Tuyên ngôn độc lập với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

06:40 02/09/2016
Năm tháng qua đi, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lí mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc
Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện bất hủ, khẳng định một chân lý thiêng liêng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy...”[1]. Đây là linh hồn của Tuyên ngôn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Phát huy tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, đánh thắng các thế lực ngoại xâm, giành lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên phía trước, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới theo đúng tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Điều đó thể hiện sự nhạy bén của Đảng trong nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam. 

Ngày nay, chúng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc so với thời điểm cách đây 70 năm, nhưng quán triệt và kiên định tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn Độc lập, Đảng ta vẫn nhất quán khẳng định: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[2].

Quan điểm, đường lối đó đã được “luật hóa” trong Hiến pháp năm 2013: “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”.

 Nhờ đó, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nổi bật là đã giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phục vụ đất nước hội nhập và phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

70 năm thực hiện Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định ý nghĩa lý luận sâu sắc mà còn làm sáng tỏ thêm giá trị thực tiễn to lớn, tính thời sự và tầm vóc thời đại của bản Tuyên ngôn. Tư tưởng của Tuyên ngôn vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, đó là:

Độc lập dân tộc - mục tiêu trọng yếu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Từ quyền con người ghi trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cách mạng Pháp năm 1791, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng nhắc lại trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945: “Tất cả mọi ngư­ời đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm đ­ược; trong những quyền ấy, có quyền đ­ược sống, quyền tự do và quyền mư­u cầu hạnh phúc”; và khái quát quyền con người thành chân lý về quyền cơ bản của các dân tộc: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 

Độc lập dân tộc, theo Hồ Chí Minh, là đất nước thực sự thoát khỏi tình cảnh nô lệ, thực sự được tự do, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được sống trong hòa bình và thực sự được hưởng thụ các giá trị nhân văn, dân chủ, công bằng và bình đẳng…

Độc lập dân tộc là khát vọng lớn nhất, là vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Thực tiễn lịch sử cho thấy, sự tồn vong và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc đều gắn liền với việc giữ vững nền độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia, dân tộc ấy. 

Độc lập dân tộc vừa là nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân; vừa là mục tiêu, động lực của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức, bóc lột của kẻ thù xâm lược, vừa là mục tiêu hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xuất phát từ những điều kiện và nhân tố mới như: sự điều chỉnh chiến lược của chủ nghĩa đế quốc trong chống phá các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng theo hướng chuyển từ coi trọng xâm lược bằng phương thức vũ trang sang xâm lược bằng phương thức phi vũ trang, “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” bên trong là chủ yếu; từ thực tiễn bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là từ những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển tư duy lý luận về bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới. Theo đó, vấn đề độc lập dân tộc ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng được xác định với những nội hàm ngày càng mở rộng và bao quát hơn trên cơ sở giá trị cốt lõi và tư tưởng chính trị xuyên suốt là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị. 

Ngày nay, chúng ta vẫn không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự chủ, giữ vững chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết, thể hiện trong các vấn đề liên quan tới việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước, việc hoạch định và triển khai chính sách đối nội và đối ngoại vì hòa bình và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập - một văn kiện bất hủ.

Độc lập dân tộc hiện nay không chỉ xác định trong biên giới quốc gia, mà còn thể hiện thông qua vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu và đấu tranh, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc bên ngoài biên giới lãnh thổ (biên giới mềm).

 Do đó, Đảng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy đối ngoại với phương châm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[3].

 Trên cơ sở đó, Đảng ta đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, nhất là về mối quan hệ giữa hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Thực tiễn cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp trên thế giới cho thấy, xoá bỏ chủ nghĩa xã hội là mục tiêu nhất quán của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, nhưng thủ đoạn, biện pháp tiến hành có sự thay đổi tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, tình hình khác nhau. 

Trước đây, các thế lực thù địch chú trọng sử dụng sức mạnh vũ trang, tấn công từ bên ngoài, kết hợp gây sức ép phá hoại từ bên trong. Trong tình hình ấy, chúng ta phải coi trọng vũ trang để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Sau những thất bại của thời kỳ “chiến tranh lạnh”, và nhất là sau thất bại ở Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ đã điều chỉnh chiến lược, chuyển sang chống phá các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong và bằng biện pháp phi vũ trang là chủ yếu, kết hợp với răn đe quân sự và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự khi cần thiết. 

Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ hiện nay không chỉ là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc mà còn gắn liền với việc bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nhân dân; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, xử lý có hiệu quả mọi tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của đất nước.

Bảo vệ quyền con người là nền tảng và động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tuyên ngôn Độc lập bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Quyền con người là một trong những thành tựu và động lực phát triển của xã hội loài người. Cuộc đấu tranh vì quyền con người đã trải qua những chặng đường đầy máu và nước mắt ở khắp nơi trên thế giới. Lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của loài người, xét cho cùng là cuộc đấu tranh vì quyền con người. Quyền con người không chỉ là khái niệm chính trị - pháp lý mà còn là giá trị nhân văn cao quý nhất.

Kế thừa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người luôn hòa quyện và nhất quán với nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Chính vì vậy, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ khẳng định quyền con người đến quyền của dân tộc: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Thông qua chân lý đó, Hồ Chủ tịch muốn khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Từ ngày lập quốc đến nay, tôn trọng và bảo vệ quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện, thể hiện nhất quán trong từng chủ trương và chính sách phát triển; mỗi bước phát triển về chính trị, kinh tế - xã hội đều gắn với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Chúng ta đã tham gia đầy đủ vào các cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế như: tham gia ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về chống tra tấn; chăm sóc bảo vệ người cao tuổi; tham gia tích cực các hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc... 

Bước vào thời kỳ đổi mới, trong các văn kiện, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.

 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chỉ rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

 Sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 (ngày 12/11/2013) không chỉ thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta “coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán, tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực này” mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.

Xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối của Đảng ta về bảo vệ quyền con người có cội rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của một dân tộc luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, đồng thời phản ánh nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam - những người đã từng là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và bị tước đoạt một cách dã man những quyền cơ bản nhất. 

Đường lối ấy cũng được xây dựng từ một nền tảng lý luận vững chắc, trên cơ sở tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, áp dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau. Thực tiễn cũng đã và đang minh chứng, sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong suốt thời gian qua đều nhằm mục tiêu nhất quán xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là cơ sở, tiền đề để đảm bảo và phát triển dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương chọn lọc, kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó có kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền con người, trên cơ sở nguyên tắc: kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân. 

Việt Nam không chấp nhận mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây, không sao chép mô hình “dân chủ, công khai”, “đa nguyên, đa đảng” của các nước tư bản chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi người dân Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định một cách đanh thép rằng: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. 

Điều đó không chỉ khẳng định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mà còn là lời hiệu triệu, kêu gọi, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước quyết tâm chiến đấu giành tự do, độc lập cho dân tộc.

Thực hiện tư tưởng đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động được sự đồng lòng, nhất trí, tập hợp được đông đảo nhân dân thuộc các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo khác nhau kết thành một khối thống nhất vùng lên đánh bại kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối. 

Nối tiếp truyền thống và thành quả cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chú trọng đến cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xây dựng và khơi dậy nguồn lực chính trị - tinh thần trong nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng thế trận lòng dân; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Do đó, trong 30 năm đổi mới, mặc dù luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thậm chí có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đóng góp công sức, trí tuệ của cả hệ thống chính trị, của mỗi công dân, chúng ta không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn xây dựng đất nước ngày càng phát triển, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”. Lời bất hủ đó trong bản hùng văn lập quốc vĩ đại sẽ mãi là lời hiệu triệu với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với đồng bào Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, công tác, học tập ở nước ngoài cùng phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, đóng góp sức lực, trí tuệ và tài năng, sẵn sàng hy sinh xương máu vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm tháng qua đi, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lí mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. 

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, trân trọng và phát huy những giá trị của lịch sử là nền tảng tư tưởng, là cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để tiếp tục đạt được những thắng lợi và thành công trong giai đoạn cách mạng mới theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập. 


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG, H.2000, t.7, tr557

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2011

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H.2011

Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文