Những "át chủ bài" của Nga giúp Syria bẻ gãy tên lửa Mỹ
- Tàu trinh sát Nga đến Địa Trung Hải giúp Syria đánh chặn tên lửa
- Nga-Syria dội bão lửa lên đầu khủng bố ở Idlib
- Nga tố cáo máy bay Mỹ ném bom hóa học xuống thị trấn Syria
Cách đây gần 5 tháng, rạng sáng 14-4, Mỹ phối hợp với hai đồng minh Anh và Pháp đã khiến cả thế giới “sững người” khi tuyên bố phóng hơn 100 tên lửa nhằm vào một loạt mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hoá học của chính quyền Syria ở thủ đô Damascus và tỉnh Homs.
Tên lửa Syria lao lên không trung đánh chặn tên lửa Mỹ. Ảnh: AP |
Bất chấp việc chưa có cuộc điều tra nào được tiến hành, Mỹ khăng khăng Syria tấn công hóa học dân thường ở gần thủ đô Damascus và lập tức tiến hành không kích từ cả trên biển, trên không…
Tuy nhiên, điều đáng nói là đòn tấn công "hội đồng" do phương Tây tiến hành không mấy thành công, khi hệ thống phòng không của Syria đã đánh chặn 71/103 quả tên lửa do liên quân bắn đi. Syria chỉ mất một trung tâm nghiên cứu vốn đã được sơ tán từ lâu, 2 khu vực nghiên cứu dân sự không được bảo vệ và 3 dân thường khác bị thương do mảnh văng tên lửa.
Theo giới quan sát, kết quả này có được một phần không nhỏ nhờ sự giúp đỡ của Nga, quốc gia đang hiện diện dày đặc ở Syria và hỗ trợ Damascus đắc lực trong cuộc chiến chống lại các tay súng cực đoan.
Dàn tàu trinh sát cực hiện đại của Nga luôn "lởn vởn" ngoài khơi Syria. Ảnh: ITN |
Các chuyên gia cho biết, Nga trong vụ không kích nói trên đã không "ra tay" đánh chặn tên lửa Mỹ để tránh xung đột trực diện với Washington mà khéo léo áp dụng một loạt biện pháp để giúp Syria tăng cường năng lực phòng thủ, giúp Damacus đánh chặn tên lửa, đứng vững trước đòn tấn công.
Từ khi tham chiến ở Syria, Nga chưa từng giấu giếm chuyện giúp đỡ Damascus khôi phục các hệ thống phòng không. Các hệ thống tên lửa đời cũ như Buk-M2, Kvadrat và S-200 Vega nằm “lăn lóc” trong kho đã được các chuyên gia của Moscow phục hồi gần như mới, đủ sức đánh chặn mục tiêu theo đúng thiết kế của chúng.
Ngoài ra, trong 3 năm hiện diện ở Syria, Moscow cũng chuyển đến đồng minh ở Trung Đông hàng chục hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, trong đó có cả lưới lửa Pantsir-S1 và một số hệ thống tên lửa tầm ngắn, trung khác.
Một hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga. Ảnh: Southfront |
Theo tờ RBTH, một "con át chủ bài" khác của Nga trong việc hỗ trợ Syria chính là các hệ thống radar giám sát, cảnh báo sớm hiện đại. Để bảo vệ cho các căn cứ, Nga đã đưa đến Syria nhiều hệ thống phòng thủ như S-400, S-300, Pantsir-S1 cùng nhiều tàu, thiết bị trinh sát tối tân trên không, trên biển và cả trên bộ.
Radar của các hệ thống này đều có tầm hoạt động tốt, đủ sức theo dõi các thiết bị tấn công, hướng bay và thời điểm xâm nhập lãnh thổ Syria để giúp Damacus tổ chức đánh chặn hiệu quả.
Gần đây, trong bối cảnh Mỹ lại tiếp tục cáo buộc Syria sắp tấn công hóa học, Nga lại một lần nữa điều thêm hàng chục tàu chiến, tàu trinh sát và các hệ thống vũ khí tối tân đến Syria. Các chuyên gia cho rằng, Moscow chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc nếu Washington cùng đồng mình quyết tấn công Syria chỉ với các cáo buộc “suông”.