Vụ tranh chấp đất vàng phố Bà Triệu, Hà Nội: Hợp đồng giả che giấu âm mưu thật

13:28 08/05/2023

Tự nhận có quan hệ quen biết nhiều, có thể lo được việc chuyển mục đích đất sử dụng chung và gộp các sổ đỏ nhà đất tại số 296, 298, 300 phố bà Triệu, ông Lê Thế Hiển, cựu Phó Chánh Văn phòng sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã "xúi" vợ ký các hợp đồng "giả cách" với ông Nguyễn Thanh Thủy, sau đó bằng các thủ đoạn gian dối, chuyển đổi lòng vòng, ông Hiển cùng vợ đã bán khu đất trên cho người khác, chiếm hơn 300 tỉ đồng.

Khi các "đại gia" gom đất vàng

Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa xét xử các bị cáo Lương Thế Hiển (63 tuổi, cựu Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và Nguyễn Thị Liên (63 tuổi, vợ ông Hiển) trong vụ chiếm đoạt 3 khu "đất vàng" trên phố Bà Triệu.

Theo hồ sơ, khu đất bị chiếm đoạt trong vụ án nằm ở các vị trí liền nhau số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là những khu "đất vàng" nằm ở vị trí trung tâm phố Bà Triệu với giá trị hàng trăm tỉ đồng. 3 khu đất liền nhau trên có tổng diện tích 676 m2, nguồn gốc là các khối nhà 2-3 tầng mặt phố thuộc sở hữu nhà nước, do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, cho 14 hộ dân thuê ở. Giữa năm 2017, anh Nguyễn Thanh Thủy đã mua gom được 11 nhà đất, tổng diện tích hơn 300 m2 tại địa chỉ trên.

Hội đồng xét xử vụ án.

Tiếp đó, anh Thủy muốn mua toàn bộ phần còn lại để chuyển đổi diện tích đất sử dụng chung và làm thủ tục gộp "sổ đỏ" của khu đất phố Bà Triệu. Theo trình bày của anh Thủy thì do anh không thuộc đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước nên đã nhờ Lương Thế Hiển làm giúp chuyển mục đích đất sử dụng chung và gộp các "sổ đỏ" nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu. Tiền công dịch vụ anh Thủy phải trả cho ông Hiển là 7 tỉ đồng.

Hồ sơ vụ án thể hiện, anh Nguyễn Thanh Thủy và Nguyễn Thị Liên (vợ Hiển) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh đề ngày 20/3/2017 với nội dung cùng nhau góp vốn, đầu tư mua nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hai bên tạm tính giá trị hợp tác đầu tư là 200 tỉ đồng, mỗi bên góp 100 tỉ đồng. Lợi nhuận sau đầu tư được chia theo tỷ lệ 50/50 (hợp đồng có luật sư Cao Văn Bình ký làm chứng). Bên cạnh đó, anh Thủy đã viết các giấy nhận 50 tỉ đồng từ vợ chồng Liên - Hiển đề ngày 2/4/2017 để “cùng nhau trả tiền cho các hộ dân tại 296, 298, 300 Bà Triệu” và giấy biên nhận 50 tỉ đồng đề ngày 5/5/2017 để “thanh toán tiền mua BĐS tại số 296, 298, 300 Bà Triệu”.

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Đến ngày 1/10/2017, anh Thủy đã ký biên bản thanh lý hợp đồng với Liên - Hiển với nội dung “đồng ý chuyển nhượng lại 50% cổ phần, tương đương 100 tỉ đồng cho ông Hiển, bà Liên. Ông Hiển, bà Liên có nghĩa vụ thanh toán cho anh Thủy 50% giá trị hợp tác kinh doanh, tương đương 100 tỉ; ông Thủy có trách nhiệm hoàn thiện toàn bộ thủ tục để khối tài sản đầu tư là nhà đất tại 296, 298, 300 Bà Triệu chuyển sang ông Hiển, bà Liên theo đúng quy định. Các biên bản này đều do luật sư Cao Văn Bình ký làm chứng. Cùng ngày, anh Thủy viết giấy nhận tiền 100 tỉ đồng của vợ chồng Liên - Hiển. Sau đó, hai bên ra văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng đất, chuyển quyền thuê đất theo quy định của pháp luật.

Bản “hợp đồng giả cách”

Tại phiên xét xử, anh Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, mình chỉ nhờ vợ chồng ông Hiển đứng tên làm thủ tục mua nhà ở trên phố Bà Triệu nhưng đã bị chiếm đoạt, bán cho người khác. Cơ quan tố tụng xác định, các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên, biên bản thanh lý hợp đồng, giấy biên nhận số tiền 100 tỉ mà ông Hiển trả cho anh Thủy là một dạng hợp đồng giả cách. Mặc dù chữ ký, dấu lăn tay của anh Thủy là thật nhưng theo cơ quan tố tụng, đây chỉ là hợp thức hóa để Hiển đứng tên mua khu đất giúp anh Thủy.

Tuy nhiên, Lương Thế Hiển không thừa nhận hành vi phạm tội. Hiển khai rằng, việc hợp tác đầu tư mua gom nhà đất với ông Thủy là có thật, cũng như có việc vợ chồng mình chuyển tiền 3 lần, tổng cộng 200 tỉ đồng như 3 giấy nhận tiền Thủy đã ký.

Khu đất vàng tranh chấp tại 296, 298, 300 Bà Triệu, Hà Nội.

Còn đối với Nguyễn Thị Liên, cuối năm 2019, khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Liên cho rằng việc hợp tác kinh doanh đầu tư góp vốn mua nhà 296, 298, 300 Bà Triệu là thật. 2 năm sau, đến bản cung ngày 18/6/2021, Liên mới nhận tội, khai rằng: “Đây là nhà đất của anh Nguyễn Thanh Thủy, đã nhờ ông Lương Xuân Hiển đứng tên lúc anh Thủy có khó khăn. Khi nhờ ông Hiển đứng tên, anh Thủy nói với ông Hiển là anh giữ cho em khi nào anh bán được thì chia nhau mỗi anh em một nửa”.

Nhưng, sau đó Liên lại bác bỏ điều này và khai: “Do anh Thủy và ông Hiển có thỏa thuận và nhờ là việc mua bán chỉ là giả cách để che giấu việc anh Thủy nhờ ông Hiển đứng tên nhà đất. Khi mua bán giữa hai bên không có việc thanh toán tiền cho nhau. Anh Thủy dặn tôi là khai có việc nhận tiền, thanh toán bằng vàng để hợp thức việc mua bán”. Liên còn khẳng định rõ: “Để hợp thức việc anh Thủy nhờ ông Hiển đứng tên nhà đất, tránh việc bị công an phát hiện mua bán là giả tạo thì ông Hiển và anh Thủy nói với tôi là tôi phải khai việc mua bán giữa anh Thủy và ông Hiển là mua bán thật, có lập hợp đồng công chứng chuyển nhượng. Anh Thủy tự tay viết giấy nhận tiền để tôi ký vào giấy và tự anh Thủy đem hộp mực lăn tay đến dạy tôi cách lăn. Đồng thời dặn tôi tính toán việc anh Thủy nhận tiền, nhận vàng của ông Hiển”.

Sau khi thực hiện các thủ tục nhà đất, đứng tên toàn bộ nhà đất tại 296, 298, 300 phố Bà Triệu, vợ chồng bị cáo đã chiếm đoạt diện tích này, bán cho anh Lê Hải An với giá 320 tỉ đồng.

Tham thì thâm

Hội đồng xét xử đưa phán quyết, chủ thể hợp đồng là anh Nguyễn Thanh Thủy và Nguyễn Thị Liên, nội dung thỏa thuận góp vốn mua nhà đất để kinh doanh và cho thuê. Hai bên góp vốn 50/50, mỗi bên góp 100 tỉ đồng. Nhiệm vụ là Bên A đàm phán, thỏa thuận xong với các chủ đất, kê khai thuế bất động sản đã mua. Bên B được quyền góp vốn, đảm bảo việc kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế các chủ thể hợp đồng là anh Thủy và Liên đều khai nhận không có việc góp vốn. Việc anh Thủy nhận 200 tỉ đồng là không có thật.

Kết quả thực nghiệm điều tra cho thấy anh Thủy không thể “bê” 50 tỉ đồng từ căn hộ của bị cáo Hiển ra thang máy. Mặc dù bị cáo Hiển khai tiền mua nhà đất toàn bộ là của bị cáo nhưng bị cáo từ chối khai về nguồn gốc số tiền này.

Hai bị cáo Lương Thế Hiển và Nguyễn Thị Liên trước tòa.

Sau khi hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác thì anh Thủy vẫn tiếp tục đóng 26 tỉ đồng để mua nhà đất. Bị cáo Liên còn xác nhận anh Thủy đóng tiền thuế trong khi hợp đồng mua bán thể hiện bị cáo Hiển, Liên không phải chịu số tiền này. ''Hợp đồng hợp tác kinh doanh là giả tạo, các bên không quan tâm đến quyền lợi trong hợp đồng, không có ý thức tôn trọng hợp đồng. Từ hợp đồng hợp tác kinh doanh đến việc bán nhà là sự sắp đặt. Việc truy tố các bị cáo là đúng pháp luật, không oan” - hội đồng xét xử nhận định.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, giá trị tài sản đặc biệt lớn, gây sự chú ý của dư luận xã hội. Trong đó, bị cáo Hiển giữ vai trò chính, từ việc nhận dịch vụ mua gom nhà đất, bị cáo đã từng bước hợp thức giấy tờ đứng tên mình, số tiền sau khi giao dịch, bị cáo Hiển mua nhiều tài sản đứng tên mình và các con.

Bản án xác định 3 khu đất trên là tang vật của vụ án nên cần thu hồi 3 sổ đỏ nhà đất trên để bàn giao lại cho anh Thủy. Đồng thời, tiếp tục kê biên 6 nhà đất do bị cáo Hiển và người thân đứng tên nhưng có nguồn tiền do phạm tội mà có. Ngoài hình phạt nêu trên, bị cáo Hiển còn phải hoàn trả số tiền 319 tỉ đồng cho anh Lê Hải An. Dành quyền khởi kiện dân sự cho anh An về phần công sức phá dỡ, xây dựng nhà trên diện tích trên (nếu có) đối với anh Thủy...

Hội đồng xét xử kết luận, hợp đồng hợp tác kinh doanh là giả tạo, các bên không quan tâm đến quyền lợi trong hợp đồng, không có ý thức tôn trọng hợp đồng... Theo biên bản thanh lý, bị cáo Hiển thanh toán 100 tỷ đồng và đây là cam kết nghĩa vụ tài chính cuối cùng nhưng sau đó anh Thủy vẫn đóng tiếp 26 tỷ đồng để mua nhà đất trên. Bị cáo Liên còn xác nhận anh Thủy đóng tiền thuế trong khi hợp đồng mua bán thể hiện bị cáo Hiển, Liên không phải chịu số tiền này. Do đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh và việc bán nhà là sự sắp đặt của các bị cáo. Việc Viện kiểm sát truy tố hai bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không oan.

Tòa đã tuyên án phạt vợ chồng bị cáo: Lương Thế Hiển 18 năm tù và Nguyễn Thị Liên 8 năm tù về cùng tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 175, Bộ luật Hình sự.

Vụ án đã tuyên và tiếp tục được mở rộng điều tra bởi còn nhiều tranh chấp và mâu thuẫn xung quanh ông Nguyễn Thanh Thủy và Lương Thế Hiển. Âu cũng là sự trả giá đắt của một cán bộ nhà nước khi lòng tham che mờ lí trí. Đây cũng là bài học cho các đại gia gom đất vàng "lòng vòng" với những "âm mưu" và thủ đoạn khó che giấu.

Bị hại làm giả bản cam kết

Trong quá trình giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Thanh Thủy làm giả bản cam kết ký tên ông Hiển thể hiện việc ông Hiển thừa nhận đứng tên mua hộ nhà đất chứ không chuyển, nhận tiền hợp tác kinh doanh. Bản cam kết giả này được ông Thủy nộp cho cơ quan điều tra. Công an Hà Nội cho rằng việc ông Thủy làm giả bản cam kết không làm thay đổi bản chất vụ án và đã tách hành vi này ra chuyển cho văn phòng cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết. Tại phiên xử, liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ của anh Thủy, tòa án cho biết cơ quan tố tụng đã hoàn tất cáo trạng, chờ ngày xét xử.

Kim Sa

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文