Nơi tái sinh những mảnh đời bất hạnh

13:54 23/02/2016
Hơn hai mươi năm trôi qua, ngôi chùa Thịnh Đại (xã Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam) trở thành tổ ấm cho những mảnh đời bất bạnh. Đại đức Thích Việt Hòa trong màu áo nâu sồng ầu ơ ru "con" ngủ là hình ảnh trở nên quá đỗi thân quen ở nơi sáng mõ, chiều chuông này. 


Dù nhọc nhằn vất vả nhưng "người cha" nơi cửa thiền ấy luôn ngập tràn hạnh phúc khi nhìn lũ trẻ ngày một khôn lớn thành đạt.

Ghép lại những mảnh đời

Chúng tôi trở lại thăm ngôi chùa Thịnh Đại vào một ngày cuối đông, ráng chiều chạng vạng, tiếng chuông chùa xa xa khiến cảnh vật ở đây thật yên ả. Tiếng trẻ nô đùa, ê a, chốc lại có tiếng trẻ sơ sinh khóc ré lên nhưng chẳng làm mất đi vẻ thanh tịnh nơi cửa phật. Người cha áo nâu sồng hiện lên thật đẹp giữa đời thực đầy gian truân.

Các em nhỏ ở đây được ăn uống và đến trường rất đầy đủ.

Đại đức Thích Việt Hòa, người trụ trì ngôi chùa cổ kính, khi thì bón cơm cho con, lúc lại vỗ về từng miếng sữa, có khi lại ầu ơ ru các con ngủ. Trong những lúc khó khăn ấy, đại đức Thích Việt Hòa lại tự nhủ, đời đã mang đến cho mình những đứa trẻ mồ côi, âu cũng là duyên phận.

Sư thầy Thích Việt Hòa, sinh ra ở một xã nghèo thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định. Nhà đông anh chị em, chẳng hiểu lý do gì ngay từ khi còn nhỏ, thầy Hòa bị chính cha mẹ mình hắt hủi, sống thiếu tình yêu thương gia đình. Có căn duyên với cửa Phật, thầy phát nguyện xuất gia tu theo sư thầy ở ngôi chùa gần nhà từ khi 13 tuổi. Rồi đến 19 tuổi, thầy được sư cụ chùa Thịnh Đại nhận về nuôi học. Và từ đó thầy bắt đầu cuộc đời "làm cha" của mình.

Dù nhọc nhằn vất vả nhưng người "cha" nơi cửa thiền ấy luôn ngập tràn hạnh phúc.

Vào một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp liên hồi, tụng kinh niệm phật xong, vừa buông màn đi ngủ, thầy Hòa bỗng giật mình bừng tỉnh. Dù ngoài trời sấm chớp đùng đùng nhưng tiếng trẻ khóc vọng về rõ mồn một. Vội vã soi đèn khắp chùa nhưng không thấy gì, thầy nghĩ mình đang mơ.

Chuẩn bị bước vào thì lại nghe tiếng "oe oe" cất lên, soi đèn về phía cổng thầy Hòa như không tin vào mắt mình… một đứa bé quấn trong manh áo mỏng, đỏ hỏn. Thầy vội vã ôm đứa bé vào nhà sưởi ấm. Mới chỉ là một cậu thanh niên 20 tuổi, lại sống trong chùa từ nhỏ, phải đối mặt với tình huống này, thầy Hòa thực sự rất cuống.

Thế rồi bản năng con người mách bảo, thầy Hòa vội vã mặc áo mưa, ôm đứa bé đi khắp làng trên xóm dưới tìm người mới sinh con để xin sữa. Sau cái lần đi xin sữa ấy, nhiều kẻ độc miệng đã buông lời đơm đặt, rằng đó là con đẻ của thầy, rằng thầy chẳng ra gì…

Bỏ qua những lời đàm tiếu ngoài tai, thầy Hòa dốc lòng chăm sóc đứa nhỏ bằng trách nhiệm và lòng thương yêu của mình. Tình yêu thương, sự nhân ái thầy có thừa, nhưng để chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh vài ngày tuổi lúc này như một sự thách đố khó vượt qua. Đứa nhỏ thiếu sữa, thiếu hơi ấm của mẹ nên ốm đau liên miên.

Nhưng rồi mọi sự cũng qua, sư thầy đã quen dần với những việc không phải dành cho mình. Động lực duy nhất với thầy lúc này là nụ cười nở trên môi con trẻ. Thế là từ đó, một đứa, hai đứa, ba đứa rồi cả chục đứa trẻ bất hạnh tìm đến nơi này. Dù quen dần với việc làm mẹ, nhưng nỗi nhọc nhằn chẳng gì đong đếm nổi. Những đứa trẻ nay ốm mai đau, rồi lấy gì nuôi chúng?

Thầy Hòa kể: "Những ngày khó khăn, tôi còn phải vào nhà dân xin từng bơ gạo tấm về nấu cháo nuôi các cháu. Cũng may mắn là nhiều người hiểu nên giúp đỡ tôi rất nhiều. Mọi khó khăn dần dần cũng qua đi khi các cháu lớn lên".

Thầy Hòa còn nhớ như in cái ngày có tới 2 cháu nhỏ sơ sinh cách nhau chưa đầy một tháng được đưa về chùa, cả hai đều sốt, ly bì vì suy kiệt. Vậy là ba "cha con" bồng bế nhau lên bệnh viện huyện. Cả bệnh viện, các bác sĩ đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người cha mặc áo nâu sồng, ôm  những đứa con khóc ngặt. Thầy Hòa gầy hẳn đi, mắt thâm quầng không ngủ vì lo cho lũ trẻ.

Trời lạnh như cắt da thịt, đã 28-29 Tết mà thầy vẫn vật lộn với bọn trẻ ở bệnh viện. "Tôi chẳng thể quên những tháng ngày gian truân đó, cũng may mọi người thương cảm nên đã chung tay giúp đỡ tôi. Nhớ lại mà nước mắt muốn rơi" - thầy Hòa xúc động kể lại.

Những đứa trẻ lần lượt được thầy nhận về nuôi từ khi mới sinh ra vài ngày do phật tử mang về hoặc thầy lên tận bệnh viện đón. Như trường hợp của bé Trần Việt Hùng cũng rất đặc biệt. Vào khoảng tháng 7-2005, khi thầy cùng các phật tử làm lễ tại chùa thì có điện thoại từ Hà Nội gọi xuống thông báo có một bé trai bị bỏ rơi trước cửa Bệnh viện Bạch Mai.

Không cân nhắc nhiều, thầy Hòa bỏ tất việc lễ, vội vã bắt xe lên Hà Nội, làm thủ tục xin cháu về nuôi. Thầy tiết lộ, Việt Hùng là con của một người mẹ nhí, mới 16 tuổi bỏ lại. Rồi trường hợp của bé Việt Anh (14 tháng tuổi), được đón về từ Bệnh viện Nam Định; cháu Hải Anh (13 tháng tuổi) được đón mãi tận Tuyên Quang…

Tất cả những đứa trẻ được sư thầy Thích Việt Hòa nhận làm con nuôi đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Nhưng trong số ấy, thầy Hòa luôn bị ám ảnh và xót xa hơn cả là bé Hà Anh (biệt danh chín lạng). Sư thầy kể lại: "Người ta bỏ Hà Anh trong một cái thùng mì tôm ở Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó Hà Anh chỉ nặng có 9 lạng, trông như một con mèo con nằm thở thoi thóp.

Sau khi được phát hiện, Hà Anh được đưa vào nuôi trong lồng kính. Cháu ốm thập tử nhất sinh, thấy vậy tôi mới về chùa phát nguyện xin nhận mọi bệnh tật thay cháu. Bởi vì cháu sinh ra trong cõi đời này ngoài tôi ra không có ai khác là người thân thiết. Phật pháp thật sự đã nhiệm màu, ngày Hà Anh được xuất viện là ngày tôi bắt đầu ốm. Tôi bị ốm mất đúng một tháng tròn, ốm nằm liệt giường luôn".

Giờ Hà Anh đã bước qua tuổi thứ 5, thông minh, linh hoạt. Mỗi khi từ lớp mẫu giáo đi học về đều sà vào lòng thầy và nói, "con yêu thầy nhất trên đời". Với sư thầy Thích Việt Hòa, đó chính là niềm hạnh phúc. Thầy có thể đánh đổi cả đời vất vả, gian nan chỉ để được chứng kiến sự lớn khôn của những đứa trẻ bất hạnh, được sinh ra trên cõi đời này nhưng lại bị chính những người thân yêu rũ bỏ.

Trái ngọt từ cửa thiền

Việc thu nhận những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xưa nay không phải là hiếm, nhưng tự tay chăm sóc từ cái ăn, cái ngủ, tắm rửa, ốm đau cho cả mấy chục đứa trẻ thì quả là đặc biệt. Nhiều người ái ngại đặt câu hỏi: Một vị tu hành chỉ quen với gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật liệu có nuôi nổi những đứa trẻ không?

Dù mỗi em có một hoàn cảnh đặc biệt nhưng ở chùa, các em luôn yêu thương nhau hết mực.

Vậy mà những đứa trẻ được thầy chăm sóc đều khôn lớn khỏe mạnh. Đại đức Thích Việt Hòa đứng lên làm giấy khai sinh, hộ khẩu để các em được đến trường, được như bao đứa nhỏ khác. Hơn hai mươi năm nay thầy Hòa đã cưu mang hơn 100 đứa trẻ. Đó là những đứa trẻ có số phận khác nhau, được nhận từ khắp các vùng miền: Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La… để rồi chúng lớn lên trong tình yêu thương dạy bảo của thầy.

Chẳng có niềm vui sướng nào hơn khi những đứa trẻ ngày nào bị bỏ rơi nay đã khôn lớn, trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Như anh Linh hiện đứng trong hàng ngũ Công an tỉnh Hà Nam, hay anh Phạm Văn Túy đang làm việc tại một bệnh viện trên Hà Nội. Người thì trở thành phóng viên tại truyền hình kỹ thuật số VTC, có cả những người đã học xong thạc sĩ và được nhận làm giảng viên tại Học viện An ninh nhân dân.

Rồi còn hàng chục em đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Không những vậy, một số em khác cũng được học nghề, làm công nhân trong các công ty xí nghiệp. Cứ đến ngày nghỉ, lễ Tết, các con đang học ở Hà Nội, những người đã lập gia đình hay công tác xa đều về thăm thầy. Họ luôn nói với thầy rằng, nếu không có thầy thì chúng đã không có được ngày hôm nay. Và chính thầy mới là người tái sinh ra họ.

Với những nghĩa cử cao đẹp, đại đức Thích Việt Hòa nhận được nhiều bằng khen, huy chương: Huy chương vì sự nghiệp khuyến học của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và nhiều giấy khen của UBND xã, huyện, tỉnh, Công an tỉnh Hà Nam, Hội Phật giáo Việt Nam…

Ông Dương Văn Minh, Bí thư xã Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam cho biết:

"Khi nhà chùa báo cáo muốn nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi thì phía chính quyền rất tạo điều kiện, muốn làm sao cho các cháu có đầy đủ thủ tục hành chính để có thể đi tới trường, lớp. Việc làm thiện nguyện này của sư thầy Thích Việt Hòa đã diễn ra từ nhiều năm nay. Những đứa trẻ được thầy Hòa nhận nuôi ước tính tới cả trăm người. Có những đứa trẻ giờ đã lớn, đã đi học cao đẳng, đại học và có những công ăn việc làm ổn định. Việc làm này của thầy Hòa thực sự rất đáng được khích lệ".


Phong Anh

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文