Trở thành “trùm” mua bán thận sau khi đi bán thận của chính mình

09:08 28/11/2024

Do sa đà vào cờ bạc, Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1988, trú huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) từ miền Tây dạt ra Huế, rồi lân la đến Bệnh viện Trung ương Huế gặp một người bệnh suy thận giai đoạn cuối để bán 1 quả thận của mình.

Dù biết tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của mỗi người bán thận qua hồ sơ là 45% nhưng vì để có tiền thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của cá nhân nên Ninh đã bất chấp pháp luật và trở thành kẻ mua bán thận chuyên nghiệp với hàng chục người liên quan tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Rao mua bán thận trên mạng

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sóc Trăng nhưng do sa đà cờ bạc nên năm 2018,  Nguyễn Văn Ninh đã rời quê dạt ra Huế. Trong thời gian đó, Ninh đến Bệnh viện Trung ương (BVTƯ) Huế để hỏi về việc bán thận của mình cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Trước khi dạt ra Huế, Ninh đã tìm hiểu rất kỹ rằng, cùng với các bệnh viện lớn ở hai đầu đất nước thì tại BVTƯ Huế, có số lượng lớn bệnh nhân ở khắp các tỉnh, thành đang hàng ngày giành giật sự sống trước bệnh suy thận và không ít trường hợp mỏi mòn chờ được ghép thận.

Sau vài ngày lân la ở bệnh viện, Ninh đã tìm được người mua thận của mình với số tiền hàng trăm triệu đồng. Quá trình bán thận, Ninh nắm rất rõ được quy trình, thủ tục làm hồ sơ ghép thận và nhu cầu mua thận của người bệnh là rất lớn.

Bị cáo Nguyễn Văn Ninh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Vì vậy, sau một thời gian bán thận, khoảng cuối năm 2020, Ninh đến Khoa thận của Bệnh viện Trung ương Huế, tìm kiếm những người bệnh có nhu cầu ghép thận. Sau đó, Ninh sử dụng các trang Facebook ảo để đăng tải thông tin cần mua thận lên mạng xã hội Facebook. Ninh cũng như một số đối tượng mua bán thận đã sử dụng trang Facebook ảo để thường xuyên nắm bắt thông tin người mua và bán thận trên các hội nhóm mua bán thận dưới danh nghĩa “Hiến thận nhân đạo” hay “Hỗ trợ các bạn nam, nữ hiến thận và hiến gan” hoặc “Hội hiến thận an toàn - bảo mật - uy tín”…

Sau khi biết được có người cần bán thận với giá từ 280 triệu đồng đến 320 triệu đồng/quả thận, Ninh tìm người mua thận và thống nhất giá bán dao động từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/ quả thận. Để thực hiện việc mua bán thận, Ninh và người mua thận sẽ thỏa thuận với nhau thông qua “Hợp đồng cung cấp dịch vụ sức khỏe”.

Trong hợp đồng quy định về các điều khoản như: khám, chữa bệnh, các thủ tục tại bệnh viện, các xét nghiệm, phẫu thuật và các chi phí khác cho đến khi ghép thận thành công. Các bên thỏa thuận thanh toán tiền thành 4 giai đoạn, cụ thể giai đoạn 1, Ninh nhận của người bệnh 150 triệu đồng. Đây là khoản tiền đặt cọc, phục vụ việc xét nghiệm của người bệnh, người bán thận, chi phí mua thông tin của người bán thận.

Thông tin mua thận “núp bóng” dưới các hội nhóm hiến thận trên Facebook.

Giai đoạn 2, Ninh tiếp tục nhận 150 triệu đồng, phục vụ việc khám của người bệnh, người bán thận và tiền Hội đồng, chi phí ăn ở của người bán thận. Giai đoạn 3, Ninh nhận 200 triệu đồng tiền chi phí phẫu thuật và chi phí ăn ở của người bán thận và giai đoạn 4, Ninh nhận đủ số tiền còn lại sau khi ghép thận.

Theo tài liệu từ Cơ quan điều tra, ngoài việc lập hợp đồng “Cung cấp dịch vụ sức khỏe” có ký giữa hai bên, đối với một số trường hợp, Ninh còn viết giấy viết tay khi nhận tiền và cam kết sẽ lo cho người bệnh ghép thận thành công. Nếu không thành công thì Ninh sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Trong quá trình giao dịch với người mua, người bán thận, Ninh sử dụng điện thoại Iphone XS Max, số điện thoại 0932449155 để liên lạc, trao đổi thông tin với những người mua, bán thận. Việc giao, nhận tiền giữa Ninh và những người mua, bán thận thường được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản qua số tài khoản 070086269471 của ngân hàng Sacombank do Nguyễn Văn Ninh đứng tên, một số trường hợp thực hiện bằng việc đưa tiền trực tiếp.

Mua 380 triệu đồng bán 900 triệu đồng/ quả thận

Quá trình điều tra, đã có căn cứ xác định, cuối năm 2020 đến tháng 6/2023, Nguyễn Văn Ninh đã mua bán thận thành công cho 4 trường hợp và đang tiến hành 3 trường hợp thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ nên chưa tiến hành ghép thận được. Cụ thể, trường hợp thứ nhất, vào năm 2021, anh Lê Tuấn A. (sinh năm 1988, trú tại xã Triệu Trạch,  huyện Triệu Phong,  tỉnh Quảng Trị) liên lạc và thỏa thuận với Ninh về việc mua 1 quả thận với giá 900 triệu đồng.

Sau khi thỏa thuận với anh Lê Tuấn A., thông qua người tên Đông ở TP Hồ Chí Minh (không rõ nhân thân, lai lịch) đã giới thiệu cho Ninh người bán thận là chị Kiều Ngọc L. (sinh năm 1983, trú tại Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có các chỉ số trùng khớp với Lê Tuấn A. và thỏa thuận giá bán thận là 380 triệu đồng. Ninh trả tiền cho Đông 30 triệu đồng tiền giới thiệu người bán. Tháng 3/2023, BVTƯ Huế đã tiến hành phẫu thuật và ghép thận thành công đối với trường hợp của Lê Tuấn A và Kiều Ngọc L.

Giấy nhận tiền do Ninh viết khi nhận tiền của người mua thận.

Tương tự, Lường Văn Th. (sinh năm 1987, trú tại xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) liên lạc và thỏa thuận với Ninh về việc mua 1 quả thận với giá 750 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận với Th, Ninh tìm được người bán thận là chị Nguyễn Thị Thùy Tr. (sinh năm 1981, trú tại xã Phúc Qưới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có các chỉ số trùng khớp với anh Th và thỏa thuận chị Tr bán thận với giá là 320 triệu đồng. Sau đó, BVTƯ Huế đã tiến hành phẫu thuật và ghép thận thành công đối với trường hợp của Lường Văn Th. và Nguyễn Thị Thùy Tr.

Bên cạnh đó, sau khi Ninh đăng tải thông tin trên mạng xã hội thì Lê Đình T. (sinh năm 1981, trú tại xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) liên lạc và thỏa thuận với Ninh về việc mua một quả thận với giá 850 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận với T, thông qua người tên Đăng (không rõ nhân thân, lai lịch) đã giới thiệu cho Ninh tìm được người bán thận là anh Nguyễn Văn Đ. (sinh năm 1986, trú tại xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) có các chỉ số trùng khớp với anh T. Sau đó, Ninh và anh Đ thỏa thuận giá bán thận là 320 triệu đồng. Ninh trả cho Đ 80 triệu đồng tiền giới thiệu. Sau đó, BVTƯ Huế đã tiến hành phẫu thuật và ghép thận thành công đối với trường hợp của Lê Đình T. và Nguyễn Văn Đ.

Nỗi đau “tiền mất tật mang”

Ngoài những trường hợp bán và mua thận thành công đã được phẫu thuật, ghép tại Bệnh viện Trung ương Huế thì có nhiều bệnh nhân trở nên điêu đứng, nợ nần chồng chất khi vừa mất tiền mà bệnh tình ngày càng nặng. Đơn cử, anh Nguyễn Minh S. (sinh năm 1978, trú tại tỉnh Quảng Trị) liên lạc và thỏa thuận với Ninh về việc mua một quả thận với giá 780 triệu đồng) để ghép cho con trai mình là cháu Nguyễn Quốc V. (sinh năm 2004). Sau khi ký hợp đồng, anh S đã đưa cho Ninh tổng cộng là 320 triệu đồng để lo các chi phí đi lại, ăn uống, xét nghiệm...

Trong quá trình thực hiện, Ninh đã tìm được người bán thận cho cháu V, tuy nhiên vì lý do sức khỏe của người bán thận nên đến lần thứ hai, Ninh mới tìm được Lê Nguyễn Hoài D. (sinh năm 1983, trú TP Cần Thơ) đủ điều kiện để ghép thận cho cháu V. Tuy nhiên, trong khi chờ tiến hành ghép thận cho cháu V. thì Ninh bị bắt nên chưa tiến hành ghép thận được. Quá trình điều tra, Ninh khai nhận toàn bộ số tiền nhận từ anh S đã được Ninh chi phí hết trong quá trình ăn ở, đi lại, khám bệnh cho những người bán thận. Điều xót xa là để có số tiền lớn lo cho con ghép thận, vợ chồng và người thân anh S phải chạy vạy vay mượn…

Tương tự, ông Hoàng Kim Tr. (sinh năm 1966, trú tại phường Gia Hội, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) liên lạc và thỏa thuận với Ninh về việc mua 1 quả thận với giá 900 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng, ông Tr đã đưa trước cho Ninh tổng cộng 350 triệu đồng... Trong quá trình thực hiện, Ninh đã tìm được 2 người bán thận cho ông Tr là Trịnh Thị K. và một người tên X (không nhớ rõ họ tên, địa chỉ). Sau đó, lý do sức khỏe, ông Tr từ chối tiếp tục thực hiện các thủ tục ghép thận và sau đó Ninh bị bắt nên chưa tiến hành ghép thận được.

Phiếu đăng ký ghép thận do Ninh thực hiện.

Quá trình điều tra Ninh khai nhận toàn bộ số tiền nhận từ ông Tr đã được Ninh chi phí hết trong quá trình ăn ở, đi lại, khám cho những người bán thận. Hay trường hợp anh Trần Văn M. (sinh năm 1977, trú tại xa lộ Hà Nội, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) liên lạc và thỏa thuận với Ninh về việc mua 1 quả thận với giá 1 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, anh M đã đưa cho Ninh tổng cộng là 200 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, Ninh đã tìm được một người bán thận cho anh M, là người quê ở Đồng Nai (không nhớ rõ họ tên, địa chỉ). Sau đó, do anh M hẹn lại thời gian ghép và Ninh bị bắt nên chưa tiến hành ghép thận được…

Hiện, tất cả các trường hợp đưa tiền cho Ninh nhưng chưa được ghép thận, Ninh đều không trả lại tiền với cùng lý do đã sử dụng để lo chi phí ăn ở, làm hồ sơ và tiền khám bệnh cho người bán thận. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Văn Ninh về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người” vừa diễn ra ngày 19/11 vừa qua, trong khi chờ nghị án, một người thân của bệnh nhân nói trong xót xa: “Trước đây, khi vay mượn tiền để đưa cho Ninh mua thận để ghép cho chồng tôi, tôi hy vọng sau khi ghép thận, anh ấy sẽ sớm hồi phục, kiếm việc làm để có tiền trả nợ. Nào ngờ, giờ bệnh tình của người thân tôi ngày càng trở nặng, trong khi đó gia đình phải oằn mình gánh nợ…”.

Ngoài 7 cặp trường hợp mua bán thận mà cơ quan điều tra xác định được thì Ninh còn tự khai nhận đã tiến hành mua bán và ghép thận thành công cho 5 trường hợp khác. Trong đó, người mua và người bán thận ở nhiều tỉnh, thành như: Bắc Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ, ĐồngTháp, An Giang… Tại bản kết luận giám định y khoa - Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của mỗi người bán thận qua hồ sơ là 45%... Ngoài ra, Nguyễn Văn Ninh còn khai nhận đã trực tiếp đi làm các thủ tục xét nghiệm giúp một số trường hợp và mỗi trường hợp sau khi hoàn tất các thủ tục thì bồi dưỡng cho Ninh 20 triệu đồng.

Sau khi xem xét toàn bộ tính chất vụ án, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ninh 9 năm tù về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”. Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Ninh có 1 tiền án về tội “Đánh bạc” do TAND TP Huế tuyên phạt vào ngày 29/9/2021… Trở lại vụ án “Mua bán bộ phận cơ thể người” cũng như quá trình triệt phá các đường dây mua bán thận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gần đây, Cơ quan Công an cho biết, những người mua thận khai nhận rằng, trước khi ghép thận, dù phải đưa số tiền lớn cho môi giới nhưng họ yên tâm vì có hợp đồng đầy đủ, rõ ràng. Một số người mua thận cho rằng, cứ nghĩ có hợp đồng là đầy đủ tính pháp lý nên chấp nhận đưa số tiền hàng trăm triệu dù chưa ghép thận.

Theo cơ quan Công an, việc các đối tượng môi giới mua bán thận “núp bóng” bằng các hợp đồng như: “Cung cấp dịch vụ sức khỏe”; “Chăm sóc sức khỏe”; “Tư vấn, hướng dẫn khám và chữa bệnh”... nhằm tạo niềm tin cho người mua thận. Tuy nhiên, hợp đồng này là sự thỏa thuận giữa hai bên, không có giá trị về mặt pháp lý. Vì vậy, những người có nhu cầu ghép thận cần nâng cao cảnh giác, tránh trường hợp tiền mất, tật mang.

Hải Lan

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham những, kinh tế là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong điều tra, xử lý vụ án. Việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn góp phần chống lãng phí, tạo thêm những nguồn lực to lớn giúp đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới.

Ngày 27/11, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, qua công tác nghiệp vụ cơ bản, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và trinh sát trên không gian mạng, Cục Cảnh sát hình sự và Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức thầu số lô, đề, cá độ bóng đá quy mô rất lớn với số tiền 240 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày khoảng gần 3 tỷ đồng) tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố do đối tượng Cao Quốc Điều (SN 1989), trú tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cầm đầu tổ chức.

Ngày 27/11, Đại hội Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) nhiệm kỳ II (2024 – 2029) đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã thống nhất bầu Ban Chấp hành mới, trong đó Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND là Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội. Nhân dịp này, Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong về vai trò mới này.

Liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, chiều 27/11, UBND TP Vũng Tàu cho biết, bước đầu đã xác định có hơn 100 trường hợp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu, Trung tâm Y tế Vietsovpetro. Ngoài ra, không loại trừ khả năng còn có một số trường hợp đến các phòng khám tư để điều trị, hoặc bị ảnh hưởng nhẹ tự theo dõi tại nhà không thống kê được.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Riêng quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT của luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ II (2024 - 2029). Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội. Cùng dự Đại hội còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật cùng đông đảo người làm điện ảnh trên cả nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文