Vai trò lãnh đạo của Đảng được bạn bè quốc tế đánh giá cao
Diện mạo đất nước có nhiều đổi thay cơ bản và toàn diện. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Vai trò lãnh đạo của Đảng ta không những được người dân trong nước mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Tại Hội thảo với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam: 90 năm thành tựu và đoàn kết quốc tế”, do Hội Hữu nghị Việt Nam – Canada tổ chức hôm 1-2 tại thành phố Toronto (Canada), ông Louis Lang - đại diện Đảng Cộng sản Canada (Marxist-Leninist) - đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, khẳng định hội thảo là cơ hội để nghiên cứu, tìm hiểu về vai trò của Đảng Cộng sản trong xã hội hiện đại, trong việc tổ chức, tập hợp nhân dân, cùng giải quyết các vấn đề của xã hội. Ông Louis Lang nhấn mạnh, Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á. Vị thế của Việt Nam cũng không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng. |
Chia sẻ quan điểm này, ông Philip Fernandez, thành viên của CVFS, đảng viên Đảng Cộng sản Canada (Marxist-Leninist) đã khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thiếu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những thành tựu trên của đất nước.
Ông nhấn mạnh: “Uy tín và vị thế cao của Việt Nam trên trường quốc tế đã phản ánh sức mạnh chính trị và ý thức hệ của Đảng, cũng như khả năng tài tình của Đảng khi tìm ra phương hướng trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, và cùng với sự tham gia của nhân dân để đưa ra chương trình nghị sự nhằm xây dựng một nước Việt Nam hiện đại.
Một ưu điểm nổi bật của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là khả năng ứng dụng một cách sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện của Việt Nam để đạt được các mục tiêu ở quy mô quốc gia và quốc tế. Điều này cũng phản ánh niềm tin của người dân Việt Nam vào sự lãnh đạo của Đảng. Và niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã được thể hiện khi Việt Nam mới đây đã trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối”.
Các thành viên tham dự hội thảo rất ấn tượng và cảm phục khi được xem tư liệu về những mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam như sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, những thành tựu nổi bật của Đảng trong quá trình Đổi mới và phát triển kinh tế thành công của Việt Nam.
Từ Nga, Giáo sư, Tiến sỹ sử học Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg khẳng định những sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiệu ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra những nền tảng để nâng cao uy tín, tăng cường vị thế của Việt Nam.
Theo ông, với phương pháp đấu tranh chính trị mới, những người cộng sản Việt Nam đã đặt nền móng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giúp tập hợp rộng rãi nhất các tầng lớp quần chúng nhân dân, tiến hành thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên. Qua những bước đi này, Việt Nam đã thể hiện sức mạnh của mình, đó là phát triển chiến lược và thực hiện nó. Theo ông, Việt Nam theo đuổi hội nhập với khu vực, khiến cho các biện pháp cấm vận trở nên vô nghĩa.
Giáo sư Kolotov nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự linh hoạt, khéo léo khi kịp thời đưa ra đường lối Đổi mới. Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế trong tình cảnh rất khó khăn, bao gồm cả việc Liên Xô tan rã. Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh nhận định 30 năm Đổi mới thành công đã tạo điều kiện để Việt Nam đạt được những kết quả sơ bộ và xác định đường hướng trong tương lai.
Giáo sư Kolotov nhấn mạnh Việt Nam chưa bao giờ có được vị thế cao như hiện nay, và điều này đạt được là nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển đất nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 7% và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm.
Có quan điểm tương tự, nhà Việt Nam học kỳ cựu Evghenhi Kobelev, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN) đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm chiến tranh, cũng như thời kỳ Đổi mới, phát triển kinh tế.
Ông Vasilievich nhận định Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện tượng độc đáo trong phong trào cộng sản thế giới. Đánh giá về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế, ông Kobelev lưu ý về kinh tế, Việt Nam gần như đã 20 năm phát triển kinh tế ở tốc độ cao, GDP tăng trưởng từ 6-7%/năm. Tốc độ tăng trưởng như vậy là rất cao trong khi nước Nga tăng trưởng kinh tế chỉ 1-1,5%. Điều này rõ ràng là nhờ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ Australia, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo qua nhiều sự kiện lớn trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của nước ngoài và thành lập một nước Việt Nam thống nhất, độc lập.
Về những chính sách có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ quốc tế của Việt Nam trong những năm qua, Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh chính sách lớn có ý nghĩa cho đến nay là việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo tiến hành công cuộc Đổi mới vào cuối năm 1986.
Việt Nam đã chấm dứt kế hoạch hóa tập trung và khởi xướng phát triển sản xuất tư nhân, chủ yếu dựa vào các hộ gia đình. Chính sách này đem lại sự gia tăng rõ rệt về năng suất trong sản xuất lúa gạo và tạo điều kiện cho sự “bung ra” của ngành công nghiệp nhẹ.
Đồng thời, Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại và khuyến khích đầu tư nước ngoài để giúp phát triển “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giúp giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo khi Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Bước ngoặt quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là vào tháng 5-1988, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 13 về các nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Nghị quyết này đặt ưu tiên cho phát triển kinh tế thông qua chính sách đối ngoại đa phương. Sau đó, tất cả các đại hội Đảng toàn quốc đều tiếp tục thực hiện chính sách trên với thành công lớn.
Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là thành viên thứ 6. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước và đối tác toàn diện với 12 nước. Việt Nam đang thực hiện thành công quá trình “hội nhập kinh tế tích cực, chủ động” thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.