Nhiều kẽ hở khiến tội phạm mua bán hóa đơn lộng hành

17:05 19/12/2016
Những đường dây thành lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn với số lượng lớn trong thời gian qua đã được Công an Hà Nội triệt phá cho thấy nhiều kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước đang bị loại tội phạm này triệt để lợi dụng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước ngày càng nghiêm trọng...

Ngày 16-12, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội cho biết đang hoàn tất các thủ tục để khởi tố bị can 3 đối tượng trong đường dây thành lập 11 công ty "ma" để buôn bán hóa đơn GTGT vừa bị triệt phá. Trước đó, ngày 14-12, Cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp về hành vi mua bán hóa đơn trái phép đối với Phạm Hồng Sơn (53 tuổi, ở phòng 1001 CT8D khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội); Tạ Duy Hiển (36 tuổi, ở Phương Mai, Đống Đa) và Phạm Đình Đôn (23 tuổi, ở phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội).

Phạm Hồng Sơn (ảnh nhỏ). Cơ quan Công an thu giữ 18 thùng hóa đơn đã được Sơn ghi nội dung để bán.

Phạm Hồng Sơn - người chủ mưu thành lập doanh nghiệp "ma" với mục đích mua bán hóa đơn khiến các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm cũng phải ngạc nhiên bởi mặc dù không hề được học tập, đào tạo về tài chính - kế toán, song anh ta lại tỏ ra hết sức nhanh nhạy, hiểu biết về các kẽ hở trong quy định của cơ quan chức năng để triệt để lợi dụng, biến đó thành cơ hội làm giàu bất chính.

Theo cán bộ Đội Công nghiệp - Xây dựng, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội), trước đây, Sơn từng có thời gian làm phiên dịch và buôn bán tại Nga, đến 2005 thì về Việt Nam.  Sau một thời gian nghiên cứu kỹ các thủ đoạn mua bán hóa đơn GTGT trên Google, từ năm 2011, Sơn quyết định kiếm tiền bằng việc thành lập doanh nghiệp "ma" để bán hóa đơn.

Sơn thu gom CMND của những người bị mất trộm hoặc CMND đặt tại các hiệu cầm đồ, sau đó thuê các công ty luật làm dịch vụ thành lập doanh nghiệp, dùng các CMND này để đăng ký là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty nhằm che giấu tung tích.

Thực tế, các công ty này không hoạt động kinh doanh gì nhưng vẫn được  Sơn kê khai, báo cáo thuế trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm và tranh thủ bán hóa đơn của các công ty "ma" trong thời gian này. Sau đó, Sơn xóa sổ công ty bằng cách không kê khai, báo cáo thuế nữa, để cho công ty trong tình trạng bỏ địa điểm kinh doanh, gây khó khăn cho công tác điều tra. Còn bản thân Sơn lại làm thủ tục thành lập những doanh nghiệp "ma" mới kế tiếp phục vụ việc mua bán hóa đơn.

Mặc dù có nhà tại phố Khương Hạ, Thanh Xuân nhưng Sơn thuê một căn hộ chung  cư tại CT8D khu đô thị Dương Nội - Hà Đông làm trụ sở hoạt động, điều hành các công ty "ma" này nhằm che giấu tung tích. Tại căn hộ này, khi tiến hành khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ 11 chiếc biển tên công ty do Sơn thành lập, được anh ta đóng đinh treo trên tường... bên trong nhà. Sơn cho biết vì thành lập quá nhiều công ty "ma" nên anh ta không thể nhớ hết. Chỉ những công ty nào còn đang bán hóa đơn thì anh ta treo biển lên tường cho dễ nhớ.

Do không có nghiệp vụ kế toán trong khi điều hành cùng lúc quá nhiều công ty "ma" nên Phạm Hồng Sơn phải đăng báo tuyển nhân viên để làm công việc tổng hợp hóa đơn, chứng từ sổ sách, kê khai thuế... và nhân viên "marketing" khai thác khách hàng mua hóa đơn để bán. Đầu tiên Sơn lôi kéo Tạ Duy Hiển, người có thời gian làm cùng Sơn. Hiển có nhiệm vụ giao dịch, chuyển hóa đơn cho khách, thu tiền về cho Sơn. Trung bình giá mỗi tờ hóa đơn được Sơn bán với giá khoảng 5% trị giá tiền ghi trên hóa đơn. Nếu Hiển khai thác được khách thì  được hưởng 2% trong đó, còn lại nộp cho Sơn.

Còn Phạm Đình Đôn, là cử nhân Học viện Tài chính. Đầu năm 2016, từ thông tin tuyển nhân viên của Sơn đăng trên mạng, Đôn tìm đến chung cư - đại bản doanh buôn bán hóa đơn của Sơn để xin việc. Mặc dù biết Sơn mua bán hóa đơn GTGT là vi phạm pháp luật, song mới ra trường chưa xin được việc làm nên Đôn vẫn chấp nhận, làm thuê cho Sơn với công việc tổng hợp, kê khai nộp thuế cho các công ty "ma" và in nội dung trong hóa đơn GTGT theo yêu cầu của Sơn.

Làm đến tháng 9-2016, lo sợ việc bán hóa đơn của Phạm Hồng Sơn bị phát hiện sẽ liên lụy nên Đôn xin nghỉ làm. Tuy nhiên không có tiền, Đôn lại móc nối làm ăn với Sơn bằng cách mua  hóa đơn của Sơn rồi bán lại cho khách có nhu cầu, Đôn làm trung gian ăn chênh lệch giữa người mua và người bán.

8 giờ ngày 13-12, khi Phạm Đình Đôn đang mang 10 tờ hóa đơn GTGT khống mua của Sơn đã được ghi nội dung mà khách hàng yêu cầu để đi giao thì bị cơ quan công an kiểm tra, bắt giữ.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi Sơn ở tại khu đô thị Dương Nội, thu giữ 13 con dấu pháp nhân của 11 công ty do Sơn thành lập, 105 quyển hóa đơn GTGT chưa ghi nội dung được các đối tượng tự nhận từ cơ sở in hóa đơn để chuẩn bị xuất bán cho khách hàng; 18 thùng đựng khoảng 200 quyển hóa đơn GTGT liên 1, liên 3 đã ghi nội dung và bán liên 2 cho khách hàng; 18 ĐTDĐ có nội dung giao dịch mua bán hóa đơn với khách hàng, 5 laptop, 2 CPU máy tính, 30 USB ghi nội dung, dữ liệu về mua bán hóa đơn, 2 ôtô và nhiều tài liệu liên quan...

Theo cơ quan điều tra, với  hoạt động mua bán hóa đơn kéo dài từ năm 2011 đến nay, số tiền mà Sơn và đồng bọn hưởng lợi từ mua bán hóa đơn trái phép và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tại thời điểm khám xét, Sơn khai chỉ riêng công ty "3 men 36" - một trong 11 công ty "ma" do Sơn thành lập trong thời gian hoạt động đã bán trên 50 quyển hóa đơn, giá trị hàng hóa, dịch vụ khống ghi trên hóa đơn trong khoảng thời gian cuối năm 2016 là trên 30 tỷ đồng, Sơn thu lợi bất chính khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ số hóa đơn mà Sơn đã bán cho các cơ quan,  đơn vị mua  sử dụng vào mục đích hợp pháp hóa các khoản chi để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc cơ quan công an liên tiếp triệt phá những đường dây tội phạm mua bán hóa đơn GTGT trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cho thấy có nhiều kẽ hở trong công tác quản lý của cơ quan chức năng đã bị loại tội phạm này lợi dụng để thực hiện hoạt động tội phạm trong một thời gian dài.

Ngay bản thân đối tượng Phạm Hồng Sơn đã "chỉ ra" một số kẽ hở này mà Sơn cho rằng đã tìm hiểu kỹ trên Google trước khi phạm tội. Như quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp ngày càng mở, rút ngắn về thời gian thủ tục dẫn đến việc Sở KH-ĐT chưa kiểm tra chặt chẽ về chủ doanh nghiệp; đối với cơ quan thuế, ngay từ giai đoạn cấp đăng ký thuế cho doanh nghiệp cũng chưa kiểm tra, xác minh trụ sở, nhân thân chủ doanh nghiệp. Do đó,  Sơn đã thuê công ty luật làm toàn bộ thủ tục này, sử dụng CMND của người khác đăng ký giám đốc, chỉ đăng ký phát hành hóa đơn sau khi đã làm thủ tục chuyển tên giám đốc cho người khác trong khi người này không hề biết mình được làm giám đốc công ty.

Công tác hậu kiểm cũng chưa chặt chẽ nên trong vòng 6 tháng đến 1 năm sau khi thành lập, Sơn vẫn thực hiện kê khai thuế qua mạng nhưng thực tế công ty không hoạt động gì ngoài việc bán hóa đơn... Những kẽ hở này là nguyên nhân khiến tội phạm mua bán hóa đơn vẫn lộng hành và làm giàu bất chính, gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách Nhà nước.

Hương Vũ

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文