“Virus tin giả” trên không gian mạng:

Tin giả hoành hành giữa tâm dịch COVID-19

07:07 29/02/2020
Chính trong thời kỳ công nghệ không dây phát triển như hiện nay, trên không gian mạng đang tồn tại loại virus không gây dịch bệnh nhưng lại gây hậu quả khôn lường. Loại virus ấy có tên “virus tin giả”. Và thực tế, thứ virus này đang làm ảnh hưởng việc phòng chống dịch bệnh, tới trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình phòng chống dịch COVID-19, nhắc đến từ virus, người ta nghĩ ngay đến dịch bệnh, đến những đại dịch từng lây lan khắp toàn cầu, gây thảm họa cho con người. 

Thế nhưng cũng chính trong thời kỳ công nghệ không dây phát triển như hiện nay, trên không gian mạng đang tồn tại loại virus không gây dịch bệnh nhưng lại gây hậu quả khôn lường. Loại virus ấy có tên “virus tin giả”. Và thực tế, thứ virus này đang làm ảnh hưởng việc phòng chống dịch bệnh, tới trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

Tình trạng tin giả tràn lan trên không gian mạng, gây hoang mang trong dư luận.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), đến nay, cả nước có trên 300 trường hợp đưa tin giả liên quan đến dịch bệnh COVID - 19 trên Internet bị điều tra, xử lý. Trong khi cả nước đang quán triệt tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, hành vi phát tán “virus tin giả” lên không gian mạng, khiến cho việc phòng chống dịch bệnh mang tính cấp bách này bị ảnh hưởng.

Từ cảnh báo của vị bác sỹ về “virus tin giả”, gây bệnh thật

Ngay từ ngày đầu của dịch bệnh COVID-19, tôi vô cùng ấn tượng khi đọc bài viết của bác sỹ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) khi ông trích dẫn số liệu từ việc bùng phát bệnh sởi năm 2014 tại nước ta và lo ngại trong dịch bệnh lần này, có một loại “virus” khiến việc chống chọi khó khăn hơn. Đó là “virus tin giả”. Và đúng như vị bác sỹ có thâm niên trong nghề dự báo, “virus tin giả” tràn lan trên Internet, cản trở việc phòng chống dịch, gây hoang mang trong dư luận, tạo ra sự bất ổn của xã hội.

Khái niệm tin giả (fake news) được truyền thông trong nước và quốc tế nhắc nhiều trong thời gian gần đây, nhất là từ khi ai cũng có thể trở thành “người đưa tin” trên mạng xã hội. Rõ ràng, tính ưu việt của công nghệ không dây, nhất là trong lĩnh vực truyền thông khi những tin tức mới nhất của thế giới lẫn trong nước luôn được cập nhật một cách nhanh nhất luôn được thừa nhận. Thế nhưng, mặt trái của nó thì chúng ta cũng không thể phủ nhận, trong đó, tin giả là một ví dụ. 

Ở Việt Nam hiện nay, khi số lượng người sử dụng Internet là 64 triệu, chiếm 2/3 dân số; 58 triệu tài khoản Facebook…, không gian mạng trở thành một môi trường lý tưởng để phát triển và kéo theo cả những cạm bẫy, “rác rưởi”. Tin giả muôn hình vạn trạng, từ chuyện liên quan đến đời sống cá nhân của các ngôi sao, đến các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh - chính trị… Với tốc độ lan truyền nhanh chóng trên môi trường mạng, tin giả thực sự đã gây ra những ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống.

Cơ quan Công an xử lý đối tượng phát tán tin giả về dịch bệnh COVID-19.

Trở lại chuyện mà bác sỹ Trần Văn Phúc viện dẫn về việc bùng phát bệnh sởi năm 2014 để thấy, “virus tin giả” đã gây ra bệnh thật như thế nào. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014, cả nước có 35.000 ca sốt phát ban nghi sởi, hơn 6.000 ca ghi nhận mắc bệnh sởi, 147 trường hợp tử vong… Bệnh sởi đã được khống chế sau nhiều năm nhờ vaccine nhưng bùng phát trở lại vì “những con virus tin giả chui vào Internet, mang theo những lời đe doạ về vaccine khiến nhiều phụ huynh không dám cho con đi tiêm phòng…”. 

Việc bác sỹ Phúc đưa ra dẫn chứng này vào thời điểm đầu mùa dịch COVID-19, khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cho thấy, tin tức giả về virus Corona có thể là “tác nhân” khiến đại dịch thêm trầm trọng… 

Đúng như tiên lượng của ông, chỉ tính từ đầu tháng 2 đến nay, “virus tin giả” về COVID-19 đã trở thành một loại virus gây ra tác hại khôn lường. Nó khiến người ta hiểu sai về cơ chế lây nhiễm, nguồn lây nhiễm, cách phòng tránh, hiệu quả điều trị; nó khiến cả cộng đồng dân cư hoặc địa phương nháo nhác trước hoang tin có người nhiễm, người tử vong vì COVID-19… Nó tạo nên những cơn sốt khẩu trang, thuốc tẩy trùng và nhiều hệ luỵ khác nữa.

Tốc độ lây lan đáng sợ

Thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao cho thấy, liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, từ ngày 20/1 đến ngày 5/2, trên không gian mạng có khoảng 200.000 bài đăng trên các trang tin điện tử, blog, mạng xã hội Facebook, thu hút hàng triệu lượt tương tác… 

Đáng chú ý, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối, phản động và một số người dân nhận thức chưa đầy đủ… đã đăng tải, phát tán nhiều thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Theo thống kê, phân loại, những thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 chủ yếu ở mấy dạng thức như sau: Lan truyền thông tin tìm cách chữa trị virus Corona tại nhà; tung tin sai sự thật về số lượng ca nhiễm, tử vong tại Việt Nam; tung tin đóng cửa biên giới với Trung Quốc, kêu gọi Việt Nam đóng cửa biên giới; tán phát thông tin người Trung Quốc đến Việt Nam; kêu gọi người dân bãi công, bãi thị và bãi khoá trên toàn lãnh thổ Việt Nam; tung tin về Nhà nước phun thuốc ngừa virus Corona trên bầu trời toàn quốc; tuyên truyền thông tin vaccine chữa trị virus Corona… 

Có thể thấy rõ, tính chất của những tin tức sai sự thật này đa dạng, liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội cũng như hướng tới đối tượng quan tâm rất phong phú. Chính vì vậy, ảnh hưởng tiêu cực của những tin tức giả đến công tác phòng ngừa bệnh dịch, đến ổn định và phát triển sản xuất cũng như an ninh trật tự rất lớn. 

Chúng tôi xin nêu ra đây ví dụ về hành vi loan tin việc chữa trị bệnh virus Corona tại nhà để thấy tính chất nguy hại của việc làm này. 

Đó là các tài khoản facebook như: “Thuy Trang Nguyen”, “Việt Tân”, “Nhật ký yêu nước”, “Radio Chân trời mới” (các tài khoản này do các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài quản trị, điều hành)… tán phát hàng loạt bài viết như: “Bạn muốn mình là người sống sót trong con số 90% sau khi bị nhiễm virus Vũ Hán thì làm đúng cách sau”, “Phương pháp kiềm chế nhiệt độ trong người chống virus Corona”, “Sự hợp lý khi chữa trị”, “Cách sống với con virus Vũ Hán”… với nội dung hướng dẫn cách chẩn đoán và tự điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc Tylnenol (là hoạt chất Acetaminophen, dùng để điều trị các triệu chứng sốt, cảm lạnh, cúm. Thuốc này thường dùng để điều trị đau đầu, các bệnh về tai, răng và một số bệnh lý về xương khớp), đắp khăn lạnh, tự cách ly người thân, uống nhiều nước lọc, nước cam hay… nước tiểu; không nghe theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành. 

Mặc dù, đưa ra những lời khuyên trái ngược với thông tin về phòng ngừa, điều trị của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Việt Nam nhưng những bài viết mà các tài khoản này đăng tải lại thu hút hàng triệu lượt tương tác, nhiều đối tượng trong nước trích đăng lại nội dung, khiến dư luận hoang mang. 

Đáng chú ý, trong số các đối tượng chia sẻ những bài viết kiểu này ở trong nước, có nhiều người đang kinh doanh online. Điều này cho thấy, để câu view, câu like và phục vụ việc kinh doanh, họ đã bất chấp tất cả để trục lợi.

Tung tin sai sự thật về số lượng ca nhiễm, tử vong do virus Corona tại Việt Nam cũng gây ra những tác hại khôn lường. 

Từ ngày 20/1 đến 5/2, cơ quan Công an xác định được 35 tài khoản facebook đưa ra thông tin thất thiệt như: “33 trường hợp nhiễm virus Corona tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy”, “thành phố Hồ Chí Minh có 5 trường hợp, Đà Nẵng có 13 trường hợp nhiễm virus Corona và đang tăng nhanh ở Nha Trang, Hà Nội, Thanh Hoá, Cao Bằng, Kiên Giang, Phú Quốc…”… Có những thông tin bịa đặt số người nhiễm bệnh tại nước ta gần 500 người, tại 12 tỉnh, thành. Những thông tin bịa đặt này đã gây tâm lý bất an cho người dân, gây hoài nghi về hiệu quả của công tác phòng chống dịch của Chính phủ, ngành Y tế và các cấp chính quyền.

Không chỉ dừng lại ở việc đưa các thông tin sai sự thật về dịch bệnh, trên không gian mạng còn lan truyền những thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quan hệ ngoại giao… Đó là việc các đối tượng tung tin bịa đặt về việc có người Trung Quốc tại các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam nhiễm virus Corona và kêu gọi người dân ngừng các hoạt động buôn bán, không đến nhà máy, học sinh không đến trường, yêu cầu Chính phủ Việt Nam đóng cửa biên giới… Hậu quả, làm cho 1.600 công nhân tại cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Dược và Công ty Domex (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đình công tập thể…

Việc phát tán “virus tin giả” về dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiễu loạn thông tin, làm giảm hiệu quả của công tác truyền thông về phòng chống dịch mà Bộ Y tế, các cơ quan báo chí chính thống trong nước đang thực hiện. Từ đó, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh. 

Và cùng với việc phát tán “virus tin giả”, các tổ chức, đối tượng phản động, chống phá còn coi đây là cơ hội để xuyên tạc tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch và chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có thể ví, đây là loại ký sinh trùng đang hằng ngày, hằng giờ “ký sinh” vào virus Corona để hoạt động chống phá bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

(Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)

Nghiêm cấm hành vi:

Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

(Điều 8, Luật An ninh mạng)

Cao Hồng (còn nữa)

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文