Vấn đề giảm hình phạt tử hình trong BLHS (sửa đổi)

15:58 26/10/2015
Lộ trình giảm dần việc quy định hình phạt tử hình trong BLHS một mặt phản ánh mức độ nhân đạo hóa hệ thống hình phạt ngày càng cao, mặt khác phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, “là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” (Điều 30). Thực hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp với xu hướng phát triển của văn minh nhân loại, việc nghiên cứu thu hẹp phạm vi quy định và áp dụng hình phạt tử hình luôn được nhà làm luật và áp dụng pháp luật Việt Nam quan tâm. Đặc biệt, thu hẹp phạm vi quy định và áp dụng hình phạt tử hình là một chủ trương lớn được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và đã được thể chế hóa khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung BLHS qua các thời kỳ. BLHS đầu tiên của Nhà nước ta năm 1985, sau 4 lần sửa đổi, bổ sung, số lượng các điều luật quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể là 44 điều (chiếm tỷ lệ 14,89% tổng số điều luật). Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và hội nhập quốc tế, BLHS năm 1999 được ban hành thay thế BLHS năm 1985 đã loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh cụ thể, làm giảm số điều luật có quy định hình phạt tử hình xuống còn 29 điều luật (giảm 13 điều), chiếm tỷ lệ 11% tổng số điều luật của BLHS. Như vậy, phạm vi quy định về hình phạt tử hình trong luật hình sự của Việt Nam đã giảm dần đều qua các lần sửa đổi, bổ sung BLHS (giảm dần theo thời gian): năm 1985: 44 điều luật quy định hình phạt tử hình; năm 1999: 29 điều luật quy định hình phạt tử hình; năm 2009: 22 điều luật quy định hình phạt tử hình.

Lộ trình giảm dần việc quy định hình phạt tử hình trong BLHS một mặt phản ánh mức độ nhân đạo hóa hệ thống hình phạt ngày càng cao, mặt khác phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Nhà nước ta. Đối với Việt Nam, từ trước đến nay, trong luật hình sự vẫn duy trì hình phạt tử hình; nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên chưa thể loại bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng cho thấy, mặc dù hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 22 điều luật nhưng trên thực tế, Tòa án chủ yếu áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội giết người (giết người nhằm chiếm đoạt tài sản; giết nhiều người, giết phụ nữ mà biết là có thai, giết trẻ em, giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác…) và một số tội phạm về ma túy (tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…).

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm cũng như bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự, bảo vệ công lý và giữ vững an ninh, trật tự  thì việc duy trì hình phạt tử hình trong BLHS là cần thiết. Tuy vậy, với tỷ lệ trên 8% các điều luật trong BLHS có quy định hình phạt tử hình là vẫn cao. Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình ở nước ta có xu hướng tăng, (số lượng án tử hình tuyên năm sau cao hơn năm trước); điều này cũng gây ra tác động cho xã hội. Tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền quan trọng nhất của con người, tước bỏ khả năng, cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, hướng thiện của người bị kết án. Vì vậy, xuất phát từ kinh nghiệm lập pháp hình sự của Nhà nước ta và quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các nghị quyết, cụ thể hóa trong các quy định về quyền con người của Hiến pháp năm 2013, việc tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn thi hành BLHS, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đề xuất việc thu hẹp phạm vi quy định hình phạt tử hình trong BLHS là cần thiết. Do đó, chúng tôi tán thành với đề xuất trong dự thảo BLHS (sửa đổi) là giảm hình phạt tử hình được thực hiện trên các phương diện:

- Giảm tội danh có quy định hình phạt tử hình;

- Thu hẹp đối tượng bị áp dụng hình phạt tử hình (chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự);

- Mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình (ngoài người chưa thành niên khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử như quy định của BLHS hiện hành. Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung quy định người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử cũng không bị áp dụng hình phạt tử hình);

- Mở rộng đối tượng không bị thi hành hình phạt tử hình (ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định của BLHS hiện hành, dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung hai trường hợp bị kết án tử hình nhưng không bị thi hành mà chuyển thành tù chung thân: người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Điều 40)).

Về các tiêu chí giảm hình phạt tử hình như trên là phù hợp; nhưng chúng tôi cho rằng, cần cân nhắc thận trọng về đề xuất giảm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm theo định hướng: việc giảm hình phạt tử hình, một mặt vừa đảm bảo tính nhân đạo đối với người phạm tội nhưng phải bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh sau:

- Tội cướp tài sản (Điều 168) và Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 313) dự thảo Bộ luật, vì đây là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm đến tài sản mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong thời gian qua đã có một số đối tượng phạm các tội này gây bức xúc, hoang mang, lo lắng trong nhân dân về môi trường an toàn xã hội và đã bị kết án tử hình.

- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 253 dự thảo Bộ luật), vì đây là hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, xảy ra phổ biến, nhiều vụ án các đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, đặc biệt lớn. Đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy rất manh động, dùng vũ khí chống trả quyết liệt lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nếu không quy định hình phạt tử hình đối với tội phạm này thì các đối tượng phạm tội sẽ lộng hành, coi thường pháp luật.

Về các trường hợp không áp dụng, không thi hành hình phạt tử hình: chỉ nên khuyến khích không áp dụng hình phạt tử hình đối với đối tượng phạm tội bị kết án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; đối với đối tượng phạm tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ cần áp dụng hình phạt tử hình, vì đây là các tội tham nhũng, cần phải trừng trị nghiêm khắc.

Trung tướng, GS. TS Nguyễn Ngọc Anh Cục trưởng V19

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文