Nước mắt mẹ già ba lần "tiễn" con đi… tù

13:53 27/03/2021
Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn phải còm cõi chường mặt ra chốn công đường đến ba lần để chứng kiến thằng con trai cũng đã ở cái tuổi xế chiều bị đưa ra xét xử vì tội mua bán trái phép chất ma tuý. Nước mắt người mẹ đã cạn khô, con đường hoàn lương của thằng con quý tử đã không còn nữa và ngày về chắc gì bà đã còn có mặt trên cõi đời này.


Cạn nước mắt vì nghịch tử

Trong phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Cao Tiến Thuận (SN 1968, trú xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) và Trần Anh Lập (SN 1986, trú xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến hình ảnh người mẹ già của Thuận năm nay đã 80 tuổi gầy guộc, nhăn nheo, nhiều lần phải ôm mặt khóc nức nở vì thằng con quý tử. Có những lúc không kìm nén được, Thuận còn sửng cồ tại toà, quay ra quát nạt, đe nẹt cả mẹ già và bị cáo Trần Anh Lập. Lúc ấy, Hội đồng xét xử (HĐXX) lại phải đề nghị lực lượng chức năng đưa Thuận ra ngoài.

Bà Phượng khóc nức nở khi nghĩ rằng sau lần này mình không còn cơ hội gặp con.

Bà Võ Thị Phượng (mẹ Thuận) đã quá quen với việc phải ra chốn công đường chứng kiến thằng con "quý tử" bị toà xét xử về tội "Mua bán trái phép chất ma tuý". Bà không còn xấu hổ như lần đầu ra toà cùng con nhưng lần này bà Phượng thấy rất đau vì bà không biết liệu mình có còn cơ hội gặp con thêm lần nào nữa không?

80 tuổi, lẽ ra bà Phượng phải có cuộc sống an nhàn bên con cháu, nhưng thật không ngờ, đứa con trai duy nhất mà bà từng đặt bao nhiêu niềm tin yêu và hi vọng lại là nghịch tử. Bà không có con cháu bên cạnh để chăm lo lúc trái gió trở trời cho dù đứa con của bà đã trải qua 3 đời vợ.

Học hết lớp 12, Thuận không tu chí học hành mà bập vào yêu đương rồi đòi lấy vợ. Làm cha khi mới 19 tuổi, Thuận và vợ dần xảy ra nhiều xung đột vì chưa có kinh nghiệm sống. Người mẹ chồng dù lúc ấy tuổi còn trẻ nhưng luôn phải ở giữa để phân xử, bảo ban con dâu. Năm 1990, khi mới 22 tuổi, Cao Tiến Thuận dính vào vụ án "Phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" và bị Tòa án quân sự Quân khu 4 tuyên phạt 16 năm tù. Vốn nhiều bất đồng, khúc mắc trong lối sống, nay chồng vướng tù tội, một mình nuôi con nhỏ, cuối cùng, người con dâu của bà Phượng cũng chọn lựa ôm con ra đi. Năm 1997, vợ chồng Thuận ly hôn khi Thuận vẫn đang thụ án trong trại giam.

Năm 2000, sau khi ra tù, Thuận kết hôn với một người phụ nữ cùng tuổi khác. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng chẳng duy trì được lâu, năm 2002, vợ chồng Thuận lại đường ai nấy đi.

Trải qua hai cuộc hôn nhân thất bại, công việc, nghề nghiệp không có vì với người không bằng cấp như Thuận, xin đâu cũng không được việc. Chán chường, Thuận buông xuôi tất cả, rồi bập vào ma tuý. Chuyện gì đến cũng phải đến, năm 2003, Thuận bị bắt và kết án tổng cộng 15 năm tù cho 2 tội danh "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy".

Năm 2014, Thuận mãn hạn tù và nhanh chóng lấy một người vợ mới. Ngỡ rằng sau hai lần vướng vòng lao lý, Thuận sẽ tự nhận ra được sai lầm nhất là khi Thuận lập gia đình lần thứ ba và sinh được một bé trai.

Có vợ con đề huề, Thuận vẫn không từ bỏ được "cái chết trắng". Khi đứa cháu chưa đầy 5 tuổi thì con dâu bà đột ngột qua đời, còn Thuận thì lần thứ 3 vướng vòng lao lý.

Cao Tiến Thuận phản cung tại toà.

Phản cung ngay tại tòa

Theo cáo trạng, chiều 12-7-2020, sau khi nghe Trần Anh Lập thông báo có người đặt mua hồng phiến, Thuận thuê xe taxi chở lên xã Tri Lễ, huyện Quế Phong mua của người đàn ông dân tộc Mông 11 gói hồng phiến với giá 22 triệu đồng. Sau đó, Thuận đưa cho Lập 10 gói ma túy, nói bán 40 triệu đồng, hứa sẽ trả tiền công từ 5 đến 10 triệu đồng. Đến 16h ngày 13-7, Lập cầm 10 gói ma túy (tổng khối lượng 192,4 gam) đi giao cho khách thì bị Công an huyện Quỳ Hợp bắt giữ.

Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Cao Tiến Thuận. Trong quá trình điều tra, cả Thuận và Lập đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên trong quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, trong khi bị cáo Lập thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi buôn ma túy thì bị cáo Thuận không thừa nhận, liên tục phản cung. Thuận cho rằng trong quá trình điều tra đã bị đánh đập, dùng nhục hình bức cung.

Thuận khai mới quen biết Lập được chừng 1 tháng. Sẵn có gói ma túy (đã dùng một ít) nên mang đi tặng Lập "coi như làm quà", còn 9 gói ma túy kia không biết, không liên quan. Khi tặng cho Lập, Thuận còn nói "nếu công an có bắt thì cứ nói là của anh, có gì anh chịu cho". Lý giải về việc này, bị cáo Thuận cho biết bản thân đã từng đi tù về tội danh liên quan đến ma túy, quen biết một số người, nghĩ rằng có thể "giúp" được nếu bị bắt.

Trần Anh Lập thành khẩn khai báo.

Khi Trần Anh Lập thừa nhận hành vi phạm tội, khai số ma túy trên là do Thuận đưa để đi giao cho khách ngay tại phiên toà thì ngay lập tức Thuận sửng cồ lên. Thuận liên tục văng bậy và lớn tiếng đe dọa "Mày lấy ma túy của ai thì khai cho đúng, không là không xong với tao đâu".

Dù bị áp giải ra khỏi phòng xét xử, Thuận vẫn không ngừng buông lời đe dọa Trần Anh Lập. Khi được đưa trở lại phòng xét xử, Thuận cho biết do nóng giận, không kiềm chế được nên đã có lời nói thiếu chuẩn mực.

Trong 10 gói ma túy công an thu giữ khi bắt Lập, Thuận chỉ thừa nhận trách nhiệm đối với 1 gói ma túy mà theo bị cáo này là khoảng 140 viên ma túy tổng hợp. "Đây là số ma túy bị cáo được một người cho trước đó khoảng 10 ngày, bị cáo tặng cho Lập để làm quà", Thuận lý giải nguồn gốc số ma túy. Thuận mới quen Lập hơn 1 tháng, "thỉnh thoảng đánh bạc hết tiền bị cáo có vay của Lập nên tặng ma túy để cảm ơn". Tuy nhiên Thuận cũng không biết người đàn ông này có nghiện ma túy không.

Thuận lật ngược mọi lời khai trước đó tại cơ quan điều tra, cho rằng bị bức cung, nhục hình. Vì bị cáo Thuận "phản cung" nên HĐXX đã công bố đoạn video có âm thanh lấy lời khai bị can Thuận. Đoạn video thể hiện bị cáo đã khai nhận hành vi buôn ma túy. Điều tra viên lấy lời khai Cao Tiến Thuận tại giai đoạn điều tra ban đầu có mặt tại tòa cũng khẳng định không có việc ép cung, nhục hình bị cáo.

Dù thừa nhận người trong video là mình, tuy nhiên Thuận cho rằng nội dung lời khai là "do điều tra viên dàn dựng". Bản tự khai, biên bản ghi lời khai trong quá trình điều tra được công bố tại phiên tòa thể hiện việc bị cáo này thừa nhận hành vi mua bán 10 gói ma túy nhưng Thuận nói "do nhận thức hạn chế, ký mà không đọc nội dung".

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Lập tỏ ra ăn năn hối lỗi, xin được giảm nhẹ hình phạt thì Thuận vẫn một mực không nhận tội, đề nghị tòa xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Dù Thuận không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng quá trình điều tra, xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa cũng như những chứng cứ khác đã được chứng minh, HĐXX nhận định việc Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố Cao Tiến Thuận và Trần Anh Lập là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Xem xét vai trò, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt Cao Tiến Thuận 20 năm, Trần Anh Lập 19 năm tù.

Nỗi lo khi gần đất xa trời

Tại phiên tòa, ngồi cách Thuận hai hàng ghế, thi thoảng, người mẹ già lại khóc nấc lên, đưa đôi bàn tay gầy guộc, sù sì gạt nước mắt. Thấy mẹ khóc, Thuận quay lại quát to: "Mẹ có thôi đi không". Nghe tiếng con trai quát, bà Phượng càng khóc to hơn. Đứa con gái lớn của Thuận mới từ miền Nam ra vội chạy lên, ôm lấy bà nội động viên an ủi. Thế nhưng bà vẫn không thôi thổn thức: "Tôi hơn 80 tuổi rồi, cũng không phải là không hiểu pháp luật. Tôi hiểu hết, trời ơi…". Nghe tòa tuyên án, bà Phượng gần như gục ngã. Chứng kiến phiên toà xét xử Thuận và đồng bọn, nhiều người không khỏi xót xa khi thấy bà Phượng nhiều lần ôm mặt khóc rưng rức: "Con ơi, mẹ khổ lắm, đau lắm".

Khi Cao Tiến Thuận được áp giải ra xe về trại giam, bà Phượng lặng lẽ ngồi bất động nhìn con khuất sau cánh cửa. Dường như bà đã quá mệt mỏi, không còn nước mắt để khóc con nữa. Và chắc bà cũng hiểu, lần này đứa con duy nhất của bà sẽ chẳng còn đường về để hoàn lương, cũng chẳng biết rằng ngày nó về bà còn sống trên cõi đời này nữa không? Và lúc ấy ai sẽ là người chăm lo cho đứa con nhỏ của Thuận mới được 6 tuổi đầu?

Lam Anh

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文