Xét xử vụ án tại Ngân hàng TMCP Đại Tín
- Triệu tập 178 người liên quan trong phiên xét xử sai phạm ở Ngân hàng TMCP Đại Tín
- Đại gia Hứa Thị Phấn lại hầu tòa
- Bị cáo Hứa Thị Phấn đã chiếm đoạt nghìn tỷ của Trustbank như thế nào?
Cùng hầu tòa với bị cáo Phấn là Bùi Thị Kim Loan (cựu kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Kim Dũng (cựu Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (cựu Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam, Chi nhánh Lam Giang, cựu phó phụ trách Phòng Ngân quỹ Trustbank, Chi nhánh Sài Gòn), Phạm Hồng Hảo (cựu nhân viên Trustbank).
Bà Hứa Thị Phấn từng có mặt tại một phiên tòa. |
Tòa cũng triệu tập 8 pháp nhân tới tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH Phú Mỹ, Công ty TNHH thẩm định giá Năm Thành Viên... Ngoài ra, tòa cũng triệu tập 91 cá nhân tham gia phiên tòa như bị án Phạm Công Danh, bị án Phan Thành Mai, bị án Hoàng Văn Toàn, bị án Nguyễn Vĩnh Mậu... Tòa xác định nguyên đơn dân sự là Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên xây dựng Việt Nam (VNCB).
Cơ quan điều tra xác định bị can Hứa Thị Phấn phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỉ đồng. Bị cáo Phấn là chủ mưu trong vụ án và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền này. Các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm, giúp sức.
Theo cơ quan chức năng, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Tín (năm 2013 đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) và cố vấn cao cấp HĐQT của Trustbank, bị cáo Hứa Thị Phấn thâu tóm, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động với mục đích chiếm đoạt tiền do ngân hàng này huy động tiền gửi của các tổ chức và cá nhân. Bị cáo Phấn có hành vi chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản do 3 công ty (Công ty cổ phần Phú Mỹ, Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ) của Hứa Thị Phấn làm chủ đầu tư để chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỉ đồng.
Ngoài ra, Hứa Thị Phấn còn trực tiếp chỉ đạo Bùi Thị Kim Loan và một số người mua và nâng khống giá trị bốn bất động sản tại TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Sau đó, dùng ảnh hưởng của bản thân chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Trustbank mua bốn bất động sản nói trên với tổng giá trị trên 661 tỉ đồng. Qua đó, Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 437 tỉ đồng của Trustbank. Do ngân hàng đã vượt quá tỉ lệ mua sắm tài sản cố định, hiện bốn bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Liên quan đến vụ án này, để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, quyền và lợi ích của các bên liên quan, cơ quan điều tra đã kê biên 114 bất động sản từ ngày 13-2-2017 giao cho Ngân hàng VNCB quản lý. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng tách nội dung bị cáo Phấn tố cáo Công ty Phương Trang chiếm đoạt 748,2 tỉ đồng chờ kết quả đối chất hai bên để kết luận xử lý sau.
Tháng 5-2018, Hứa Thị Phấn bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt mức án 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tháng 11-2018, tiếp tục bị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp bị cáo Phấn phải chấp hành hình phạt 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Tuy nhiên, hiện nay, bị cáo Hứa Thị Phấn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (quận 7, TP Hồ Chí Minh) với nhiều bệnh và sức khỏe bị tổn hại 93%. Bị cáo Phấn cố tình né tránh không trả lời cơ quan chức năng khi làm việc, cơ quan điều tra nhiều lần đến lấy lời khai nhưng "nữ đại gia" luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Tuy nhiên, bà ta vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án Ocean Bank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được tòa tống đạt cho bị cáo hợp lệ tại Bệnh viện Tân Hưng (quận 7), nơi bị cáo Phấn được chăm sóc.
Tòa cũng đã gặp làm việc với bác sĩ của bà Phấn, được biết bị cáo mang bệnh huyết áp cấp độ ba và tiểu đường tuýp II, trong tình trạng tỉnh táo nhưng thỉnh thoảng mới tiếp xúc được. Do tình trạng sức khỏe của bà này không ổn định nên HĐXX không thực hiện việc áp giải đến tòa. Theo toà án, việc bị cáo vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Năm 2015 khi chưa bị khởi tố, bà Phấn đã có nhiều buổi làm việc với cơ quan điều tra dưới sự chứng kiến của luật sư và cấp dưới của mình. Hai tuần trước khi bị khởi tố (ngày 22-3-2017) bà Phấn mới nhập viện và từ đó cơ quan điều tra mới không thể hỏi cung, do bà luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc". Dự kiến phiên toà xét xử diễn ra tới ngày 25-11.