Vợ chồng cựu binh tảo tần nuôi đàn con bị phơi nhiễm chất độc dioxin
- Vợ chồng cựu binh nuôi 3 con dị tật do nhiễm chất độc da cam
- Nghị lực của người mẹ nuôi 2 con nhiễm chất độc da cam
- Một gia đình 3 thế hệ bị nhiễm chất độc da cam
Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, năm 20 tuổi, ông Phước đã thoát ly gia nhập lực lượng vũ trang Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế). Trong chiến tranh, ông cùng đồng đội hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau, như A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy. Đến năm 1968, ông bị địch bắt và giam cầm tại nhà tù đảo Phú Quốc đến tháng 3-1973 mới được thả.
Sau khi được tự do, ông lại tham gia vào lực lượng Quân khu 4 tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Đất nước giải phóng, ông trở về quê, xây dựng hạnh phúc với bà Phan Thị Nguyệt, một nữ du kích năm xưa. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc sẽ đến với đôi vợ chồng một thời binh lửa nhưng nào ngờ không lâu sau đó, ông Phước và bà Nguyệt phải gánh chịu cơn bĩ cực do chất độc da cam mang lại.
Hớp chén trà nguội, ông Phước rưng rưng kể: “Sau ngày cưới, vợ chồng tui lần lượt sinh hạ được 5 người con. Tuy nhiên, chỉ người con gái đầu Nguyễn Thị Hằng may mắn có sức khỏe ổn định, không bệnh tật. Bốn người con trai gồm: Nguyễn Thanh Hưng (39 tuổi), Nguyễn Thanh Trường (37 tuổi), Nguyễn Thanh Trung (33 tuổi) và Nguyễn Thanh Quốc (25 tuổi) từ lúc lọt lòng đã bị phơi nhiễm chất độc da cam”.
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Phước. |
Lúc chúng tôi đến, các con trai của ông Phước đều nằm ngồi vạ vật trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé, xây mặt ra sông Như Ý. Vừa đặt chiếc giỏ xách đi chợ về, bà Nguyệt lao vào nhà để xoa bóp chân tay, dỗ dành cho các con trai uống thuốc.
“Chúng khôn lớn cả rồi nhưng giờ vẫn như trẻ lên 5 chú ơi. Đáng thương nhất là thằng Hưng, đến năm 10 tuổi nó mới biết đi. Thương con, vợ chồng tôi bòn mót ít tiền đưa con vào Bệnh viện Trung ương Huế khám thì được các bác sĩ chẩn đoán là bị phơi nhiễm chất độc dioxin. 3 đứa sau cũng vậy, đều bị thiểu năng trí tuệ, mọi sinh hoạt, ăn uống phải có người thân giúp đỡ”, người mẹ sắp bước sang tuổi 70 đôi mắt ngấn lệ trải lòng.
Mặc dù cuộc sống vất vả, khó nhọc khi các con sinh ra đều bệnh tật, song vợ chồng ông Phước, bà Nguyệt luôn nỗ lực làm việc để lo miếng cơm manh áo cho các con. Đặc biệt nhiều năm qua, vợ chồng ông Phước còn có hành động cao đẹp, cứu được nhiều người không may gặp tai nạn đuối nước trên sông Như Ý.
Mới đây, trưa 15-12, em Nguyễn Thị Thúy Hằng (19 tuổi, ngụ thôn Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Y tế Huế) trên đường đi học về nhà bằng xe máy, khi đến trước nghĩa trang liệt sĩ xã Thủy Thanh thì bị nước lũ chảy xiết cuốn người và xe máy xuống sông. Nghe tiếng kêu cứu thất thanh, ông Phước từ trong nhà lao ra giữa dòng nước để cứu người.
Ông kể: “Thấy cháu Hằng chới với giữa dòng nước lũ chảy cuồn cuộn và sắp bị chìm tui liền bơi ra ứng cứu. Tuy nhiên, do nước chảy xiết nên sau 4 lần đẩy cháu vào bờ bất thành, tui bị chuột rút và kiệt sức, may lúc đó vợ tui cùng mấy thanh niên trong thôn chèo ghe ra giúp sức mới cứu được cháu Hằng đưa lên bờ an toàn”.
Bà con thôn Thanh Tuyền vẫn còn nhớ, trong cơn lũ năm 1999, vợ chồng ông Phước cứu một lúc 4 thanh niên bị đuối nước và những năm sau đó, còn cứu được nhiều người không may gặp nạn đuối nước trên sông Như Ý.
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, cho biết: “Gia đình ông Phước vốn thuộc diện khó khăn của xã khi cả 4 người con trai đều bị phơi nhiễm chất độc da cam. Song họ có một tấm lòng nhân ái cao đẹp, mỗi khi nghe tin có người đuối nước, họ đã không ngần ngại ứng cứu nên chính quyền và người dân địa phương rất quý mến và cảm phục”.
Trước hành động dũng cảm cứu người trong lũ của vợ chồng người cựu binh, mới đây ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng ông Phước số tiền 2 triệu đồng. Đồng thời UBND thị xã Hương Thủy và các cấp cũng đang hoàn tất thủ tục để khen thưởng hành động cao đẹp của đôi vợ chồng cựu chiến binh này.