Nhiều vụ giả danh cảnh sát hình sự để lừa đảo

11:30 03/09/2015
Chỉ cần một chiếc còng số 8 mua ngoài chợ với giá vài trăm ngàn, một chiếc thẻ màu đỏ (đôi khi chỉ là tấm thẻ hiến máu), một sợi dây nịt chuyên dụng hay chiếc mũ bảo hiểm dành riêng cho ngành công an, các đối tượng dễ dàng biến mình vào vai cảnh sát hình sự (CSHS) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay cưỡng dâm nạn nhân?

Đa phần nạn nhân của chúng là những phụ nữ nhẹ dạ, không hiểu biết pháp luật hoặc chính là những đối tượng có tật giật mình nên khi bị khống chế, bị cưỡng đoạt tài sản lại không dám tố cáo… Vì vậy các đối tượng giả danh công an, giả danh CSHS vẫn có đất sống…

Ổ bánh mì và chiếc còng số 8

Dương Ngọc Hiệp SN 1990, quê quán Lâm Đồng, tạm trú Nhà Bè được cái mã cao ráo, khuôn mặt có chất giang hồ nhưng không có nghề ngỗng gì đàng hoàng để kiếm sống, sống bám vào bạn bè trong phòng trọ. Với cái mã trời phú, Hiệp thường ăn mặc như dân chơi, mượn xe tay ga xịn của bạn bè, gạ gẫm những cô gái trẻ cung phụng hắn. Sau nhiều lần lang thang trên các trang mạng xã hội, Hiệp phát hiện những cô gái hành nghề bất chính thường hay sợ "đụng" công an nên mới nghĩ đến chuyện kiếm tiền và tình từ các cô gái này. Hiệp ra chợ Dân Sinh mua một chiếc còng số 8 với giá 400 ngàn và mượn xe gắn máy của bạn để hành nghề.

Dương Ngọc Hiệp, Nguyễn Ngọc Hiếu (hàng trên) và một số đối tượng giả danh cảnh sát hình sự.

Rạng sáng 24/5, phát hiện chị T. đang đứng đón khách trên đường Đào Duy Từ, quận 5, Hiệp tiếp cận và ngã giá "qua đêm" với chị T. Ngồi trên xe của Hiệp, chị T. phát hiện bên hông của Hiệp là chiếc còng số 8, nghĩ gặp Công an nên khi vừa đến cửa khách sạn, chị T. nhảy xuống xe bỏ chạy. Hiệp đuổi theo và xưng là CSHS buộc chị T. phải lên xe để chở về "trụ sở"(!). Hiệp chở chị T. đến khu vực quận 7, bắt chị T. đưa giấy tờ tùy thân và chiếc Iphone 5 rồi bảo chị T. gọi điện cho người nhà mang 20 triệu đồng đến chuộc mới cho về?

Cũng bằng thủ đoạn trên, Hiệp buộc một cô gái "bán hoa" khác tên B. nộp cho hắn chiếc điện thoại Iphone 6 rồi chở qua nhà trọ ở Nhà Bè quan hệ tình dục suốt đêm. Sáng hôm sau Hiệp chở chị B. trả lại chỗ cũ và đem chiếc điện thoại của chị B. đi cầm lấy 5 triệu đồng tiêu xài. Không dừng lại, Hiệp còn táo tợn theo dõi những người đi mua dâm đến tận khách sạn, gõ cửa phòng xưng CSHS kiểm tra. Vì làm chuyện bất chính nên các nạn nhân này đều phải đưa tiền cho Hiệp cho qua chuyện…

Trung tá Nguyễn Văn Phước - Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết, Công an phường đã nhiều lần bắt các đối tượng giả danh CSHS hoạt động trên địa bàn của phường. Một số đối tượng giả danh một cách ngây ngô nhưng nhiều người tâm lý yếu lại có sẵn hành vi xấu nên khi bị các đối tượng xưng là CSHS thì răm rắp nghe theo. Như vụ Nguyễn Ngọc Hiếu chẳng hạn. Hiếu 18 tuổi, quê Bình Phước, cái tuổi này nếu cho ăn học đàng hoàng thì cũng mới ngấp nghé bước vào trường đại học chứ đừng nói chi ra trường và làm công tác tại một cơ quan công an nào? Tuy vậy, Hiếu vẫn có thể xưng là CSHS hù dọa và cưỡng đoạt tài sản hàng chục nạn nhân từ Bình Phước đến TP HCM.

Năm 16 tuổi, Hiếu làm giả CMND công an để hù dọa và bắt giữ người trái pháp luật ở Bình Phước, bị Công an thị xã Phước Long bắt giáo dưỡng rồi cho về. Cách đây vài tháng, Hiếu lượm được một chiếc còng số 8 và mua một CMND công an với giá 50.000 đồng của một người dân và lận trong người.

Máu "hình sự" lại nổi lên, Hiếu bắt xe từ Bình Phước lên TP HCM và đi dọc Công viên 23-9 dùng giấy CMND công an, còng số 8 kiểm tra gần 30 người. Những người này chủ yếu là dân lang thang, con nghiện và gái bán dâm. Khi thấy Hiếu, những nạn nhân này đều "lo lót" cho Hiếu để được tha (!). Thấy ngon ăn, Hiếu vào nhà anh T.M.T. xưng là CSHS để tiếp tục vòi tiền. Chỉ có điều, "không may" cho Hiếu rằng anh T. lại nguyên là cảnh sát khu vực, nên đã bị anh T. phát hiện bắt giao cho công an phường!

Cũng tại phường Phạm Ngũ Lão, đối tượng Nguyễn Văn Sơn, SN 1993, quê Thái Nguyên cũng xưng là CSHS khi bắt chuyện với vợ chồng ông C.S.T., quê Bắc Ninh tại Công viên 23-9. Bằng miệng lưỡi của một kẻ lừa đảo, Sơn đã làm cho hai vợ chồng ông T. tin Sơn là CSHS thật nên ngồi tâm sự nhiều giờ đồng hồ. Sau đó Sơn có ý đi mua bánh mì và nước suối cho hai vợ chồng ông T.. Thấy anh CSHS nhiệt tình, nói năng lễ độ, vợ chồng ông T. cũng vui vẻ nhận món ăn đêm của Sơn.

Tuy nhiên sau khi ăn xong ổ bánh mì, hai vợ chồng ông T. ngủ mê mệt, sáng ra tỉnh dậy thì chiếc xe gắn máy của hai ông bà và anh CSHS nói chuyện có duyên đã mất tích? Mất tài sản nhưng vợ chồng ông T. không ra công an trình báo mà âm thầm theo dõi. Khoảng một tháng sau ông T. phát hiện Sơn lân la ở Công viên 23-9 và tiếp cận một nạn nhân khác, ông T. đã báo với công an phường bắt giữ Sơn.

Dây cà ra dây muống?

Ngoài việc giả danh CSHS để hù dọa những phận người long đong, cơ nhỡ, cũng đã có trường hợp lừa đảo cao cấp hơn, giả danh CSHS qua mặt được rất nhiều người, thậm chí là cả cơ quan chức năng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Một trong những số đối tượng đó phải kể đến Trần Kim Hùng. Hùng SN 1983, quê Nam Định. Không chỉ các cơ quan chức năng mà ngay người thân của Hùng cũng bị Hùng "xỏ mũi" mà không ai biết, cứ đinh ninh con mình là CSHS thật?

Tang vật của một số vụ giả danh cảnh sát hình sự.

Năm 1998, Hùng vào TP HCM học và thường hay đến đá bóng tại trung tâm thể thao Công an TP nên quen biết nhiều cán bộ chiến sĩ công an. Cho nên khi đi ra ngoài Hùng luôn xưng mình là "CSHS thuộc đội 9 - PC45 - CATP". Trong thời gian này ngoài làm quen, xin số liên lạc một vài cán bộ chiến sĩ, Hùng còn lân la làm quen với nhiều phóng viên làm trong mảng an ninh trật tự. Để giả định thân thế như là một CSHS thật sự, Hùng thường xuyên có mặt tại các vụ án nóng trên địa bàn thành phố rồi trao đổi thông tin với các phóng viên.

Thực chất để có những nguồn thông tin này, Hùng sử dụng chiêu hỏi phóng viên báo này và cung cấp cho các báo khác nên nguồn thông tin của Hùng "trao đổi" với các phóng viên tương đối chính xác, các phóng viên tin tưởng và thường trao đổi với Hùng. Sau khi thiết lập được một số mối quan hệ kiểu đó, Hùng lại thường xuyên gọi điện hỏi thăm và mời các phóng viên đi dự các buổi tiệc khai trương. Mục đích của Hùng là tạo danh thế cho mình khi quen biết nhiều người và củng cố được cái "mác" CSHS dỏm để dễ bề trong công việc làm ăn. Ngay cả khi xác minh Hùng có phải là CSHS thật hay không tại PC45, Hùng vẫn tự tin xưng với lãnh đạo phòng mình là CSHS. Bởi vì thế, Hùng được đưa vào tầm ngắm.

Dưới cái mác đó, Hùng quen Nguyễn Quang Thịnh, SN 1973, ngụ quận 12, là bạn của Lâm Văn Dương. Dương SN 1976, quê quán Nam Định là chủ một cửa hàng rượu ngoại  ở quận 12. Trong một lần đem rượu ngoại giả đi tiêu thụ người làm của Dương bị lực lượng Cảnh sát kinh tế quận Tân Phú bắt giữ. Khám xét cửa hàng của Dương, Công an Tân phú phát hiện thêm 114 chai rượu ngoại giả. Dương cầu cứu Thịnh và Thịnh giới thiệu Hùng cho Dương. Hùng "nổ" quen nhiều sếp lớn nên sẽ gỡ cho Dương và sẽ “chạy” cho Dương không bị xử lý hình sự với giá 40 triệu đồng. Sự việc chẳng may bại lộ, Hùng đã bị Công an quận Tân Phú vạch mặt là CSHS giả, và Hùng bị đưa ra tòa và bị kết án 1 năm 6 tháng tù về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Không có Cảnh sát hình sự nào như thế

Để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân ngoài việc trang bị những công cụ hỗ trợ như thẻ ngành giả, còng số 8 hay roi điện, các đối tượng còn sử dụng nhiều chiêu thức đánh vào tâm lý của các nạn nhân, trong đó đòn "gió" dễ để nạn nhân tin tưởng là đưa nạn nhân đến đúng trụ sở công an làm việc để nạn nhân tin.

Những nạn nhân, đa phần vì làm những nghề nhạy cảm nên khi bị sờ gáy thường có tâm lý sợ hãi và răm rắp theo lời hù dọa. Không chỉ lừa đảo ngoài xã hội, các đối tượng giả danh CSHS còn lợi dụng mạng xã hội để xưng danh là công an, cảnh sát, dò hỏi thông tin nạn nhân và thực hiện hành vi của mình. Đã có trường hợp sau khi cướp tài sản của nạn nhân, lên mạng tìm thông tin nạn nhân rồi xưng là công an đang điều tra vụ án để lấy mật khẩu, bẻ khóa tài sản mà chúng cướp được.

Anh Hà Đăng Quân, nạn nhân của một vụ cướp tại quận 4 kể lại: Anh Quân  chở chị Lê Lam Giang, SN 1995, ngụ tại Bình Chánh bằng xe gắn máy lưu thông  từ quận 1 sang quận 4, khi rẽ vào đường Bến Vân Đồn thì bị 2 đối tượng áp sát giật giỏ xách. Bên trong có tiền mặt và điện thoại Iphone 6. Anh Quân đến Công an quận 4 trình báo và được cán bộ công an lập biên bản xác minh truy xét. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi, chị Giang phát hiện trên trang cá nhân của mình xuất hiện dòng tin nhắn của một người chưa rõ lai lịch. Người thanh niên này xưng là công an yêu cầu chị Giang cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, tài khoản Icloud của chiếc điện thoại chị Giang bị cướp giật để điều tra. Tuy nhiên khi xác minh lại từ Công an quận 4 thì ở đây cho biết, không yêu cầu chị Giang cung cấp thông tin trên và nếu muốn lấy thông tin sẽ làm việc trực tiếp với chị…

Có thể thấy những đối tượng giả danh CSHS đa phần là các đối tượng tuổi đời còn rất trẻ, nghiện ngập, không có việc làm ổn định nên thích sử dụng cái mác CSHS để dễ bề hoạt động. Để tạo vỏ bọc hoàn hảo, các đối tượng thường xem phim ảnh, lối diễn suất của diễn viên trong vai CSHS, cách tiếp cận nạn nhân, cách ăn mặc… Ngoài ra, các đối tượng này cũng tìm hiểu một số thông tin của các  cơ quan chức năng trong lực lượng công an, tìm hiểu thông tin cá nhân của một số cán bộ, ban bệ để xưng hô một cách lưu loát với những nạn nhân… Tuy nhiên nạn nhân của chúng đa phần là làm trong lĩnh vực nhạy cảm nên "ngại" khi tiếp xúc với lực lượng chức năng và ít khi đến công an trình báo, tố giác nên các đối tượng giả danh này vẫn có đất hoạt động. Với những kỹ năng nói chuyện và trình bày bài bản, có những đối tượng đã qua mặt được những nhân vật sừng sỏ để nhận chạy án và chiếm đoạt tài sản.

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH-CATP cho hay, theo quy định của lực lượng công an, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ luôn tuân thủ các qui trình của lực lượng như xuất trình thẻ ngành, phát hiện người vi phạm thường đưa về trụ sở Công an phường gần nhất phối hợp với công an phường lập biên bản. Khi bị các đối tượng chống đối CSHS mới sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ để khống chế. Về các đối tượng giả danh CSHS thì tâm lý chung các đối tượng này thường khoe các công cụ hỗ trợ để nạn nhân sợ sệt và làm theo lời chúng. Vì vậy người dân cần hết sức tỉnh táo tránh bị các đối tượng giả danh CSHS để cướp tài sản, lừa đảo.

Mạnh Đức

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文