Nissan Việt Nam đánh mất khách hàng X-Trail vì... giảm giá?
- Đang đắt hàng, Nissan Việt Nam vẫn giảm sâu giá X-trail
- Nissan Việt Nam giảm giá mạnh dòng xe X-Trail
- Nissan bị cảnh cáo vì quảng cáo quá đà
Chính sách giá liên tục thay đổi, khiến người Nissan X-Trail ngẫu nhiên phải chịu thiệt hại lớn - Ảnh minh họa |
Số liệu báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chỉ rõ, từ mức bán 591 xe trong tháng 3, doanh số Nissan X-Trail đã “lao dốc” xuống còn 70 xe trong cả tháng 4, giảm 88%.
Trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước sụt giảm (giảm 36% trong tháng 4), việc doanh số của một sản phẩm bất kỳ thấp hơn tháng trước cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, kết quả mà Nissan Việt Nam thu được từ X-Trail tháng qua lại khá bất thường.
Kể từ thời điểm X-Trail lắp ráp trong nước chính thức được phân phối trên thị trường hồi cuối năm ngoái, mẫu crossover của Nissan đã trải qua quý I/2017 với doanh số tăng dần đều theo từng tháng trước khi mất khách hàng ngay trong tháng đầu tiên của quý II.
Lý giải sự thay đổi chóng mặt của X-Trail, một số luồng ý kiến cho rằng, sau vài tháng trải nghiệm thực tế, chiếc crossover đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý và không phù hợp với điều kiện sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, giả thiết này hoàn toàn trái ngược với những thông điệp tích cực mà những người đang sử dụng X-Trail chia sẻ trên các diễn đàn ô tô ở Việt Nam cũng như thế giới.
Lãnh đạo một đại lý xe Nissan tại Việt Nam nhận định, liên doanh ô tô Nhật Bản có thể chưa đánh giá hết được nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến kế hoạch sản xuất không sát với thực tế, khiến cung không đáp ứng đủ cầu.
Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ tại TP.HCM lại nghi ngờ khả năng đáp ứng và năng lực sản xuất của nhà máy Nissan ở Việt Nam. Ở thời điểm Honda CR-V và Mazda CX-5 đã quá quen thuộc và trở nên nhàm chán, Nissan X-Trail đã chứng tỏ sự mới lạ trong phân khúc và liên tục tăng trưởng dương, thì việc linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất của liên doanh ô tô Nhật Bản không phải là điều không thể, nhất là khi thị trường đang cho thấy còn nhiều tiềm năng.
Nếu Nissan Việt Nam phản ứng chậm khiến cho nguồn cung không đủ cho nhu cầu, thì khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất của Nissan Việt Nam còn ở khoảng cách rất xa so với hai đối thủ. Đó là chưa nói đến năng lực đáp ứng dịch vụ sửa chữa bảo hành khi sản phẩm liên tục nằm trong danh sách bán chạy, ông Tuấn kết luận.
Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy việc giảm giá xe khiến mất khách hàng, nhưng nhìn lại hoạt động của Nissan Việt Nam kể từ đầu năm 2017 có thể thấy, chỉ trong vòng 4 tháng liên doanh ô tô Nhật Bản đã hai lần điều chỉnh giảm giá với giá trị cộng dồn lên đến hơn 150 triệu đồng, đối với X-Trail.
Việc giảm giá kích cầu sản phẩm, vốn không quá xa lạ đối với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam, nhưng giá trị giảm lớn cho một mẫu xe thuộc phân khúc phổ thông, không khỏi khiến những người sở hữu xe trong khoảng thời gian ngắn trước đó cảm thấy hụt hẫng.
Tôi đã mất trắng 150 triệu đồng, chưa kể giá trị khấu hao xe tăng chỉ vì nhanh tay đặt mua xe từ cuối năm ngoái, trước thời điểm Nissan Việt Nam giảm giá X-Trail, chị Hoàng Ngọc Bích (Hà Đông) - chủ sở hữu xe thốt lên sau khi đọc thông tin giảm giá xe lần 2 trong vòng hai tháng của liên doanh ô tô Nhật Bản.
Hành động của Nissan Việt Nam cho thấy tính bất ổn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, liên tục giảm giá sản phẩm trong một khoảng thời gian ngắn, khiến những người mua trước chịu thiệt hại đáng kể.
Thị trường ô tô Việt Nam cũng đã từng chứng kiến nhà phân phối xe Volkswagen để mất rất nhiều khách hàng sau lần giảm giá lên đến 300 triệu đồng đối với dòng xe Tiguan hồi năm 2011. Và chỉ vài năm sau đó, đơn vị phân phối xe Volkswagen tại Việt Nam cũng đã đổi chủ do không thể vực dậy sức mua sau lần gây thiệt hại lớn cho khách hàng, chị Bích ví von.