Trẻ em phạm tội và nỗi niềm người trong cuộc

08:40 12/10/2011

Tội phạm vị thành niên đang gia tăng. Đó là một thực tế đau xót mấy năm trở lại đây và trở thành vấn đề nhức nhối với toàn xã hội. Hầu hết những đứa trẻ vị thành niên đều không thể hiểu những việc mình làm, đơn giản là sự bắt chước người lớn hoặc chứng tỏ mình là người lớn.

Song, khi nhìn những đứa trẻ với vẻ mặt ngơ ngác trước vành móng ngựa, những người làm cha, làm mẹ, những thẩm phán, luật sư không khỏi xót xa bởi họ biết, những trang giấy trắng bị vấy mực đen ấy sẽ cần phải qua một hành trình nhọc nhằn mới gột rửa được những vết mực đó.

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là chị Lê Thị Bích Lan, thẩm phán của TAND TP Hà Nội. Gần 20 năm trong nghề thẩm phán, chị đã từng ngồi ghế chủ tọa không biết bao nhiêu phiên tòa. Mấy năm gần đây, ngoài công việc xét xử, chị còn tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp. Những bài giảng của chị luôn được sinh viên đón nhận hào hứng bởi chị biết kết hợp hài hòa giữa lý luận với những bản án, những câu chuyện đời thường mà chị có dịp xét xử, nghiên cứu hồ sơ.

Có một mảng đề tài mà chị luôn trăn trở nhất, đó là những đứa trẻ vị thành niên phạm tội. Ngày trước, người ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bất hòa, kinh tế thiếu thốn… đã xô đẩy những đứa trẻ vào vòng lao lý. Nhưng giờ đây, những nguyên nhân đó như nới rộng ra, đó còn là sự ảnh hưởng của Internet, của lối sống hưởng thụ, thích thể hiện vai trò cá nhân với nhóm bạn… của những đứa trẻ con nhà giàu. Sự phát triển chưa hoàn thiện về nhân cách cũng như hạn chế năng lực hành vi đã khiến những đứa trẻ vị thành niên thực hiện những hành vi phạm tội rất manh động, không cần biết hậu quả xảy ra. Chỉ đến khi phải tra tay vào chiếc còng số tám, chúng mới bàng hoàng biết rằng mình đã phạm tội.

Vụ án gần đây nhất mà chị ngồi ghế chủ tọa phiên tòa là vụ 4 đối tượng Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Xuân Có và Nguyễn Văn Mạnh, nhà đều ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em. Điều đáng nói là 2 bị cáo Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Xuân Có khi phạm tội đều chưa đủ 18 tuổi nên tham gia tố tụng phải có người giám hộ.

Vụ án xảy ra từ tối 2/9/2010, cháu Nguyễn Thị C. (14 tuổi) đi chơi về muộn, sợ bố mẹ mắng nên nhờ bạn là Nguyễn Thị L. cho ngủ nhờ. L. cũng đi chơi chưa về nhà nên nhờ Nguyễn Văn Hòa đón C. tìm chỗ ngủ. Khoảng 23h30' cùng ngày, Hòa và Có đã đón cháu C. rồi rủ thêm Tân và Mạnh đến nhà nghỉ Khánh Linh ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Cả bọn 4 tên đưa cháu lên phòng nghỉ 402.

Vừa vào phòng, Hòa lấy điện thoại của C. rồi tắt máy để C. không liên lạc được với bên ngoài. Ngay sau đó, Hòa đã dùng vũ lực để buộc C. cho giao cấu trái ý muốn. Mặc dù C. vẫy vùng, kiên quyết chống đối nhưng với sức lực của một gã trai đang lớn, y vẫn thỏa mãn được dục vọng của mình. Tiếp đó, Hòa ra hiệu để Có, Tân, Mạnh lần lượt giao cấu với C. Lúc đầu C. chống cự bằng tất cả sức mình, nhưng vì quá mệt nên buộc phải để mặc cho bọn chúng quan hệ.

Xét xử 4 bị cáo trong vụ án hiếp dâm.

Thẩm phán Lan nhớ lại: Từ trên ghế chủ tọa, chị bỗng có cảm giác buồn vô hạn khi nhìn vào khuôn mặt của bị cáo Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Xuân Có. Hòa 17 tuổi và Có 18 tuổi. Tới dự phiên tòa có hai người mẹ của Hòa và Có với tư cách người giám hộ. Cả hai người đàn bà đó khuôn mặt đều héo úa, buồn rười rượi. Những lo toan cuộc sống, những bươn chải mưu sinh đã khiến họ không còn thời gian để mắt tới con cái, không còn kịp nhận ra những thay đổi bất thường theo chiều hướng xấu của những đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Sợi dây kết nối giữa cha mẹ với con cái cứ lỏng dần, những đứa trẻ bắt đầu học sút kém, rồi bỏ học, rồi tụ tập đi chơi qua đêm, hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục…

Sự mất kiểm soát của cha mẹ khiến chúng dễ dàng đánh mất mình và nhiễm những thói xấu, cho đến một ngày, chúng rơi xuống vực thẳm. Hầu hết họ đều choáng váng khi biết tin con mình bị bắt vì đã gây ra tội ác và họ chợt cay đắng hiểu rằng, phía sau sự sa ngã của các con có một phần lỗi của họ. Vào thời khắc đó, chị chỉ có một mong ước nhỏ bé, những người làm cha làm mẹ hãy yêu thương và quan tâm đến con mình hơn nữa để không bao giờ phải tận mắt nhìn thấy chúng bị sa ngã xuống vực thẳm của tội ác.

Ở Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhắc tới Luật sư Lê Thị Tuyết Mai là người ta nhớ đến một người mảnh khảnh nhưng rất nhanh nhẹn, vui tính và được gọi với cái tên trìu mến là "luật sư của người nghèo". Đơn giản vì chị đã tham gia rất nhiều phiên tòa chỉ định do đương sự khó khăn không thể mời được luật sư. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các chương trình tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở các vùng ngoại thành Hà Nội.

Cách đây không lâu, chị tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Viết Giang Phong (18 tuổi, nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội) cùng đồng phạm bị truy tố về tội giết người. Khi phạm tội, Phong mới 16 tuổi 4 tháng 19 ngày và đang là học sinh lớp 11. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, Giang cùng nhóm bạn đã mang theo dao chọc tiết lợn giết anh Trần Công Duy nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội. Khi vụ án xảy ra, 7/9 bị cáo đang trong độ tuổi vị thành niên và học THPT.

Nghiên cứu hồ sơ cũng như một số lần gặp Phong, chị hiểu thêm về những vết trượt đầu đời của Phong. Không may mắn như những đứa bạn cùng lứa. Bố và mẹ Phong chia tay nhau khi Phong còn nhỏ, Phong ở với mẹ. Một thời gian sau, người mẹ đi bước nữa. Quan hệ giữa cha dượng và con riêng của vợ khá tốt đẹp. Song, những vướng bận của cuộc sống thường ngày khiến họ không còn thời gian để mắt tới cậu con trai đang tuổi lớn và có những dấu hiệu không lành mạnh. Những cuộc tụ tập chơi bời cùng bạn bè đã khiến Phong học hành sa sút rõ rệt. "Vào thời điểm đó, nếu có một người thật sự hiểu, quan tâm và chỉ bảo, chắc cháu đã không lơ là học tập và cố gắng để bằng bạn bè trong lớp" - Phong đã tâm sự rất thật với Luật sư Mai trong lần đầu chị gặp.

Nhìn bị cáo còn quá trẻ mà chị thấy xót xa. Phong chỉ nhỏ hơn đứa con chị một chút mà đã gây ra tội ác quá lớn. Những lần gặp sau, chị động viên, thuyết phục để Phong khai nhận hết hành vi phạm tội. Mất hai đêm liền, chị thức để viết bản luận cứ bào chữa cho bị cáo Phong một cách có lý, có tình. Phạm tội trong độ tuổi vị thành niên, khai báo thành khẩn, giữ vai trò thấp nhất trong vụ án, hoàn cảnh gia đình có những khó khăn nhất định... đó là những tình tiết giảm nhẹ được chị mổ xẻ kỹ lưỡng khi đưa vào bản luận cứ với hy vọng, Hội đồng xét xử chấp nhận và cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất. Bởi chị muốn Phong được tiếp tục đến trường cùng bạn bè. Dẫu sao đó cũng là môi trường tốt nhất để Phong nhìn lại mọi lỗi lầm và sống có trách nhiệm hơn với bản thân. Điều mong muốn đó của chị đã được tòa án chấp nhận. Những niềm vui nho nhỏ đó đã đồng hành với chị sau nhiều năm gắn bó với nghề luật sư, giúp chị thêm vững tin trên con đường mình đã chọn.

Khảo sát mới đây của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người vị thành niên thực hiện. Những hành vi mà các em dễ dàng gây án là trộm cắp, cướp, cướp giật, tàng trữ ma túy, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, đua xe trái phép. Cá biệt có những vụ giết người, hiếp dâm… 20% số vụ được xử lý bằng hình sự, số vụ còn lại xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều đáng buồn là những con số trên có chiều hướng gia tăng và một số vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng đã gây bàng hoàng dư luận. Các phạm nhân còn quá trẻ, còn nhiều cơ hội gột rửa lỗi lầm một khi chúng ta dành cho các em sự quan tâm và tình yêu thương trọn vẹn. Mà điều này thì chẳng bao giờ là muộn

Nguyễn Tuấn

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文