82 tuổi vẫn gieo chữ cho trẻ em khuyết tật

13:11 02/10/2014
Vóc dáng nhỏ bé, mái tóc bạc như cước, ở cái tuổi 82, bà Hồ Hương Nam (phường Yên Phụ - Tây Hồ - Hà Nội) vẫn hàng ngày cần mẫn đến với lớp học tình thương nằm trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở An Dương (phường Yên Phụ) để dạy chữ cho những học sinh khuyết tật.

42 năm trong nghề giáo viên, 17 năm gắn bó với các em nhỏ khuyết tật, với bà, danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao. Giờ đây, nỗi lo sợ lớn nhất của bà là một ngày nào đó sẽ không còn được nghe tiếng trống trường vang lên…

Sinh ra ở Huế, bà là một trong những người đầu tiên tham gia tập kết ra Bắc năm 1954. Khi đó, bà được phân công giảng dạy tại Quảng Bình. Tới năm 1974, bà theo chồng ra Hà Nội, làm giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác xã hội, mở lớp dạy trẻ khuyết tật. Nhớ lại những ngày đầu tiên khai mở lớp học tình thương, bà kể lại: “Năm 1993, tôi nghỉ hưu, được UBND phường Yên Phụ mời tham gia vào công tác dân số địa phương. Tôi phải đến từng hộ gia đình để tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình. Trong những lần đi vận động, tôi đã gặp những đứa trẻ khuyết tật, thấy chúng đều tự ti, bố mẹ chúng cũng mặc cảm không muốn cho con tiếp xúc với người ngoài. Tôi nghĩ, tại sao lại không để cho chúng đi học như những đứa trẻ bình thường. Và thế là tôi đi vận động từng gia đình có trẻ khuyết tật để các cháu có thể đến lớp”.

Không ai ủng hộ công việc mà bà làm, thậm chí người thân của bà còn nghĩ đó là việc điên khùng. “Họ nói tôi dở hơi, đi lo việc thiên hạ. Họ mặc định những đứa trẻ khuyết tật thì cũng không cần học hành. Những ngày đầu, việc vận động các gia đình đưa các cháu khuyết tật đến lớp rất vất vả. Tôi đến nhà đều bị xua đuổi. Mất cả tháng trời, tôi mới vận động được hai cháu đầu tiên là Nguyễn Thị Trang và Nguyễn Kim Thoa. Tuy nhiên, gia đình các cháu cũng nói rõ chỉ cho “học thử” một tháng, nếu kết quả không tiến bộ sẽ đón về. Sau 1 tháng, thấy cả hai cháu đã biết chào hỏi, biết nhận diện mặt chữ, các gia đình mới tin tưởng gửi con đến” – bà tâm sự. Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của bà ngày càng đông. Không chỉ trẻ khuyết tật của phường Yên Phụ mà các địa phương khác cũng tìm đến. Thời điểm đông nhất, lớp học của bà lên tới 18 người.

Hiện tại, lớp học tình thương của bà nằm trong Trường Trung học cơ sở An Dương.

Vận động đã khó, tìm được một địa điểm tổ chức lớp học còn khó hơn. Những ngày đầu, lớp học tình thương của bà phải mượn tạm trụ sở tuần tra của khu dân cư số 6 (phường Yên Phụ). Được 2 năm, lớp học lại phải di dời để làm nhà văn hóa. Lúc này, không có lớp, bà lại xin mượn lớp học trong trường mẫu giáo vốn chật chội, ẩm thấp. Mãi đến năm 2002, Trường Trung học cơ sở An Dương mới bố trí cho bà một phòng dạy riêng. Từ đó đến nay, ngày qua ngày, dù mưa hay nắng, bà đều cặm cụi đến lớp. Mọi việc bà làm đều xuất phát từ tấm lòng, không có chế độ gì, cũng không có đòi hỏi nào về tiền bạc. “Ai cũng nghĩ, qua mấy chục năm giáo viên, tôi cũng phải có nhà cao cửa rộng. Kì thực tôi nghèo lắm, vẫn sống trong nhà cấp 4 tồi tàn. Đi dạy với tôi là niềm vui, tôi coi bọn trẻ như con cháu mình vậy” – bà bộc bạch.

Nói về những khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật, bà bảo: “Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần. Các cháu ở đây có người bị câm điếc, có người bị down, có người bị khoèo tay chân… Các cháu lại ở các độ tuổi khác nhau, nhận thức khác nhau, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại. Có nhiều cháu cả tháng trời không viết nổi chữ O, có cháu cứ học xong lại quên ngay, có cháu còn không tự đi vệ sinh được”. Nhìn Lưu Hồng Dương đang loay hoay viết chữ “có công mài sắt có ngày nên kim”, bà bảo, “đến tôi cũng không ngờ lại có ngày Dương viết được chữ rõ ràng, sạch đẹp như thế này. 34 tuổi rồi mà cháu nó vẫn chẳng khác gì một đứa trẻ. Những ngày đầu tới lớp, ngay cả việc đi vệ sinh, tôi đều phải làm cho cháu hết”.

17 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, bà đã được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen (năm 2013); Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật”; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2013. Nhiều năm liền, bà được UBND phường Yên Phụ, UBND quận Tây Hồ tặng Giấy khen. Nói về những kỉ niệm, bà xúc động: “Năm 2002, tôi gặp tai nạn, bị gãy tay phải nằm ở nhà, không lên lớp được. Ngày nào cháu Nguyễn Thị Thoa (25 tuổi, bị down) cũng đến nhà trông nom, cứ lặng lẽ ngồi đầu giường, đến đêm mới chịu về nhà. Rồi những ngày 20-11 hàng năm, mỗi cháu lại cầm bông hoa lên tặng, bảo “hôm nay là ngày của bà, cháu nhịn ăn sáng để lấy tiền mua hoa”. Tôi đã khóc vì cảm động. Tôi không ngờ những đứa trẻ khuyết tật lại sống tình cảm đến vậy”.

10h sáng, tiếng trống trường vang lên, báo hiệu một ngày học kết thúc. Bà trở về nhà, dáng đi liêu xiêu trong con ngõ nhỏ. Tôi nhìn theo bóng bà khuất dần rồi lại nghĩ đến ánh mắt bà rưng rưng khi tâm sự: “Tôi năm nay 82 tuổi rồi, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa. Điều lo sợ lớn nhất bây giờ là một ngày nào đó không còn được nghe tiếng trống trường vang lên nữa”

Khánh Vy

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文