Cục diện chiến tranh ở Syria thay đổi vì hệ thống S-300PM của Nga?`

09:25 10/10/2018
Hôm 8-10, 4 hệ thống tên lửa phòng không S-300PM của Nga đã được đưa tới Syria, chỉ hai tuần sau khi một máy bay trinh sát của Nga bị bắn hạ tại đây. Động thái này của chính quyền Moscow đang khiến Mỹ và Israel lo ngại. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu cục diện cuộc chiến ở Syria có thay đổi?


Hãng tin Tass của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao quân sự cho biết, hệ thống tên lửa phòng không S-300PM của Nga được cung cấp miễn phí cho Syria. 

"Vào ngày 1-10, 4 bộ của hệ thống S-300PM gồm 8 bệ phóng đã xuất phát từ Nga tới Syria. Hệ thống tên lửa phòng không này trước đây đã được triển khai tại một trong những trung đoàn vũ trụ của Nga. Sau khi trung đoàn này chuyển sang sử dụng hệ thống S-400 Triumf thì 4 bộ này đã được đưa đi sửa chữa tại các doanh nghiệp quốc phòng của Nga. Kết quả kiểm tra kỹ thuật công bố hồi cuối tháng 9 cho thấy, các hệ thống S-300PM này đang trong tình trạng tốt và  có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu", nguồn tin này khẳng định. 

Cũng theo nguồn tin này, ngoài 8 bệ phóng, Nga đã giao hơn 100 đạn tên lửa dẫn dường từ không trung 48H6E dự trữ cho mỗi tiểu đoàn. 

Hãng Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết toàn bộ 4 hệ thống S-300PM đã tới Syria hôm 8-10. 49 thiết bị của các hệ thống này bao gồm bệ phóng, máy định vị và xe điều khiển đã được vận chuyển làm nhiều lần trên máy bay vận tải quân sự An-124 Ruslan có tải trọng 120 tấn. 

Tại một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Sergei Shoigu nói: "Chúng tôi đã hoàn thành việc cung cấp các hệ thống S-300PM cho Syria".

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PM của Nga trở thành cơn ác mộng với mọi thiết bị bay dù là hiện đại nhất. Ảnh: EPA
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng khẳng định, các chuyên gia nước này sẽ hướng dẫn binh sĩ Syria vận hành tên lửa S-300PM trong vòng 3 tháng. Lực lượng phòng không Nga và Syria đặt tại quốc gia Trung Đông cũng sẽ được tích hợp vào chung một hệ thống đơn nhất trước ngày 20-10. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử cung cấp vũ khí cho đồng minh của Moscow.

Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng, hệ thống S-300PM mà Nga vừa chuyển giao cho Syria là biến thể xuất khẩu của S-300PM1. Hãng AP thì dẫn một nguồn tin quân sự Syria cho biết, cách đây 8 năm, tức là vào năm 2010, Syria đã ký một thỏa thuận mua hệ thống S-300 PM. 

Từ năm 2013, khi Syria bắt đầu vướng vào cuộc nội chiến khốc liệt, Nga đã có ý định cung cấp các hệ thống S-300PM cho Syria. Nhưng trải qua 5 năm, việc bàn giao này đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần do các đề nghị khẩn thiết từ phía Israel và các nước phương Tây có hoạt động quân sự tại Trung Đông. 

Hồi tháng 4, sau khi Mỹ cùng đồng minh Anh và Pháp giội hơn 100 tên lửa vào Syria, Nga một lần nữa dọa triển khai S-300 đến Syria, song cuối cùng lại hủy bỏ kế hoạch vì yêu cầu của Tel Aviv và sự phản đối từ phía Mỹ. 

Mọi chuyện có thể sẽ chỉ dừng lại ở đó nếu như không có chuyện chiếc Il-20 của Nga bị trúng ở khoảng cách 35km từ bờ biển Syria khi nó đang trở về căn cứ không quân Hmeimim gần phía Tây Bắc thành phố Latakia hôm 24-9. 

Các cơ quan thông tấn của Nga đưa tin, tại thời điểm chiếc máy bay bị bắn hạ, bốn máy bay phản lực F-16 của Israel đang tấn công vào các cơ sở của Syria. 

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc máy bay phản lực Israel đã sử dụng Il-20 làm bia đỡ đạn và rằng Tel Aviv đã không đưa ra thông báo đầy đủ về vụ tấn công, đẩy máy bay Nga vào đường đạn của hệ thống phòng không Syria.

Sau vụ việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga quyết định cung cấp cho Damascus hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất. Thông báo về việc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu qua điện thoại rằng quyết định tăng cường phòng thủ của Syria là "chủ yếu nhằm ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với cuộc sống của các thành viên quân đội Nga". 

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel vẫn cảnh báo rằng "việc cung cấp hệ thống vũ khí tiên tiến cho Syria sẽ làm tăng nguy cơ nguy hiểm trong khu vực". Khi được hỏi về phản ứng của Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã nói rằng quyết định của Nga sẽ gây ra một "sự leo thang đáng kể" trong cuộc nội chiến Syria và kêu gọi Moscow xem xét lại.

Vậy hệ thống S-300PM của Nga có những tính năng ưu việt như thế nào khiến Mỹ và nhiều nước đồng minh quan ngại đến vậy. Tờ Moscow Times đưa tin, S-300PM là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại do Nga sản xuất, có khả năng áp chế và tiêu diệt hầu hết các loại chiến đấu cơ và tên lửa hành trình hiện có trên thế giới. 

Theo tạp chí Janes, mỗi hệ thống S-300 tiêu chuẩn có thể đồng thời theo dõi đến 120 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó, tùy theo loại mục tiêu và số bệ phóng mà nó được tích hợp. Ở những phiên bản S-300PMU1/2, khả năng của radar được tăng cường, giúp nó theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm. 

S-300PM được trang bị cùng lúc nhiều loại radar tối tân, bao gồm đài radar trinh sát tầm xa như 64N6E, 96L6E và 36D6, giúp phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km; radar trinh sát độ cao thấp 76N6; radar điều khiển hỏa lực 30N6E sử dụng để dẫn đường điều khiển với radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. 

Để tiến hành một đòn tấn công, các radar giám sát tầm xa trên S-300PM sẽ xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích. Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy gửi lệnh bắn tới radar điều khiển hỏa lực. Ngay sau đó, các xe phóng ở tình trạng sẵn sàng, với khoảng cách đến mục tiêu phù hợp nhất sẽ nhận lệnh khai hỏa tên lửa vào mục tiêu. 

Trong trường hợp mục tiêu là các máy bay hiện đại bậc nhất thế giới, các tổ hợp S-300 có thể tấn công mục tiêu bằng cách phóng liên tiếp 2 tên lửa để gia tăng độ chính xác. Tên lửa đầu tiên sẽ được phóng bởi trắc thủ, trong khi tên lửa thứ 2 sẽ được máy tính phóng tự động...

Các chuyên gia quân sự nhận định, các hệ thống S-300PM khi được triển khai ở bất cứ đâu, đều trở thành cơn ác mộng với mọi thiết bị bay dù là hiện đại nhất. Vì vậy, với hệ thống S-300PM do Nga tặng, Tổng thống Bashar al-Assad tăng cường sức mạnh phòng không để chống lại các đòn không kích từ bên ngoài, thậm chí thay đổi cán cân về năng lực phòng thủ trong khu vực.

Gia Nam

Ngày 6/11, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà xảy ra tại căn nhà trong hẻm 136 đường Bạch Đằng, phường 5, TP Vũng Tàu, làm 2 cháu nhỏ tử vong.

Thảm họa về ma túy quá khủng khiếp và nguy cơ hiện hữu về vấn nạn này luôn chực chờ cả bên trong và bên ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam. Dù đã có nhiều kết quả song công tác quản lý, giảm nguồn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn phần lớn do vướng cơ chế. Chính vì vậy, yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hơn nữa các cấp độ phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới đặt ra hết sức cấp thiết.

Sau thời gian nỗ lực giải cứu, lực lượng cứu nạn đã đưa được anh Phùng Đình Dự (SN 1988; trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội) là chủ phương tiện bị tai nạn ra khỏi cabin; phối hợp với Trung tâm y tế và Công an xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) tiến hành sơ cấp cứu và di chuyển nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Các điểm bầu cử nhỏ ở một số hạt thuộc bang Indiana và Kentucky là những nơi đầu tiên kết thúc bỏ phiếu trên toàn quốc vào 18h ngày 5/11 (giờ địa phương). Những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ sớm xuất hiện.

Những dòng người nối dài không dứt trên đường làng Lại Đà từ sớm tới đêm khuya đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; những giọt nước mắt tiếc thương, câu nói nghẹn ngào,... Đó là những hình ảnh không thể quên với nhóm phóng viên chúng tôi khi tác nghiệp tại Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư, người con ưu tú của quê hương Lại Đà. Khi thực hiện nhiệm vụ của những phóng viên tại Lại Đà, chúng tôi cảm nhận được tình người ấm áp, tình nước, tình dân...

Đằng sau thành công rực rỡ, các hoạt động của nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Temu đang khiến giới chức châu Âu, Mỹ lo ngại. Và cuộc điều tra chính thức đã được mở ra ở châu Âu trong bối cảnh có nhiều báo cáo về việc trang web mua sắm của Trung Quốc vi phạm Đạo luật dịch vụ số.

Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp các tỉnh thành ở miền Bắc khiến nền nhiệt hạ nhanh cùng với đó là mưa dông diễn ra ở nhiều nơi, trời lạnh.

Hàng triệu cử tri Mỹ ngày 5/11 (giờ địa phương) đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ sở cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn ra vị tân Tổng thống để dẫn dắt đất nước trong 4 năm tới. Tâm điểm của mùa bầu cử năm nay, được đánh giá đầy kịch tính và khó đoán định khi cuộc chạy đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa ngày càng nóng.

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文