Cạm bẫy rình rập trẻ em trên môi trường mạng

12:09 23/01/2021
Thời gian vừa qua, Công an TP Hà Nội liên tiếp phát hiện những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em trên môi trường mạng Internet. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc học tập giải trí của nhiều trẻ gần như gắn chặt với máy tính và mạng đã khiến gia tăng những vụ việc nhằm vào đối tượng là các em học sinh…


Thống kê từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu, độc hại trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.

Chị Hoàng Thu T. (sinh năm 1982, thường trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Con trai chị là cháu Nguyễn A.T (sinh năm 2008) vốn là đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời, thích tập thể thao… Nhưng sau hai tháng nhà trường cho học trực tuyến, chị phát hiện cháu có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thể lực sa sút, sụt cân…

Đối tượng dụ dỗ bé gái chụp ảnh nude rồi ép quan hệ tình dục

Tiến hành tìm hiểu, chị phát hiện cháu thường xuyên truy cập vào một trang web "đen", sau đó còn bắt chước theo. Gia đình đã động viên, hỏi han thì A.T kể rằng khi lang thang tìm kiếm thông tin trên mạng thì cháu bỗng thấy một trang web có rất nhiều phim "người lớn" nhảy vào. Lần đầu cháu tắt luôn, nhưng khi trang web kia xuất hiện nhiều lần, khiến cháu tò mò ngồi xem. Lâu dần ngày nào cũng phải truy cập. Không chỉ truy cập trên máy tính mà cháu còn sử dụng cả điện thoại di động nữa…

Trường hợp cháu Nguyễn Thị V. (sinh năm 2010) trú tại quận Long Biên, Hà Nội cũng khiến gia đình hết sức đau đầu. Chị M.A (mẹ cháu V.) cho biết sau khi được nghỉ học tại nhà, cháu thường xuyên dùng máy tính của mẹ để học trực tuyến và tìm kiếm thông tin, giải trí trên mạng xã hội. Bẵng đi vài tuần, chị M.A truy cập vào máy tính để lấy dữ liệu thì thấy máy có đặt mật khẩu.

Gọi điện cho V., cháu ấp úng mãi mới cấp mật khẩu cho mẹ. Khi truy cập vào một folder trong máy, chị M.A bàng hoàng khi thấy nhiều hình ảnh cơ thể không mặc quần áo của con gái. Sau khi tỉ tê động viên, cháu V. mới thổ lộ tuần trước cháu được mời vào một "nhóm kín". Nhóm này gồm 4-5 bé gái đang rủ nhau tham gia cuộc thi "siêu mẫu nhí", với giải thưởng là nhiều đồ mỹ phẩm cùng số tiền mặt lên đến hàng chục triệu đồng.

Qua các đoạn chat, chị M.A cũng phát hiện ra một số nữ sinh lớn tuổi đang ra sức thuyết phục cháu V. dùng điện thoại để chụp hình ảnh một số bộ phận trên cơ thể để gửi cho "ban tổ chức" cuộc thi. Các nữ sinh cũng dặn V. cần chụp kỹ với nhiều tư thế khác nhau sẽ dễ được lọt vào vòng trong hơn!

Báo cáo mới đây của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cũng nhấn mạnh, trong quá trình học trực tuyến của trẻ, nhiều cha mẹ cho biết, con cái đã bị những đối tượng xấu gạ gẫm tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp. Thể lệ tham dự là trẻ gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu của Ban tổ chức để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều em đã làm theo yêu cầu, chụp và gửi ảnh trong khi không hề biết những tấm ảnh đó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì. Nhiều khi những bức ảnh này được gửi đến cho chính những người bạn bè trong nhóm, rồi lại được chia sẻ rộng ra đến tất cả mọi đối tượng sử dụng Internet.

Đặc biệt, tháng 5-2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) đã tiến hành điều tra xử lý một đối tượng có hành vi Làm nhục người khác, nhằm vào một bé gái 13 tuổi hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện. Tài liệu điều tra từ Cơ quan Công an cho thấy đầu tháng 5-2020, Công an huyện Gia Lâm nhận được đơn trình báo của anh N.V.K về việc trước đó có một đối tượng nam liên lạc cho con gái anh K. là cháu N.V.A. (sinh năm 2007) qua điện thoại yêu cầu cháu A. phải tự quay clip, hình ảnh gợi cảm rồi gửi cho người này nếu không đối tượng sẽ cắt ghép ảnh cháu A. khỏa thân rồi tung lên mạng xã hội. Do sợ nên cháu A. đã dùng điện thoại của mình quay clip, chụp ảnh nhạy cảm của mình rồi gửi cho tài khoản zalo có tên "KoPT".

Sau đó đối tượng tiếp tục yêu cầu cháu A. quay clip, chụp thêm nhiều ảnh nhạy cảm khác và gửi tiếp cho đối tượng nhưng cháu A. không đồng ý. Khi thấy cháu A. không làm theo yêu cầu thì tài khoản Facebook tên là Nguyễn TN đã đăng clip, ảnh nhạy cảm của cháu A. lên mạng xã hội Facebook và nhắn tin cho nhiều người quen của cháu A. Tổ chức điều tra, Công an huyện Gia Lâm đã xác minh làm rõ đối tượng là Ngô Gia Nghĩa (sinh năm 2005, trú tại huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), đồng thời khởi tố đối tượng về hành vi làm nhục người khác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đang truy cập Internet hàng ngày. Bình quân cứ ba người truy cập Internet, có một trẻ em. Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy có đến 1/5 số trẻ dược hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên mạng internet.

Theo một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), mỗi năm cơ quan này tiếp nhận khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan đến trẻ em, tuy nhiên trong đó số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được quy định trong Luật An ninh mạng 2018, song gia đình, nhà trường… phải là những "tường lửa" để giúp trẻ đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng.

M.Tiến - M.Trí

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文