Xét xử ba cựu tướng lĩnh Croatia

08:30 26/03/2008
Tòa án quốc tế La Haye vừa bắt đầu phiên tòa xét xử 3 cựu tướng lĩnh Croatia với những lời cáo buộc về tội phạm chiến tranh. Trên ghế bị cáo của phiên tòa đáng chú ý này sẽ là Ante Gotovina, Ivan Cermac và Mladen Markac - những tướng lĩnh vào năm 1995 đã chỉ huy chiến dịch quân sự mang tên "Bão táp" nhằm xóa bỏ Nhà nước Krajina của người Serbia tự tuyên bố độc lập trên lãnh thổ Croatia...

Tất cả 3 bị cáo trên đều bị buộc tội đã bật đèn xanh cho những hành vi tàn sát vô nhân đạo trong và sau chiến dịch “Bão táp” được quân đội Croatia triển khai vào tháng 8/1995 chống lại nước cộng hòa tự tuyên bố độc lập Krajina của người gốc Serbia. Theo bên công tố, hậu quả của chiến dịch “Bão táp” (diễn ra từ ngày 4 đến 8/8/1995) đã khiến gần 150 dân thường bị thiệt mạng, hơn 200 ngàn người gốc Serbia đã bị cưỡng bức phải rời bỏ nhà cửa của mình.

Chiến dịch này diễn ra vào giai đoạn hỗn loạn nhất của khu vực Balkan, sau khi Liên bang Nam Tư cũ tan rã. Khi cộng đồng người Serbia tự tuyên bố về quốc gia độc lập Krajina, chính quyền Croatia đã quyết định phải áp dụng các biện pháp quân sự mạnh tay để khôi phục lại sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Những lệnh truy nã đặc biệt đối với cả ba bị cáo trên đã được Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ đưa ra ngay từ tháng 7/2001. Đến tháng 3/2004, Ivan Cermac và Mladen Markac đã tự nguyện ra trình diện tại Tòa án La Haye, sau khi Chính phủ Croatia hứa hẹn sẽ giúp đỡ họ cả về tinh thần và pháp lý, đồng thời gọi những lời cáo buộc từ tòa án quốc tế là “mang động cơ chính trị”.

Nhưng đối với bị cáo chính Ante Gotovina thì chuyện lại phức tạp hơn nhiều. Ngay từ trước khi phiên tòa diễn ra, mọi sự chú ý đều tập trung vào viên tướng này, do ông ta theo các lời cáo buộc đã dính líu vào việc sát hại ít nhất 15 dân thường Serbia, cũng như ép buộc trục xuất từ 150-200 ngàn người gốc Serbia. 

Ante Gotovina đã nhanh chóng biến mất khi lệnh truy nã quốc tế chính thức được ban hành. Sau sự kiện trên, cái tên Gotovina đã đứng thứ ba trong danh sách những tội phạm chiến tranh bị truy nã quốc tế gắt gao nhất. Mỹ đã treo giải thưởng 5 triệu USD cho những thông tin có thể giúp bắt giữ được ông ta. Còn EU đã công khai yêu cầu Croatia giúp đỡ bắt giữ Gotovina, bày tỏ những nghi ngờ rằng nhân vật này có thể đang ẩn náu ngay tại quê hương mình, cho dù Zagreb đã khẳng định không biết gì về nơi ẩn náu của ông ta.

Mãi tới tháng 12/2005, Gotovina mới bị bắt giữ tại quần đảo Canary (Tây Ban Nha), nơi ông ta đã ẩn náu trong một thời gian dài bằng hộ chiếu giả mang tên Kristijan Horvat. Ngay lập tức, Gotovina đã được áp giải tới nhà tù ở La Haye để chờ ngày ra tòa.

Tại một quốc gia hiện đang nỗ lực đàm phán gia nhập EU và NATO như Croatia, Gotovina thậm chí còn được nhiều người nhìn nhận chẳng khác gì một “anh hùng". Sau vụ bắt giữ viên tướng này vào tháng 12/2005, đã có hàng chục ngàn người ủng hộ ông, đổ ra đường biểu tình phản đối tại nhiều thành phố của Croatia.

Đó là lý do khiến phiên tòa lần này đã gây không ít lo ngại cho chính phủ đương nhiệm của Croatia. Sự ủng hộ và tình cảm của nhiều người dân đối với Gotovina vô hình trung đã tạo ra nhiều xáo trộn và ảnh hưởng đáng kể tới nỗ lực gia nhập EU và NATO của Croatia.

Việc xét xử Ante Gotovina cũng có ý nghĩa rất lớn đối với chính tòa án tại La Haye. Nguyên nhân là trước đó, tòa án này đã không thể đưa ra phán quyết cuối cùng đối với cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Miloshevic do ông đột ngột qua đời vào tháng 3/2006.

Trong khi những bị cáo chính còn lại – như cựu thủ lĩnh cộng đồng người Serbia tại Bosnia là Radovan Karadzic và tướng Ratko Mladich – hiện vẫn đang mất tăm bất kể lệnh truy nã quốc tế đối với họ đã được ban hành từ lâu. Theo kế hoạch, tất cả những hoạt động xét xử sẽ được Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ cố gắng hoàn tất trong năm 2008, trước khi bắt đầu xem xét các đơn kháng án từ cuối năm 2010

Hồng Sơn (tổng hợp)

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文