Ấm áp những căn nhà Bộ Công an hỗ trợ đồng bào sau bão lũ

Chuyện về địa bàn đầu tiên tổ chức "làm điểm" (bài 2)

08:26 11/10/2024

Sau lũ dữ, những gì còn sót lại là ngổn ngang bùn đất. Hơn 3 giờ đồng hồ xuất phát từ TP Sơn La, chúng tôi đến với xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ. Ở bản Pưa Lai, bản Châu Phong hôm nay tràn ngập hình ảnh CBCS Công an "vượt nắng, thắng mưa", gấp rút đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu để tiến hành làm nhà cho nhân dân bị thiệt hại do lũ dữ tràn qua.

Mỗi người một tay, không ai bảo ai, tại các ngả đường vào bản, những chiến sĩ Công an cùng chính quyền bản kiên trì, nhẫn nại vận chuyển vật liệu xây dựng đến các điểm nhà trên các mỏm đồi cheo leo để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân.

Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an; Đại tá Đinh Công Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La và đại diện lãnh đạo huyện Vân Hồ thăm hỏi, động viên người dân bị mất nhà sau bão số 3.

"Không để bất cứ người dân nào chịu cảnh màn trời chiếu đất"

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, Sơn La là một trong trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, chỉ trong một đêm, mưa lũ kéo đến bất ngờ, cuốn trôi đi hết tài sản của đồng bào nghèo nơi đây. Thấu hiểu và đồng cảm trước những khó khăn, vất vả, từ chủ trương của Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, tỉnh Sơn La là đơn vị đầu tiên trên cả nước tiến hành khởi công xây dựng những ngôi nhà mới sau bão lũ, thiên tai. Những lấp lánh niềm vui của người dân đang được thắp lên nơi bản làng còn đầy những khó khăn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, ngay sau khi nhận được văn bản thông báo của Văn phòng Bộ Công an, trong ngày 7/8, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, thống kê số nhà dân bị thiệt hại nặng do thiên tai, mưa lũ và báo cáo Văn phòng Bộ Công an về tình hình thực tế tại địa bàn.

Qua rà soát, tại Sơn La sẽ triển khai xây dựng 52 căn nhà cho các hộ bị thiệt hại hoàn toàn về nhà ở tại 6 huyện, thành phố. Mỗi căn nhà có diện tích 36m2, tổng kinh phí 80 triệu đồng/nhà, trong đó Bộ Công an hỗ trợ 50 triệu đồng, 30 triệu đồng từ nguồn của chính quyền địa phương. Nhà được thiết kế theo mẫu của Bộ Công an, với tiêu chuẩn "3 cứng" và đảm bảo chống chịu với tình hình thiên tai. Tùy phong tục tập quán địa phương, mẫu nhà có thể điều chỉnh phù hợp với nhu cầu từng gia đình.

Ngày 12/8, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì cuộc họp thảo luận, thống nhất phương án triển khai, đồng thời chỉ đạo, phân công các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp Công an các huyện, thành phố thực hiện một cách quyết liệt với tinh thần "Không để bất cứ người dân nào chịu cảnh màn trời chiếu đất".

Trong hai ngày 12 và 13/8, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Sơn La phối hợp Công an huyện Vân Hồ, UBND xã Suối Bàng, chính quyền bản tổ chức rà soát, lựa chọn mặt bằng để tiến hành san ủi, liên hệ các nhà thầu. Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", chỉ hai ngày sau cuộc họp do Giám đốc Công an tỉnh chủ trì, sáng 14/8, Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tiến hành khởi công xây dựng căn nhà đầu tiên tại bản Châu Phong, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ.

Từ TP Sơn La, chúng tôi xuất phát từ 6h sáng, nhưng cũng ngót gần 10h mới có thể đến xã Suối Bàng, phải đi vòng vèo nhiều chỗ bởi một số điểm vẫn bị sạt lở, có những đoạn xóc ngược lưng, có chỗ lại tuột dốc thăm thẳm, tưởng hụt hơi thì tới. Đồng chí Vì Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Suối Bàng cho biết, toàn xã có hơn 935 hộ, hơn 3.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mường, Dao, Thái, Mông,…, cuộc sống còn vô vàn những khó khăn, vất vả. Những người dân thuần hậu, chất phác như rặng cây giữa đại ngàn, khi lũ tới cũng là lúc cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn, và theo ông, Suối Bàng trong vòng 30 năm qua mới xảy một trận lũ lớn đến như vậy.

Tại bản Châu Phong, nhà bà Hà Thị Đội bị sập đổ hoàn toàn trong đêm 24/7. Khi gặp bà Đội, tôi mới thật sự khâm phục sự mạnh mẽ của bà. Chồng đã mất do căn bệnh hiểm nghèo từ năm ngoái, khi chồng đau ốm, bà cũng phải chữa trị căn bệnh ung thư vú, lúc ấy mọi thứ của nả cứ thế đội nón ra đi. Bà cũng như các con của mình không thể nào quên những ngày tháng xuống Hà Nội rồi lại về Sơn La như cơm bữa, với hy vọng "còn nước còn tát". Nhưng rồi, mọi hy vọng hóa tuyệt vọng khi chồng của bà đã rời xa cõi trần, bỏ lại bà và hai con.

Căn nhà cũ của bà Đội vừa bị lũ dữ cuốn trôi cũng là căn nhà mà các Mạnh Thường Quân và chính quyền bản hỗ trợ xây dựng mới được mấy năm nay, nhưng giờ lại tiếp tục bị sập đổ. "Cả cuộc đời tôi, thứ có giá trị nhất là gia đình và ngôi nhà, nhưng giờ chồng đã mất, nhà cũng mất", bà nghẹn ngào, quả thực đến giờ bà không thể khóc, bởi nước mắt đã chảy ngược trong tim. Sau lũ dữ, do cuộc sống khó khăn nên cũng chưa bao giờ bà dám ước mơ có ngôi nhà lợp mái tôn, nền nhà láng xi măng sạch sẽ...

Con suối chảy quanh bản Pưa Lai vốn hiền hậu nhưng khi lũ đổ về cũng trở nên ai oán. Sau trận lũ lịch sử, một vài căn nhà giờ chỉ còn là quá khứ khi lũ đêm đổ về trong hai ngày 23 và 24/7. Tại gia đình chị Quách Thị Hải và anh Lường Văn Tiến, nhìn đống đổ nát, người phụ nữ dân tộc Mường chỉ biết khóc. Như lời chị kể, hôm ấy anh Tiến làm phụ xây ở trên Mộc Châu, nhà còn 3 mẹ con. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị và hai đứa nhỏ lên nhà ông bà ngoại chơi mấy hôm, mưa lũ ào ào kéo tới chị cũng chẳng kịp về di chuyển tài sản.

"Trời mưa to quá, tôi và các cháu chẳng về được, chị hàng xóm gọi điện bảo là nhà tôi bị trôi hết rồi. Tôi và hai đứa nhỏ cứ khóc suốt, vì chẳng biết làm gì" - Chị Hải bộc bạch. Ngồi nhặt nhạnh những thứ còn sót lại, một vài cuốn sách cũ cùng vài mảnh ngói đã vỡ, anh Tiến, chị Hải không cầm được nước mắt khi nghĩ về những thứ đã qua. Một căn nhà đã gắn bó hàng chục năm trời, hai vợ chồng thắt lưng buộc bụng cần mẫn gom góp sau bao ngày, nay cũng trôi theo dòng nước lũ...

CBCS Công an tỉnh Sơn La và chính quyền địa phương hỗ trợ san lấp mặt bằng và đào móng xây dựng nhà ở cho nhân dân.

Người dân tin tưởng, chính quyền ủng hộ

Được hỗ trợ xây dựng những căn nhà mới kiên cố và rộng rãi, các hộ dân vô cùng xúc động gửi lời cảm ơn các CBCS Công an, chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng đã giúp đỡ, hỗ trợ. Để có thể bàn giao các căn nhà nhanh chóng, Thượng úy Lê Huy Tuấn, Phó Đội trưởng, Công an huyện Vân Hồ đã "nằm" tại bản nhiều ngày, khuôn mặt anh cũng như các CBCS khác trong tổ hỗ trợ xây dựng nhà cho nhân dân đỏ như gấc chín, lưng áo ướt đầm đìa.

Tạm nghỉ tay, Thượng úy Tuấn tâm sự, ngay khi có chủ trương của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La, lãnh đạo Công an huyện Vân Hồ đã huy động hơn 30 CBCS phối hợp Công an cơ sở và chính quyền địa phương giúp đỡ xây dựng nhà một cách nhanh chóng nhất. Những điều kiện khách quan như thời tiết, việc rà soát mặt bằng còn khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao nhất, các anh sẽ bàn giao nhà ở cho nhân dân theo đúng tiến độ.

Vừa cầm xô, vác xi măng, đào móng, dọn dẹp môi trường xung quanh, Trung úy Đinh Văn Soạn, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Vân Hồ cho biết: "Trong các khâu thì việc vận chuyển nguyên vật liệu là khó nhất. Mấy ngày nay mưa nắng thất thường, việc vận chuyển xi măng tới nơi khá vất vả. Mưa là thế, nhưng mà mưa là việc của trời, bây giờ người dân đang cần chúng tôi", anh hóm hỉnh.

Mỗi người một việc, không ai nề hà, khi nguyên vật liệu đã vào đến chân công trình, Thiếu tá Triệu Văn Thiên, Trưởng Công an xã Suối Bàng và CBCS Công an huyện lại tiếp tục tổ chức đào móng, san nền cho căn nhà. Vốn từ bé quen làm việc tay chân nên anh nhanh chóng xoay trần cùng với CBCS đào móng. Từng nhát cuốc, thuổng bổ xuống..., mồ hôi anh em vã ra như tắm. Móng công trình dần được hình thành, rồi tiếp đó là đào lỗ, chôn cọc...

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhận định, việc xây dựng nhà ở cho nhân dân là một chủ trương hết sức nhân văn, thể hiện đúng tinh thần "Khi dân cần, khi dân khó, có Công an". Những ngôi nhà mới khang trang, được hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng giúp các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do thiên tai có mái ấm để an cư, nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống. "Đồng thời, đây cũng là tiền đề quan trọng, là giải pháp bền vững góp phần giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ ANTT tại cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh và khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp Bộ Công an hỗ trợ xây dựng nhà ở cho nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, mưa lũ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng, vượt tiến độ đề ra. 

Ngay sau khi Bộ Công an phát động, trong 3 ngày (14 - 16/8), lực lượng Công an Sơn La đã phối hợp các lực lượng khởi công và hoàn thiện, bàn giao nhà cho các hộ dân tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ. Đến nay, đã có 14 căn nhà được bàn giao, 12 căn nhà đang xây dựng, qua đó giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

An cư lạc nghiệp, được sống trong những ngôi nhà vững chãi, kiên cố - xây dựng từ chủ trương của Bộ Công an và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa càng thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình thương, trách nhiệm của lực lượng CAND. Đây cũng là ước nguyện của hàng trăm hộ dân trên cả nước đang còn khó khăn về nhà ở do mưa lũ, thiên tai... Sự động viên, hỗ trợ kịp thời ấy giúp bà con sớm ổn định. Và ở đó, mầm sống lại được nhân lên...

(Còn nữa)

Cao Thiên

"Đại chiến thế giới lần thứ ba" đang trở thành một cụm từ thời thượng, với tần suất xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế. Sức uy hiếp của nó, có lẽ, là yếu tố quan trọng bậc nhất để đến tận bây giờ, tất cả các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới vẫn đang cố gắng hết sức kiềm chế nguy cơ các điểm nóng xung đột lan rộng.

Từ ban đầu “đánh cho vui”, dần dần Lê Thanh Hưng bị cuốn vào vòng xoáy của trò “đỏ đen” qua mạng, với ảo tưởng làm giàu nhanh chóng. Khi không còn đủ tiền để tiếp tục những canh bạc may rủi, Hưng bắt đầu trượt dài trên con đường phạm pháp. Lợi dụng nhu cầu của người dân làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tách thửa, Hưng đã dựng lên “bẫy lừa”, chiếm đoạt của 7 nạn nhân tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng…

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 10/10, tại Hoàng thành Thăng Long, UBND TP Hà Nội cùng với Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện chương trình chính luận nghệ thuật mang tên “Hà Nội - Bản hùng ca phố”. Đây là chương trình âm nhạc và nghệ thuật, gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hóa của Hà Nội.

Hỏi: Thưa Quý báo, thời gian đây, một số bị cáo bị khởi tố, truy tố và bị tòa hình sự của một số Tòa án nhân dân (TAND) xét xử nhưng không phạt tù mà chỉ phạt tiền. Như vậy, có thể coi các bị cáo bị phạt tiền không phạm tội không? (Đoàn Xương, quận Ba Đình, Hà Nội)

Triều Tiên đã kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động với một buổi hòa nhạc và tiệc chiêu đãi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kêu gọi đào tạo lại toàn bộ công nhân thành những người cách mạng, truyền thông nhà nước nước này đưa tin ngày 11/10.

Sáng 11/10, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, tổ công tác của Đội CSGT số 6 trong quá trình tuần tra kiểm soát đã phát hiện, bắt giữ đối tượng đang vận chuyển nhiều bình khí cười đi giao cho khách.

Thủ đoạn giả danh cán bộ Công an gọi điện để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Dù cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này song nhiều người dân vẫn “sập bẫy."

Các thành viên đội tuyển cầu lông trẻ Việt Nam đã thể hiện tốt tại Giải vô địch cầu lông trẻ thế giới 2024. Nhưng đằng sau những trận đấu, những chiến thắng là nỗi lo về tương lai, nơi cầu lông Việt Nam còn cách rất xa thành tích trong quá khứ của đàn anh, đàn chị.

Bình Dương có rất nhiều lao động ngoại tỉnh, đa phần làm công nhân trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp. Những chàng trai đến từ vùng quê ở các tỉnh, thành vốn làm nghề nông, nuôi trồng thủy sản… có nhiều thời gian rảnh rỗi hay “làm bạn” với rượu, bia. Khi trở thành công nhân, họ rất xa lạ với tác phong công nghiệp, với văn hóa vùng miền nên dễ phát sinh những việc làm sai trái, những mâu thuẫn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Cộng với nghiện rượu, bia nên khi say họ rất dễ gây ra tai họa cho người khác và ngay cả chính bản thân mình….

Ngày 10/10, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm tiếp tục với phần đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư. Đại diện VKS ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ trong đó có ý thức khắc phục thiệt hại, nhưng xét tính chất, hậu quả vụ án nên cần áp dụng mức án cao nhất của các tội danh bị truy tố.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文