Marcel Petiot, “bác sĩ Satan” của nước Pháp

21:30 29/09/2019
Marcel Petiot chào đời ngày 17-1-1897 tại Auxerre, Pháp. Trong thời gian đi học, Petiot nhanh chóng thu hút sự chú ý của Ban giám hiệu nhà trường do có xu hướng bạo lực và hành vi tình dục không phù hợp. Petiot từng bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, và bị trục xuất khỏi môi trường học đường nhiều lần.


Nạn nhân đầu tiên

Khi còn là một thiếu niên, Petiot trượt dài với hàng loạt vi phạm nhưng chủ yếu chỉ là những vụ việc lặt vặt. Ở tuổi 17, Petiot từng bị buộc tội trộm cắp và làm hư hại tài sản công cộng. 

Lần này – cũng như với những đánh giá tiếp theo - một bác sĩ tâm thần tuyên bố Petiot mắc bệnh tâm thần, và các cáo buộc chống lại ông đã bị loại bỏ. Mặc dù được chẩn đoán bệnh tâm thần, Petiot cũng được phục vụ quân đội Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần 1.

Ảnh chụp Marcel Petiot của cảnh sát.

Sau khi bị thương ở mặt trận vào mùa xuân năm 1917, Petiot lại tiếp tục được đánh giá bị bệnh tâm thần và được đưa đi điều trị. Trong khi chữa bệnh trong bệnh viện, Petiot lại bị bắt vì tội trộm cắp vặt, lần này là ăn cắp chăn quân đội - nhưng một lần nữa các cáo buộc đã bị loại bỏ do chứng bệnh tâm thần mà theo các bác sĩ là mất cân bằng tâm thần, suy nhược thần kinh, suy nhược tinh thần, u sầu, và ám ảnh. 

Tuy nhiên, rõ ràng ngay cả việc xác nhận thêm về bệnh tâm thần, Petiot cũng không được miễn nghĩa vụ quân sự, và một lần nữa phải ra mặt trận vào năm 1918.

Khi Chiến tranh Thế giới lần 1 kết thúc, Petiot theo học chương trình đào tạo cấp tốc dành cho các cựu chiến binh và hoàn thành chương trình y khoa chỉ trong 8 tháng. Petiot nhận bằng y khoa tháng 12-1921 và chuyển đến Villeneuve-sur-Yonne. 

Trong khi làm việc tại Villeneuve-sur-Yonne, Petiot chịu nhiều tai tiếng như sử dụng ma túy cho bệnh nhân và thực hiện phá thai bất hợp pháp. Petiot là một bác sĩ tham nhũng, cố tình kê đơn chất gây nghiện cho bệnh nhân và bí mật xin hỗ trợ y tế nhà nước cho nhiều bệnh nhân - có nghĩa là Petiot nhận được khoản thanh toán từ cả bệnh nhân và nhà nước mỗi khi điều trị cho họ.

Petiot bắt đầu ve vãn Louise Delaveau - con gái của một trong những bệnh nhân của mình vào năm 1926. Nhưng, không lâu sau đó cô gái bỗng dưng biến mất một cách đáng ngờ và hàng xóm sau đó nói rằng họ đã nhìn thấy Petiot từng khiêng một bao tải lên chiếc xe của mình. Tuy nhiên, cảnh sát cuối cùng kết luận rằng cô gái đã bỏ trốn. 

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng Delaveau có thể là nạn nhân đầu tiên của ông. Cũng trong năm 1926, Petiot chuyển hướng quan tâm sang chính trị và đã phát động cuộc tranh cử thành công, trở thành thị trưởng thị trấn Villeneuve-sur-Yonne thuộc tỉnh Yonne. Một lần nữa, Petiot lại tận dụng chức quyền để trục lợi cá nhân, biển thủ công quỹ.

Năm 1927, Petiot kết hôn với Georgette Lablais - con gái một chủ lò mổ giàu có ở địa phương - và họ có một đứa con trai vào năm sau. Thời gian giữ chức thị trưởng của Petiot đầy rẫy những vụ bê bối - ông bị buộc tội ăn cắp tất cả mọi thứ, từ tiền đóng thuế đến lon dầu từ kho đường sắt. Petiot bị tòa án kết án ba tháng tù, nhưng bản án đã bị đảo ngược trong kháng cáo. 

Việc đình chỉ chức vụ thị trưởng kéo dài 4 tháng, và chỉ sau vài năm khiếu nại và cáo buộc trộm cắp, Petiot mới chính thức bị cách chức năm 1931. Nhưng chỉ hơn một tháng sau khi bị cách chức thị trưởng Villeneuve-sur-Yonne, Pewtiot giành được một ghế trong hội đồng nhân dân tỉnh Yonne vào năm 1932. Trong thời gian ở hội đồng, Petiot bị buộc tội trộm cắp điện của thị trấn Villeneuve-sur-Yonne. Cuối cùng, Petiot bị trừng phạt và mất ghế trong hội đồng.

Những vụ án ở số 66 Phố Caumartin

Năm 1933, khi sự nghiệp chính trị chấm dứt, Petiot chuyển đến Paris sinh sống. Tại đây, Petiot làm giả các văn bằng y khoa để tự giới thiệu mình như một bác sĩ tài giỏi. Danh tiếng giúp Petiot thu hút nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, có tin đồn rằng Petiot kê đơn cho người nghiện và cũng thực hiện phá thai bất hợp pháp. 

Thêm vào đó, Petiot cũng không thể kiểm soát được chứng kleptomania của mình. Kleptomania là một niềm đam mê, một hưng cảm để đánh cắp những thứ mà một người không thực sự cần. Kleptomania là một chứng nghiện, bởi vì liên tục bị thu hút bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại để thực hiện hành vi trộm cắp. Petiot lại bị bắt vì tội trộm cắp và hành hung một sĩ quan cảnh sát, và một lần nữa được tha bổng vì chứng bệnh tâm thần.

Trong những năm sau đó, Petiot liên tục phạm tội gian lận thuế và tiếp tục bị buộc tội và bị phạt. Petiot thu hút bệnh nhân với những bằng cấp tưởng tượng của mình, và xây dựng danh tiếng tại phòng mạch số 66 phố Caumartin. 

Năm 1936, Petiot được trao thẩm quyền cấp giấy chứng tử. Chiến tranh Thế giới lần 2 bùng nổ, phát xít Đức xâm lược Pháp, Petiot bắt đầu cung cấp các hồ sơ y tế giả cho những công dân Pháp bị buộc đi lao động cưỡng bức tại Đức, và điều trị cho các công nhân trở về nước.

Vào thời điểm Đức xâm chiếm Pháp vào năm 1939, Petiot đã có một hồ sơ tội phạm khá nặng và một danh sách các chẩn đoán tâm thần. Sau đó Petiot bị buộc tội sử dụng ma túy quá mức vào năm 1942. Sau khi nộp khoản tiền phạt, Petiot tự xưng là “Tiến sĩ Eugène” và thiết lập một mạng lưới giúp cho những người kháng chiến, người Do Thái và tội phạm tìm cách thoát khỏi Mật vụ Đức quốc xã (Gestapo). Với danh hiệu tự phong “Tiến sĩ Eugène”, Petiot hứa hẹn sẵn sàng bao bọc những người Do Thái, các binh sĩ, hoặc tội phạm muốn chạy trốn khỏi trại tập trung của Đức Quốc xã bằng cách trả cho ông 25.000 Franc.

Các phụ tá của Petiot như Raoul Fourrier, Edmond Pintard, và René-Gustave Nézondet môi giới cho các nạn nhân đến gặp ông. Petiot tuyên bố có thể sắp xếp một chuyến đi an toàn cho họ đến Argentine hoặc những nơi khác ở Nam Mỹ thông qua ngõ Bồ Đào Nha. 

Sau khi nhận tiền, Petiot yêu cầu các nạn nhân tiêm chủng “vaccine phòng bệnh” theo như yêu cầu từ các quan chức Argentine. Petiot tuyên bố rằng mạng lưới của ông – gọi là “Fly-Tox” - đã làm việc cùng với chính quyền Argentina để vận chuyển người dân đến Nam Mỹ một cách an toàn mà quân xâm lược Đức không hề hay biết.

Thế nhưng, điều thực sự đã xảy ra thật kinh khủng - dưới vỏ bọc tiêm chủng chống lại các bệnh khác nhau theo yêu cầu của Chính phủ Argentina, Petiot đã tiêm cho họ chất độc xyanua, lấy trộm tất cả tiền bạc và tài sản của họ, và vứt bỏ xác của họ trong thời gian nhanh chóng, chôn cất hoặc xử lý ở sông Seine. 

Tháng 4-1943, Gestapo phát hiện ra đường dây môi giới này. Những nguồn tin sau đó đã giúp thâm nhập thành công vào hoạt động của mạng lưới này và Gestapo sau đó đã bắt giữ Fourrier, Pintard, và Nézondet. Bị tra tấn, họ thú nhận kẻ đứng sau mạng lưới này là Marcel Petiot. Và, 3 người này sau đó được thả.

Đám đông người trong sân của ngôi nhà kinh dị trong quá trình điều tra.

Ngày 6-3-1944, những người hàng xóm nhận thấy khói thoát ra từ ống khói căn nhà của Petiot ở trên đường Le Sueur thành phố Paris có mùi rất khó chịu. Khi cảnh sát gọi điện, Petiot nói với họ là hãy chờ ông trở về. Tuy nhiên, 30 phút sau đó, cảnh sát đã buộc phải gọi cho sở cứu hỏa để ngăn chặn một đám cháy đang lây lan. Khi lính cứu hỏa vào nhà thông qua một cửa sổ tầng hai, họ tìm thấy hài cốt nhiều nạn nhân, bao gồm cả những phần thi thể người đen như than đang cháy âm ỉ trong lò sưởi.

Khi trở về nhà, Petiot nói với cảnh sát rằng ông là thành viên của quân kháng chiến Pháp và cho biết những thi thể này là của bọn Đức Quốc xã, những kẻ phản bội, và những kẻ làm việc cho kẻ thù. Vì hoạt động kháng chiến là hợp pháp nên cảnh sát không thể bắt giữ Petiot. Khi cảnh sát lục soát nhà để xe, họ tìm thấy một hố chứa đầy vôi với những thi thể người trong đó. 

Trên cầu thang, họ đã tìm thấy một bao vải có chứa ít nhất xác của 10 người. Thám tử Georges-Victor Massu thuộc Sở Cảnh sát Paris đã phụ trách điều tra vụ việc. Vấn đề đầu tiên của ông là xác định liệu Petiot có giết những người này cho quân kháng chiến hay cho Gestapo. 

Khả năng thứ hai đã bị loại bỏ khi ông nhận được một bức điện tín trong đó Gestapo ra lệnh bắt giữ Petiot như là một “người mất trí nguy hiểm”. Cảnh sát đã tìm thấy tại căn hộ của Petiot ở phố Caumartin một lượng lớn chất chloroform, digitalis, và các chất độc khác nhau với số lượng lớn.

Phiên tòa xét xử

Cuộc đổ bộ của lực lượng Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandie ngày 6-6-1944 - còn gọi là Trận chiến vì nước Pháp, được coi là một trong những cột mốc lịch sử quan trọng trong Chiến tranh Thế giới lần 2 - khiến cuộc tìm kiếm Petiot bị đình trệ. 

Sử dụng chiến tranh để tạo lợi thế cho mình một lần nữa, Petiot trốn cùng bạn bè, giải thích rằng Gestapo đã theo đuổi vì ông đã giết một số người cung cấp thông tin. Trong suốt thời gian này, Petiot mang một số tên giả khác nhau, để tóc và râu.

Marcel Petiot (đứng) trong phiên tòa ở Paris, tháng 3-1946.

Ngày 31-10-1944, Petiot bị nhận ra và bị bắt trong tàu điện ngầm Paris. Cảnh sát cũng đã thu giữ một khẩu súng lục, 31.700 Franc, và 50 bộ tài liệu nhận dạng. 

Từ đầu đến cuối, Petiot vẫn nhất quyết khẳng định mình vô tội và chỉ giết hại “những kẻ thù của nước Pháp”, lính Đức và một số điệp viên hai mang. Tuy nhiên, thẩm phán và bồi thẩm đoàn không tìm thấy bất kỳ lý do nào để tin vào câu chuyện của Petiot. 

Nhà chức trách cũng không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa Petiot và phong trào kháng chiến Pháp. Nhiều nhóm hoạt động của phong trào kháng chiến Pháp mà Petiot nêu ra và các kỳ tích mà ông tự nhận khi làm việc cho phong trào này chưa bao giờ tồn tại.

Cuối cùng, các công tố viên buộc tội Petiot đã thực hiện ít nhất 27 vụ giết người vì lợi nhuận. Ước tính số tiền mà y thu được lên đến 200 triệu Franc. 

Phiên tòa xét xử Petiot diễn ra vào tháng 3-1946 và tin tức về vụ xét xử đã trở thành tâm điểm của báo chí thời đó. Cuối cùng Petiot bị buộc 26 tội danh giết người và bị kết án tử hình bằng máy chém vào ngày 25-5-1946.

Bộ phim “Docteur Petiot” (Bác sĩ Petiot) của đạo diễn Christian de Chalonge.

Với tội trạng giết hơn 60 người, Marcel Petiot đã biến mình thành “bác sĩ Satan” (bác sĩ quỷ dữ) khét tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp và thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp k inh tởm của Petiot được đạo diễn Christian de Chalonge dựng thành phim “Docteur Petiot” (Bác sĩ Petiot) vào năm 1990.

Trang Thuần (tổng hợp)

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文