Những người khuyết tật vượt qua số phận
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà Trần Thị Gái (59 tuổi) nằm sâu trong con hẻm ở tổ dân phố 5, thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Sáng sớm, khi gà cất tiếng gáy cũng là lúc bà Gái thức dậy lần mò vo gạo nấu cơm cho người chồng đang mắc bạo bệnh, sau đó đến Hội người mù thị xã Hương Thủy để làm công việc lao động thường ngày.
Tại chỗ làm việc quen thuộc của mình, dù mắt không nhìn thấy gì nhưng đôi tay bà Gái vẫn thoăn thoắt tách từng nắm nhỏ xơ dừa cho vào những lỗ được khoan trên thân tre, rồi dùng dây cước kết chặt để hoàn thiện công đoạn bện chổi xơ dừa. Bà Gái nói: “Làm miết rồi thành quen chứ những buổi đầu mới tập làm, do không nhìn thấy nên 2 bàn tay bị tre cứa chảy máu là chuyện thường”.
Bà Trần Thị Gái (góc trái) và nhiều người mù ở Huế nỗ lực vượt lên số phận với nghề sản xuất thủ công. |
Nghe bà Gái tâm sự, chúng tôi mới càng thấu hiểu gia cảnh ngặt nghèo của người phụ nữ có số phận kém may mắn nhưng lại giàu nghị lực này. Vì hoàn cảnh khó khăn, bà Gái mưu sinh bằng nghề bốc vác cho một cơ sở vật liệu xây dựng, còn chồng bà (ông Hồ Thanh, 59 tuổi) làm công nhân cầu đường.
Cách đây 22 năm, do không may bị TNGT nên ông Thanh dần bị mất trí nhớ, tâm trí lúc tỉnh lúc mê; còn bà Gái mắc bệnh mắt nhưng vì không có tiền phẫu thuật dẫn đến bị mù. Từ một người bình thường bỗng dưng phải sống trong bóng tối, bà Gái bị sốc nặng và trầm cảm.
Nhiều lần nghĩ đến chuyện tự vẫn nhưng vì thương người chồng bạo bệnh và con trai đang tuổi cắp sách đến trường nên bà quyết tâm học nghề để kiếm thu nhập hằng tháng nuôi chồng, con…
Trong quãng thời gian trò chuyện về gia cảnh của mình, bà Gái chỉ nở nụ cười khi nhắc đến cậu con trai Hồ Văn Hiếu đang là sinh viên năm cuối khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Huế. Bà Gái chia sẻ niềm vui: “Thằng Hiếu là con trai duy nhất của vợ chồng tôi nên dù bản thân bị mù, gia đình là hộ nghèo thì tôi vẫn cố chắt bóp và vay mượn tiền bạc để cho con ăn học”.
Cùng chung số phận, hơn 30 năm qua, ông Đặng Ngọc Linh (50 tuổi, trú ở tổ 4, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) phải chấp nhận sống trong bóng tối vì 2 mắt bị mù sau một vụ tai nạn lao động.
Mặc dù khiếm khuyết về thị giác nhưng nhiều năm qua, ông Linh đã cùng vợ là bà Võ Thị Nghĩa làm 1,2 mẫu ruộng và học thêm nghề thủ công để tăng thu nhập, kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Ông Linh cho biết: “Sau khi bị mù, tôi xin vào Hội Người mù thị xã Hương Thủy và được các cán bộ của hội giúp đỡ tận tình bằng cách chỉ dạy việc làm hương trầm, làm chổi xơ dừa. Dù thu nhập còn hạn chế nhưng bản thân mình lại cảm thấy tự tin, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Đến nay, nhờ nghị lực vượt lên số phận mà vợ chồng ông Linh nuôi được 5 người con ăn học, trong đó có một người con trai hiện đang là giảng viên Trường ĐH Y Dược Huế và người con út đang học năm thứ 5 tại ngôi trường này...
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, dù gia cảnh rất khó khăn, bản thân không may khiếm khuyết khi mù đôi mắt nhưng bà Gái, ông Linh và nhiều trường hợp khác đã sống rất nghị lực, trở thành tấm gương sáng cho nhiều người noi theo.
“Ngoài động viên tinh thần, chúng tôi đã tổ chức mở nhiều lớp dạy nghề như làm tăm tre, hương trầm, chổi xơ dừa, massage... để giúp những người khiếm thị học nghề.
Nhờ đó, họ có công việc làm, thu nhập ổn định, không chỉ nuôi sống bản thân, gia đình mà còn lo cho con cái học hành thành đạt...”, ông Lộc khẳng định.