Chuyên gia Mỹ thừa nhận tên lửa Kinzhal Nga là "độc nhất vô nhị"
- MiG-31 trở thành “pháo đài bay” dành cho hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal
- Máy bay chiến đấu MiG-31 bắn thử thành công tên lửa siêu thanh Kinzhal
- Nga bắt đầu cho tên lửa siêu thanh Kinzhal thực hiện nhiệm vụ chiến đấu
Tạp chí National Interest mới đây cho đăng tải bài viết của chuyên gia quân sự hàng đầu Dave Majumdar, theo đó ông Majumdar cho rằng hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga thực sự là vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới.
Tên lửa Kinzhal được lắp đặt trên tiêm kích MiG-31 của Nga. Ảnh: ITN |
"Hiện chưa có nước nào trên thế giới sở hữu một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm, vì vậy Moscow đã đúng khi tuyên bố rằng ngoài Kinzhal của Nga ra thì không có thứ vũ khí nào tương tự như thế", ông Majumdar nhận định.
Theo chuyên gia quân sự Mỹ, tên lửa "Kinzhal" được chế tạo dựa trên tên lửa Iskander. Đây là loại tên lửa cũng từng được National Interest nhận định là sẽ "vô đối" đến năm 2025 nhờ khả năng tàng hình, cơ động trong quá trình bay và bay với quỹ đạo không thể dự đoán trước. Bởi vậy, Kinzhal khả năng cao đã khắc phục được các nhược điểm của Iskander, trong khi các ưu điểm lại được tăng cường.
Được nhắc đến công khai lần đầu tiên trong công bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp liên bang hôm 1-3, tên lửa Kinzhal đã khiến cả thế giới chấn động khi được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường cùng năng lực "thâm nhập và đánh bại tất cả các hệ thống phòng không hiện có và trong trong tương lai".
Tên lửa Kinzhal được cho là có nhiều điểm tương đồng với Iskander. Ảnh: ITN |
Trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng Phát xít hôm 9-5, loại tên lửa này đã xuất hiện cùng với MiG-31K của Nga - thế hệ tiêm kích được tối ưu hóa cho việc vận chuyển tên lửa cực nặng, nó cũng có tốc độ cao nên rất phù hợp để triển khai tên lửa Kinzhal.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, khi được phóng đi từ MiG-31K ở độ cao hơn 10 km, Kinzhal có thể đạt tốc độ hơn 10 lần vận tốc âm thanh. Nhờ hệ thống điều khiển khí động học, "Kinzhal" có thể cơ động và vượt qua các khu vực nguy hiểm. Tổ hợp tên lửa có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách khoảng 2000km, vượt quá tầm bắn của hệ thống phòng không địch.
Chính Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), tướng John Hyten, khi được hỏi về khả năng phòng thủ chống vũ khí siêu vượt âm của Mỹ, cũng từng thừa nhận Washington không có phương tiện phòng thủ nào có thể đánh chặn tên lửa Kinzhal.
"Chúng tôi không có biện pháp phòng thủ nào có thể chống lại đợt tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm. Điều này có nghĩa là Mỹ chỉ có thể dựa vào khả năng răn đe để đối phó với loại vũ khí này", ông John Hyten phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 20-3, theo CNBC.
Hiện tại, theo CNN, Lầu Năm Góc đang tìm cách đảm bảo hệ thống phòng thủ tên lửa của họ theo kịp tốc độ phát triển của tên lửa Nga. Tuy nhiên, vì các thế hệ tên lửa này cũng được nâng cấp liên tục, Washington có thể mất tới hàng chục năm mà vẫn không thể tìm ra giải pháp đánh chặn hữu hiệu.