Diễn biến mới nhất vụ tự nhận nhà báo, lăng mạ CSGT
Đoạn clip một phụ nữ tự xưng là người làm báo có hành vi lăng mạ CSGT ở Hà Nội khiến dư luận dậy sóng. Nhiều phóng viên, nhà báo bất bình khi đọc được những bình luận xúc phạm đến nghề nghiệp của mình. Ngày 27-5, Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam có ý kiến về vụ việc này.
- Không đội MBH còn lăng mạ CSGT
- Phạm luật còn lăng mạ CSGT
- Hành vi giả danh nhà báo, Công an để vụ lợi sẽ bị xử lý như thế nào?
Ngày 25-5, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đang làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm giao thông tại khu vực ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch thì phát hiện một người đàn ông điều khiển xe máy đi trên vỉa hè nên đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính.
Người đàn ông có ý định “xin” CSGT bỏ qua lỗi vi phạm nhưng không được nên đã gọi điện thoại cho ai đó. Ít phút sau, một phụ nữ xuất hiện và tự xưng mình là nhà báo, đồng thời đưa điện thoại yêu cầu đồng chí CSGT trong tổ công tác phải nghe máy.
Người phụ nữ tự nhận là nhà báo có hành vi lăng mạ cảnh sát giao thông (ảnh cắt từ clip) |
Thông tin xác minh ban đầu của cơ quan CSGT cho thấy, người phụ nữ xuất hiện khi CSGT đang làm nhiệm vụ xử lý vụ việc trên tên là Nguyễn Thị Nguyệt. Tấm thẻ mà người phụ nữ này giơ ra có một mặt màu đỏ nhưng không phải là thẻ nhà báo mà là thẻ của một tổ chức xã hội.
Chủ sở hữu chiếc xe máy mà nam thanh niên điều khiển cũng có tên trùng với tên của người phụ nữ này. Hiện nay, CSGT Hà Nội đang cùng với các đơn vị nghiệp vụ Công an Hà Nội tiếp tục xác minh làm rõ mối quan hệ giữa người phụ nữ trên và người vi phạm giao thông cùng như thông tin liên quan.
Sáng 27-5, trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết thêm: Đội CSGT số 3, người điều khiển xe máy 29B1-753.10 đã bị lập biên bản với 4 lỗi, tổng mức phạt hơn 1,7 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện 7 ngày theo qui định. Hiện tại người vi phạm chưa đến thời điểm nộp phạt và lấy xe, còn người phụ nữ không liên quan gì đến hành vi vi phạm của anh Thắng nên CSGT không lập biên bản với chị này. An Hiếu |
Một vụ lăng mạ, đòi tấn công CSGT gần đây. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian vừa qua đã có không ít trường hợp người vi phạm Luật giao thông khi bị kiểm tra, xử lý đã mạo nhận là phóng viên, nhà báo để “xin” thậm chí là dọa nạt lực lượng CSGT bỏ qua lỗi vi phạm.
Khi gặp phải thái độ kiên quyết xử lý vi phạm của lực lượng CSGT, một số trường hợp tỏ thái độ ngông cuồng thậm chí lăng mạ, chửi bới người thực thi công vụ. Hành động của các đối tượng này làm người dân cũng như những đội ngũ những người làm báo chân chính bất bình, phẫn nộ.
Ngày 27-5, ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội nhà báo Việt Nam cho biết: “Với vai trò là cơ quan kiểm tra của Hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người làm báo, chúng tôi rất quan tâm đến vụ việc này. Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định, người phụ nữ này không phải là nhà báo, không phải ở cơ quan báo nào.
Nếu clip phản ánh đúng sự thật thì việc giả danh nhà báo và có lời lẽ xúc phạm các cảnh sát giao thông là hành vi đáng lên án, không thể lợi dụng danh nghĩa nhà báo để có cách hành xử như vậy. Còn nếu một nhà báo mà có lối hành xử như vậy thì càng không thể chấp nhận được, bởi đó là hành vi thiếu văn hóa, nói năng tục tĩu…”.
Hình ảnh cắt từ clip |
Theo quan điểm của ông Minh, ai đó đưa clip lên mạng với dụng ý tốt thì nên cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng để dễ xử lý. Việc tung thông tin không đầy đủ như ban đầu đã ảnh hưởng tới hình ảnh của nghề báo. Trong kỷ nguyên số, những sự việc như vậy không thể giấu được, nhưng mọi công dân đều có trách nhiệm bảo vệ sự trong sáng của các nghề nghiệp. Khi đưa clip không nói rõ ngay từ đầu khiến dư luận tin rằng đó là nhà báo nên đã có những bình luận không tốt về nghề báo, nhà báo đã bị bôi nhọ thanh danh vì sự mạo nhận như thế.
Hội nhà báo hiện có hơn 18.000 hội viên, chuyện nhà báo bị vu khống, đe dọa hoặc lợi dụng danh nghĩa nhà báo có rất nhiều. Hiện nay các cấp Hội nhà báo và các cơ quan báo chí đang nghiêm túc thực hiện 10 quy định về đạo đức, nghề nghiệp người làm báo. Ông Minh khẳng định, lực lượng làm báo không bênh vực hành vi phi văn hóa. Nếu phát hiện hội viên có hành vi ứng xử không đúng thì sẽ yêu cầu hội nhà báo báo cáo lên Trung ương Hội, kiến nghị hình thức xử lý.
Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ. Tại khoản 2 quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ”. |