Lật tẩy đường dây sản xuất giấy phép lái xe giả

09:47 09/11/2022

Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức do Phạm Văn Vượng (SN 1994, trú tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), cầm đầu được tổ chức chặt chẽ, có tính chất phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Các đối tượng đã phân công, chia nhỏ công đoạn nhằm đối phó với sự phát hiện, xử lý và gây khó khăn cho công tác điều tra.

“Bằng lái xe giá rẻ ship tận nhà”

Giữa năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ nắm được thông tin một đường dây bán giấy phép lái xe (GPLX) trên mạng với giá rẻ mà không cần phải học, không cần phải đi thi. Theo đó, những người có nhu cầu đăng ký xin cấp, đổi GPLX ôtô, môtô trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau một thời gian ngắn (khoảng 7 – 10 ngày) có thể nhận được GPLX và hồ sơ sát hạch thông qua dịch vụ ship hàng.

Lật tẩy đường dây sản xuất giấy phép lái xe giả -0
Cán bộ Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra số tang vật thu giữ.

Trong khi các biện pháp nghiệp vụ đang được triển khai thì đơn vị tiếp nhận đơn tố giác của anh Nguyễn Thanh T (SN 1987, ở phường Thọ Sơn) và anh Nguyễn Xuân K (SN 1976, ở phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tại cơ quan Công an, anh Nguyễn Thanh T và Nguyễn Xuân K cho biết: Anh T và anh K có GPLX ôtô chưa hết hạn nhưng bị cũ nát nên muốn đổi lại. Cả hai thấy trên trang Facebook quảng cáo nhận cấp, đổi GPLX, thủ tục nhanh gọn nên đã nhắn tin, hỏi thủ tục cấp, đổi GPLX. Sau khi hai anh trao đổi thì người điều hành trang đã cho số điện thoại; kết bạn Zalo với Facebook có tên là “Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe” để trao đổi thông tin.

Người này cam kết GPLX là do Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ cấp; thỏa thuận giá nhận đổi GPLX cho anh T là 2 triệu đồng, anh K là 1,3 triệu đồng. Đối tượng còn cam kết rằng, chỉ khi nhận được GPLX thì họ mới phải trả tiền… Anh T và K sau đó đã đồng ý  với số tiền như trên. Sau khi nhận được GPLX, anh T và K kiểm tra thì phát hiện không đúng với số GPLX cũ; nghi vấn là GPLX giả nên đã nhắn tin, gọi điện thoại cho đối tượng, đòi lại số tiền trên thì đối tượng cắt liên lạc. Nghi ngờ bị các đối tượng lừa cấp, đổi GPLX giả, anh T và anh K đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ trình báo.

Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ hỏi cung hai trong số 5 đối tượng trong vụ án.

Đại úy Nguyễn Quang Huy, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, quá trình nắm bắt thông tin, các trinh sát phát hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang fanpage trên danh nghĩa là các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, chạy quảng cáo tự động với nội dung: “nhận làm GPLX các hạng A1, A2, B1, B2…”, và luôn cam kết “GPLX thật 100%, có mã QR, người có nhu cầu chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh và căn cước công dân để đăng ký sau đó Trung tâm sẽ cử người thi hộ, bao đỗ và được Sở Giao thông vận tải cấp GPLX, có đầy đủ hồ sơ gốc, khi nhận được hồ sơ và GPLX mới phải trả tiền...”.

 Các trang fanpage có dạng quảng cáo nội dung như trên do vi phạm chính sách “Cảnh báo lừa đảo” của mạng xã hội Facebook nên thường chỉ chạy quảng cáo được 4 - 5 ngày là bị quản trị mạng khóa trang. Cũng vì vậy, các đối tượng liên tục thay đổi nhiều nick và trang fanpage khác nhau để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Qua xác minh thấy các “Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe” được quảng cáo và nhận cấp/ đổi GPLX đều không có địa chỉ thật, không thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; đã có số lượng lớn người đăng ký xin cấp, đổi GPLX các hạng trên nhiều tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ và GPLX để sử dụng

Lần theo tung tích nhóm đối tượng nghi vấn

Tổ chức xác minh, trinh sát đã dựng được đối tượng nghi vấn là Vượng. Song để bắt giữ đối tượng không đơn giản bởi đối tượng sử dụng thông tin giả để giao dịch với người mua; việc liên hệ được thực hiện qua mạng xã hội… Áp dụng các biện pháp trinh sát, trinh sát xác định Vượng và nhóm đối tượng nghi vấn đã thuê phòng 0620, tòa nhà S2.06 tại một khu đô thị ở xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 6/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã thành lập nhiều tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương; tiến hành kiểm tra và thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, đồ vật của các đối tượng. Thời điểm khám xét phát hiện có nhiều đối tượng cùng ở trong phòng gồm Hoàng Văn Đằng (SN 1995); Phạm Văn Vượng (SN 1994); Tống Xuân Duy (SN 2003); Cao Thị Hiền (SN 2003, cùng ở tại Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định) và Trần Nhung Huyền (SN 2005, HKTT ở tại xã Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình). Quá trình điều tra đã phát hiện, tạm giữ 8 điện thoại di động các loại, có chứa nhiều thông tin liên quan đến hành vi lừa đảo và làm giả GPLX.

Các giấy phép lái xe giả cơ quan Công an thu giữ.

Cơ quan điều tra đã tiến hành triệu tập các đối tượng trên để làm rõ, căn cứ kết quả điều tra xác định: Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, Vượng đã tạo ra nhiều trang fanpage  lấy tên là: “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Ngọc Hà”, “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Cầu Giấy”, “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Dương”, “Trung tâm Đào tạo lái xe Thành Công”… để chạy quảng cáo nhận cấp, đổi GPLX các hạng, cam kết là “trung tâm đào tạo sát hạch sẽ cử người đứng ra bao thi hộ chọn gói, được sở GTVT cấp giấy phép lái xe thật 100%, có mã QR và đầy đủ hồ sơ gốc…”, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu đăng ký xin cấp, đổi GPLX. Vượng còn rủ Tống Xuân Duy, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Văn Đằng đến ở cùng để bàn bạc, thống nhất phân công nhiệm vụ.

Từ trang fanpage, Vượng chia ra các tài khoản nhỏ có liên kết với ứng dụng Pancake V2 để giao cho Duy, Hiền, Đằng theo dõi và mời chào, chốt đơn với người có nhu cầu đăng ký xin cấp, đổi GPLX; mức giá chung cho một bộ hồ sơ GPLX các đối tượng đưa ra là: GPLX môtô giá 1,3 triệu đồng/ 1 bộ, GPLX ôtô giá 4,5 triệu đồng/ 1 bộ.

Khi có người nhận chốt đơn đăng ký xin cấp, đổi GPLX thì Duy, Hiền, Đằng chuyển thông tin cho Vượng qua ứng dụng tin nhắn Telegram. Vượng có trách nhiệm liên hệ với người khác làm giả hồ sơ và GPLX, sau đó gửi dịch vụ ship hàng nhanh dưới hình thức ship COD (tức là sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng mới phải thanh toán tiền đơn hàng) và thu tiền của người đã đăng ký cấp, đổi GPLX để chiếm đoạt. Vượng chia cho người đã nhận chốt được đơn hàng theo tỷ lệ: Đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được trả công là 100.000 đồng; đơn hàng từ 1,1 đến 2,5 triệu đồng được trả công là 200.000 đồng; đơn hàng từ 2,5 triệu đồng trở lên được trả công là 300.000 đồng.

Nhằm tạo sự tin tưởng cho khách, các đối tượng đã soạn sẵn ra bộ mẫu các câu trả lời một số tình huống thường gặp, rồi lưu sẵn trong điện thoại. Trong trường hợp khách hàng có thắc mắc, hoặc đưa ra câu hỏi về thủ tục cấp, đổi GPLX thì các đối tượng chỉ việc copy lại. Tinh vi hơn, có trường hợp khi khách nghi ngờ về tính pháp lý của GPLX, như trường hợp của anh Nguyễn Xuân K đã gửi đơn trình báo, thì đối tượng Tống Xuân Duy còn giới thiệu là cán bộ của Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe để tư vấn nhằm tạo lòng tin; khẳng định với anh K rằng GPLX được cấp là thật, do Sở Giao thông vận tải cấp, có hồ sơ gốc để từ đó anh K yên tâm sử dụng GPLX. Bên cạnh đó, nhằm dẫn dụ người có nhu cầu, các đối tượng cam kết chỉ trong 5-7 ngày kể từ khi đặt hàng thì GPLX sẽ được giao đến tận nhà, chuẩn 100% tem phôi gốc được cấp mã QR đầy đủ thông tin cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã tạm giữ 127 bộ hồ sơ sát hạch lái xe và GPLX của người bị hại để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 14/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với: Phạm Văn Vượng, Hoàng Văn Đằng, Tống Xuân Duy, Cao Thị Hiền về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Mở rộng điều tra vụ án, ngày 27/10, Cơ quan điều tra đã ra lệnh giữ khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Năm (SN 1974, HKTT: xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội). Ban đầu là người mua GPLX, sau đó Năm đã thống nhất với bị can Tống Xuân Duy để “gom khách” tiếp nhận thông tin đăng ký xin cấp, đổi GPLX của 20 người trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình. Sau đó, chuyển cho Duy làm giả hồ sơ và GPLX để hưởng tiền chênh lệch. Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, các đối tượng bán ra ngoài xã hội một lượng lớn GPLX với hình thức giống GPLX thật đến 90%, có thể quét mã QR lên chính xác thông tin của khách hàng nên với những người không có kiến thức nhất định thì cơ bản là không phân biệt được tính thật giả của GPLX. Từ đó, nhiều người có nhu cầu tin tưởng rằng có thể mua đc GPLX thật trên mạng với giá rẻ, không cần đi học, đi thi và thời gian lấy bằng rất ngắn rồi tuyên truyền cho người quen gây ra suy nghĩ sai lệch trong một bộ phận người dân.

Việc sử dụng GPLX giả cũng mang lại nhiều hậu quả khôn lường. Khi sử dụng GPLX giả bị cơ quan chức năng phát hiện thì cá nhân người sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và có thể bị xử lý hình sự trong trường hợp đã quy định của Bộ luật hình sự.

Xuân Mai

Thực hiện chương trình “Tết vì người nghèo 2025”, chiều 20/1 (tức ngày 21 tháng Chạp), Thiếu tướng Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND cùng đoàn công tác của Báo CAND đã về với bà con nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trao tặng đồng bào nghèo nơi đây những món quà Tết mang đậm nghĩa tình của những người làm Báo CAND và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Chiều 21/1, Công an TP Cần Thơ tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì buổi lễ. 

Chiều 21/1, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Cơ quan CSĐT vừa ra Quyết định khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam 3 bị can: Lê Văn Biền, cựu Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân; Hoàng Lộc Ninh, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân và Lê Năng Dũng, Phó Trưởng phòng TNMT huyện Thọ Xuân để điều tra tội “Giả mạo trong công tác”.

Sau năm ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều 21/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và 16 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.   

Ngày 21/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast (viết tắt là Công ty Vinfast). 6 bị cáo trong vụ án đều là nhân viên của Công ty Vinfast đã câu kết chiếm đoạt của công ty 81 chuyến hàng, trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

Các đối tượng tham gia phần lớn là các đối tượng hình sự cộm cán tại địa phương, đã có nhiều tiền án, tiền sự, hoạt động chuyên nghiệp, phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Đáng chú ý, có hai anh em ruột cùng tham gia cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền "khủng" này. Bên cạnh đó, có một đối tượng trong đường dây đã từng bị Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ về hành vi tổ chức dàn xếp, mua bán độ của các cầu thủ bóng đá ở Câu lạc bộ Đồng Nai. 

Các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Gia Trung (xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) được Ban Giám thị tổ chức bữa cơm tất niên cùng thân nhân trong không khí ấm áp, phấn khởi.

Ngày 21/1, Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an hợp nhất Phòng Cảnh sát bảo vệ và Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thành Phòng CSCĐ; Quyết định của Giám đốc Công an thành phố triển khai tổ chức bộ máy của Phòng CSCĐ và các quyết định về công tác cán bộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1 đã ký sắc lệnh hành pháp rút nước này khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ngày 21/1, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Ban quản lý Bến xe khách Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kiểm tra đột xuất các phương tiện vận tải hành khách. Trong đó tập trung kiểm tra hệ thống camera hành trình của phương tiện, qua đó phát hiện vi phạm đối với tài xế trong quá trình điều khiển xe di chuyển trên đường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.