S-300 Nga có gì mà khiến Mỹ, Israel kinh hãi?
- Mỹ không tin S-300 đã đến Syria, Nga lập tức tung video dằn mặt
- (NÓNG) Syria đưa tên lửa S-300 vào trực chiến
- Nga bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Syria
Hai tuần sau khi cáo buộc Israel cố tình đánh lừa Nga và gián tiếp gây ra vụ bắn rơi trinh sát cơ Il-20 trên bầu trời Địa Trung Hải, Moscow mới đây tuyên bố đã hoàn tất việc bàn giao 4 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria.
Cận cảnh quá trình bốc dỡ S-300 cho Syria. Video: RT |
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, các chuyên gia Nga sẽ hướng dẫn binh sĩ Syria vận hành tên lửa S-300 trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, lực lượng phòng không Nga và Syria đặt tại quốc gia Trung Đông sẽ được tích hợp vào chung một hệ thống đơn nhất trước ngày 20-10, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử cung cấp vũ khí cho đồng minh của Moscow.
Nga ban đầu định cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria từ năm 2013, khi quốc gia Trung Đông mới vướng vào cuộc nội chiến khốc liệt, nơi các nhóm phiến quân thân phương Tây liên tục biến tướng và hợp lực với các tay súng khủng bố chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Việc bàn giao sau đó đã được hoãn lại nhiều lần do đề nghị khẩn thiết từ phía Israel và các nước phương Tây có hoạt động quân sự tại Trung Đông. Hồi tháng 4, sau khi Mỹ cùng đồng minh Anh và Pháp dội hơn 100 tên lửa vào Syria, Nga một lần nữa dọa triển khai S-300 đến Syria, song cuối cùng lại hủy bỏ kế hoạch vì yêu cầu của Tel Aviv và sự phản đối từ phía Mỹ.
Tên lửa S-300 khai hỏa vào mục tiêu. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, lần này, với việc 15 quân nhân Nga bỏ mạng do lỗi của Israel. Nga không những bàn giao cho Syria 4 hệ thống S-300 mà còn giúp lực lượng phòng không của Damascus vô hiệu hoàn toàn hệ thống định vị bằng vệ tinh, hệ thống radar và thông tin liên lạc của các máy bay chiến đấu trên Địa Trung Hải.
RT cho biết, sở dĩ Israel và Mỹ lo ngại sự xuất hiện của S-300 ở Syria là bởi hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại do Nga sản xuất này có khả năng áp chế và tiêu diệt hầu hết các loại chiến đấu cơ và tên lửa hành trình hiện có trên thế giới.
S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, được triển khai lần đầu tiên dưới thời Liên Xô vào năm 1979, để bảo vệ các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận của nước này phòng thủ trước những cuộc không kích từ kẻ thù.
Mô hình một tổ hợp S-300 tiêu chuẩn. Ảnh: BBC |
S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
Theo tạp chí Janes, mỗi hệ thống S-300 tiêu chuẩn có thể đồng thời theo dõi đến 120 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó, tùy theo loại mục tiêu và số bệ phóng mà nó được tích hợp. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 mới ra mắt, khả năng của radar được tăng cường, giúp nó theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
Cụ thể, ở các phiên bản hiện tại, S-300 được trang bị cùng lúc nhiều loại radar tối tân, bao gồm đài radar trinh sát tầm xa như 64N6E, 96L6E và 36D6, giúp phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km; radar trinh sát độ cao thấp 76N6; radar điều khiển hỏa lực 30N6E sử dụng để dẫn đường điều khiển với radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối.
Đài radar 76N6 của một tổ hợp S-300. Ảnh: ITN |
Để tiến hành một đòn tấn công, các radar giám sát tầm xa trên S-300 sẽ xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích. Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy gửi lệnh bắn tới radar điều khiển hỏa lực. Ngay sau đó, các xe phóng ở tình trạng sẵn sàng, với khoảng cách đến mục tiêu phù hợp nhất sẽ nhận lệnh khai hỏa tên lửa vào mục tiêu.
Trong trường hợp mục tiêu là các máy bay hiện đại bậc nhất thế giới, các tổ hợp S-300 có thể tấn công mục tiêu bằng cách phóng liên tiếp 2 tên lửa để gia tăng độ chính xác. Tên lửa đầu tiên sẽ được phóng bởi trắc thủ, trong khi tên lửa thứ 2 sẽ được máy tính phóng tự động.
Các chuyên gia quân sự cho biết, trong trường hợp các hệ thống S-300 được triển khai ở bất cứ đâu, nó sẽ đều trở thành cơn ác mộng với mọi thiết bị bay dù là hiện đại nhất. “Nó là một con quái vật mà không ai muốn lại gần",Daily Beast dẫn lời một phi công thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ từng bình luận về hệ thống tên lửa Nga.