, đôi tai mới được"; "khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn" (Nói chuyện tại Trường Trung cấp Công an khóa II, 1951).

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, CAND Việt Nam luôn nhận thức, quán triệt đầy đủ về tính nhân dân trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, coi đây là một trong những nhân tố quyết định sức mạnh của CAND Việt Nam; từ đó không ngừng đổi mới nội dung, biện pháp tổ chức phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, rộng khắp trên mọi địa bàn gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương trong hoạt động bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cùng với đó, luôn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Công an thái độ ứng xử có văn hóa trong tiếp xúc và làm việc với nhân dân; khiêm tốn, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến  của nhân dân; kiên quyết đấu tranh phê phán, khắc phục thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, nhũng nhiễu, cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà nhân dân…

Thực tiễn cách mạng, anh hùng vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam đã khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, được nhân dân thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ, lực lượng CAND ngày càng phát triển và trưởng thành, luôn kiên định, giữ vững lập trường giai cấp, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang có xu hướng gia tăng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt. Tình hình kinh tế, chính trị của một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt ở Đông Nam Á; tình hình Biển Đông vẫn có những phức tạp xuất hiện những thách thức mới, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", tăng cường sử dụng các biện pháp “mềm”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động chia rẽ, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, hòng phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa…; tình trạng tham nhũng, lãng phí, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ lọt bí mật nhà nước… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tình hình trên đã và đang đặt ra cho lực lượng CAND những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất nặng nề. Để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó, việc giữ vững, phát huy tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân của CAND trong bảo vệ ANTT là những yếu tố then chốt, quyết định, đòi hỏi toàn lực lượng thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm sau:

Một là, phải luôn giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng CAND, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong CAND - yếu tố quyết định việc giữ vững bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng CAND, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng CAND của các thế lực thù địch. Để thực hiện yêu cầu này, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong CAND cần vững vàng và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và đi đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và các phong trào thi đua khác.

Hai là, tăng cường giáo dục, giác ngộ bản chất giai cấp công nhân, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng CAND trong tình hình mới, góp phần nâng cao khả năng “tự vệ”, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của những tư tưởng độc hại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Điều này đòi hỏi mục tiêu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND nhận thức sâu sắc rằng, lực lượng CAND do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo, mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân sâu sắc, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc Việt Nam; đồng thời, làm cho tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân của lực lượng CAND luôn được củng cố và phát triển mạnh mẽ từ trong tâm thức, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ.

Ba là, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc, coi đây là biện pháp chiến lược, cơ bản, làm nền tảng cho các biện pháp công tác khác và toàn bộ hoạt động của lực lượng CAND. Cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT có cội nguồn sức mạnh từ nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân và chỉ giành được thắng lợi khi động viên, huy động được mọi lực lượng, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

Theo đó, lực lượng CAND cần đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân vào công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, từng lĩnh vực, địa bàn dân cư.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ những thủ tục gây phiền hà cho nhân dân; thường xuyên tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân"; khắc họa sâu đậm hơn hình ảnh đẹp của người Công an trong lòng nhân dân, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an với nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân ngày càng tham gia tích cực hơn trong nhiệm vụ bảo vệ ANTT và xây dựng lực lượng CAND.

Xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến với nhiều hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có chính sách thỏa đáng đối với những trường hợp bị thương, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản, danh dự khi tham gia bảo vệ ANTT. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa lực lượng CAND với các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT.

___________________________

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 307.

(2) Sđd, tập 5, trang 290 - 291.   

(3) Sđd, tập 5, trang 274.

(4) Sđd, tập 9, trang 283.

(5) Sđd, tập 11, trang 249.

(6) Sđd, tập 11, trang 247.

(7) Sđd, tập 10, trang 259.

(8) Sđd, tập 5, trang 498.

Thượng tướng, GS, TS Tô Lâm Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội ngày 13/11 cho biết đã triệt phá thành công băng nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và tàng trữ vũ khí quân dụng. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ trong vụ án là gần 2 bánh heroin có trọng lượng 595,455 gram; 594,29 gram ma tuý tổng hợp các loại; 2 quả lựu đạn; 3 cân điện tử cùng một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo qua điện thoại khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文