Người lính Thành cổ tri ân đồng đội

10:00 20/12/2016
Sáu năm sau ngày đất nước giải phóng, ông Bình có đủ điều kiện để ở lại TP Huế làm việc, sinh sống. Nhưng ông đã chọn mảnh đất Thành cổ Quảng Trị để quay về, với một mong muốn tột cùng là tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ- những người đồng đội năm xưa cùng ông chiến đấu, hy sinh bảo vệ mảnh đất này trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa - 1972.

Đến Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), hỏi ông Nguyễn Thanh Bình tìm hài cốt liệt sĩ, ai cũng biết. Chuyện về cuộc đời ông gắn bó với cách mạng, với nghĩa cử cao đẹp tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, dày như một pho truyện.

Ông sinh ra, lớn lên bên bờ Nam sông Bến Hải lịch sử, thuộc thôn Giang Phao, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Lúc 12 tuổi, ông đã có ý thức tham gia cứu người dân, cứu bộ đội thoát khỏi những trận càn bom đạn và họng súng lùng sục của giặc.

Ông Bình kiểm tra thông tin ghi chép về liệt sĩ để tổ chức tìm kiếm hài cốt các anh.

Ông kể, một lần khi đang chăn trâu ven bờ sông, bỗng nghe tiếng rên khe khẽ. Bạn bè đồng lứa đều sợ hãi tránh xa, nhưng ông đã nghe ngóng, lần theo tiếng rên và phát hiện được nhiều bộ đội lúc đó đang bị thương rất nặng. Ông liền đến hỏi giúp thì bị các chú cảnh giác, hỏi trở lại nhiều câu.

Ông đã phải đem “lý lịch đỏ” của gia đình ra để thông tin với các chú và được các chú xác minh, tin tưởng. Ông bí mật liên lạc với cơ sở của bộ đội ở trong làng để bà con tìm cách cứu chữa, chăm sóc vết thương cho họ. Khi đã tạm lành vết thương, các anh tiếp tục hành quân vào miền Nam chiến đấu.

Hai ngày sau đó, xóm nhỏ của ông hứng trọn một loạt bom tọa độ của máy bay B52 Mỹ ném phá. Hai đứa em ruột ông và hai cán bộ huyện đã không thoát khỏi trận bom tàn khốc đó. Người mẹ khóc ngất, gói gém thi hài các con mang ra đồng chôn cất. Gia đình ông phải giấu nhẹm thông tin về nỗi đau, để bố ông lúc đó đang ở căn cứ Dốc Miếu, cách làng chỉ vài cây số, an tâm chiến đấu…

Một lần khác trong một trận càn của 18 tiểu đoàn lính Mỹ vào làng, ông nội đưa ông vượt sông Bến Hải sang vùng giải phóng (bờ Bắc sông Bến Hải). Thế nhưng khi chứng kiến cảnh bộ đội và bà con ngã xuống trong mưa đạn của kẻ thù, ông đã nhất quyết bơi ngược trở lại để cứu người. Mới đến bờ đã gặp ngay cảnh bộ đội bị thương nằm la liệt không thể nào sang sông.

Một cán bộ nói giọng miền Bắc lo lắng hỏi: “Trận đánh đang ác liệt, bộ đội mình lại thương vong nhiều, làm sao đây cháu?”. “Thì chặt chuối kết bè, làng cháu thiếu gì chuối”. Nghe nói thế, người cán bộ mừng rỡ cùng ông chặt chuối kết bè đưa hàng trăm bộ đội và người dân sang sông an toàn…

Năm 1972, ông Bình tình nguyện nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 8 Tỉnh đội Quảng Trị, tham gia chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị…

Chiến tranh kết thúc, hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của một người lính, ông Bình chuyển ngành sang làm Công ty Thương nghiệp Bình Trị Thiên. Nhưng ông đã một mực từ chối điều kiện làm việc thuận lợi ở TP Huế lúc đó, để quay về lại Thành cổ Quảng Trị, với một mong muốn tột cùng, là tìm kiếm, cất bốc bằng hết hài cốt liệt sĩ- những người đã từng cùng ông chiến đấu, hy sinh bảo vệ mảnh đất này trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Và, tâm nguyện này đã được ông thực hiện ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại thị xã Quảng Trị. Lúc đó khu tập thể của cán bộ, nhân viên Thương nghiệp nằm ngay trên trụ sở của Ty cảnh sát chế độ cũ ở khu phố 2, phường 1.

Ông Bình vận động mọi người đào trên sân của khu tập thể  22 bộ hài cốt liệt sĩ mang đi quy tập. Rồi đến khu vực chợ thị xã Quảng Trị, nhà bà Nuôi, phường 2, đào được 24 hài cốt. Nhà bà Lý, gần trường Bồ Đề 9 hài cốt…

Ngày qua ngày, ông cầm bản đồ đi quanh thị xã Quảng Trị để đánh dấu thực địa những nơi mình đã từng chôn cất đồng đội; hoặc có thông tin về họ. Sau đó, ông chủ trì tổ chức, vận động cùng với bà con địa phương đứng ra khai quật, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại những địa điểm này. Cứ mỗi nơi, ông và bà con tìm thấy, bốc được vài hài cốt, tổng cộng đến nay đã được gần 90 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn thị xã Quảng Trị.

Mỗi một địa điểm tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội là mỗi một kỷ niệm không thể nào quên đối với ông. Như khi đào lấy hài cốt liệt sĩ của chiến sĩ Đông, C2, K8, quê ở Quảng Bình, do ông và đồng đội mai táng, chôn cất tháng 7-1972 đã gợi lại những xúc động sâu sắc trào dâng trong lòng.

Ngày ấy, giữa cuộc chiến tranh khốc liệt, anh Đông đã tình cờ gặp được em ruột của mình là chiến sĩ Dương đang cùng chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Hai anh em họ ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở, trong tiếng bom đạn giội xuống của giặc.

Rồi anh Đông cố kìm nén cảm xúc, nói với ông Bình: “Nhờ anh đưa em tôi sang chốt khác chứ chốt này ác liệt quá. Nhà có hai anh em thôi”. Chưa nói hết câu thì quân địch lại tràn lên đánh chốt. Anh Đông hy sinh trong trận đó, đôi dép cao su cháy dính chặt nhựa vào chân anh.

“Tôi đã an táng anh ngay tại hầm chiến đấu. Trong trận đánh kế tiếp, Dương căm thù ôm súng trung liên xung phong đánh lui địch rồi hy sinh”, ông Bình chùng giọng, nước mắt tuôn trào.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Bình ở số 23 đường Ngô Thì Nhậm, phường 3, thị xã Quảng Trị, đơn sơ nhưng rất ấm cúng. Suốt 35 năm qua, kể từ năm 1981 đến nay, nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung của biết bao thân nhân liệt sĩ. 

Họ từ khắp mọi miền đất nước về đây để nhờ ông tìm kiếm hài cốt người thân của mình. Họ đã được ăn ở miễn phí và cùng ông thực hiện những chuyến đi tìm kiếm đó với không ít khó khăn, vất vả nhưng đầy ắp niềm hạnh phúc và nghĩa cử cao đẹp!

Phan Thanh Bình

Ít nhất 13 binh sĩ Cuba đã mất tích sau vụ nổ xảy ra tại một kho vũ khí và đạn ở tỉnh Holguin, miền Đông nước này, lực lượng vũ trang Cuba thông tin cho biết vào cuối ngày 7/1 (giờ địa phương).

Gần đây, các trò chơi mang tính may rủi như "xé túi mù" (ám chỉ hình thức mở hộp ngẫu nhiên mua trên mạng) đang trở thành xu hướng nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, và YouTube.

Ngày 7/1, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài khoảng 47 giây, ghi lại hình ảnh một người đàn ông chạy xe máy chặn trước đầu xe tải đang lưu thông, tay cầm cục gạch, có thái độ hung hăng, chửi bới người xung quanh, thách thức tài xế đánh nhau. Người đàn ông cầm cục gạch hô lớn "đường này của tao, mày xuống đây...", rồi lấy gạch đập vào xe tải và buông lời đe dọa, thách thức đánh nhau với tài xế xe tải, sau đó ném cục gạch về phía xe tải và bỏ đi.

Chỉ trong thời gian ngắn của những ngày cuối năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng/vụ án. Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã từng cảnh báo, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh nhưng vẫn không ít người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Sau khi thoả thuận, thống nhất giá mua bán, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc tiền từ 3 - 30 triệu đồng (tùy vào giá trị của xe máy, ô tô). Bọn chúng còn giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện xác minh, đề nghị nộp tiền để làm giấy tờ nhưng khi nhận được tiền chúng sẽ khoá máy, chặn liên lạc.

Nằm trong kế hoạch ra quân đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, hơn một tuần qua, Công an huyện Tây Hòa, Công an huyện Phú Hòa và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên đã đánh sập 3 đường đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng.

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhiều vấn đề nóng được lãnh đạo Bộ Tài chính giải đáp theo các câu hỏi của phóng viên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文