Ba chàng trai chinh phục đỉnh Everest
Nhớ lại hành trình chinh phục đỉnh núi huyền thoại, Phan Thanh Nhiên, thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội thật thà đến hồn nhiên kể rằng: Mục đích ban đầu đến với chương trình chỉ để kiếm tiền trang trải cuộc sống trong khoảng thời gian đi học…
Nhiên 23 tuổi, quê ở Châu Đức, Bà Rịa, Vũng Tàu, hiện đang là sinh viên năm cuối của Khoa Thể dục dụng cụ, Trường Đại học Thể dục thể thao II, TP HCM. Nhà đông anh em, chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, Nhiên là người con thứ 5 và cũng là thành viên duy nhất trong gia đình được lên thành phố học. Toàn bộ chi phí sinh hoạt hằng tháng được gói gọn trong khoản tiền 550.000 đồng.
Cách đây 3 năm, số tiền này có thể tạm đủ sinh hoạt, nhưng tình trạng giá cả leo thang như hiện nay thì thiếu trầm trọng. Thiếu tiền nhưng không dám xin thêm vì Nhiên biết, để có được 550.000 đồng mỗi tháng gửi cho cậu, không những cha mẹ phải chi tiêu hết sức tằn tiện mà còn phải nhờ gia đình chị gái phụ thêm mới đủ.
Thế nên, chỉ sau một thời gian quen với môi trường mới, Nhiên đã bám gót bạn bè, anh chị khóa trước tập tành làm thêm. Ngoài giờ học, cậu nhận đi phát tờ rơi, bưng bê phục vụ trong các nhà hàng...
Đang theo học năm thứ 3, Nhiên và các bạn nghe Ban tổ chức chương trình chinh phục đỉnh Everest thông báo tuyển người nên rủ nhau tham gia khá đông. Đây là cơ hội để thử sức mình, nếu may mắn, còn có thêm một khoản tiền trang trải cho việc học.
Thi xong, không có điện thoại liên lạc, Nhiên phải mượn bạn để bên cạnh cả ngày lẫn đêm. Hơn 11h đêm hôm đó, chuông điện thoại mới reo. Nghe Ban tổ chức thông báo, chưa lường hết được khó khăn, nguy hiểm nên chỉ thấy mừng. Dấn thân sâu vào cuộc mới thấy lo.
Nhiều bạn bè cảnh báo sinh viên năm cuối còn ham vui. Không ít người can ngăn: Người nước ngoài sung sức, được huấn luyện leo núi chuyên nghiệp còn làm không xong, huống hồ là người Việt, vừa nhỏ bé, vừa không quen khí hậu lạnh…
Về nhà, nhìn mẹ nước mắt ngắn, nước mắt dài, không ít phút, lòng Nhiên chùng xuống. Thế nhưng câu hỏi: Không lẽ người nước ngoài làm được, người Việt Nam lại không làm được cứ luôn trở đi trở lại trong tâm thức khiến Nhiên bứt rứt. Cậu quyết định trốn mẹ đi cùng đoàn.
Hết huấn luyện chinh phục nóc nhà Đông Dương, núi Phan Xi Păng (cao 3.143m) đến Kinabalu, nóc nhà Đông Nam Á (cao 4.095m), Kilimanjaro, nóc nhà châu Phi (cao 5.895m), Island Peak (cao 6.160m), cho đến đích cuối cùng là nóc nhà thế giới, đỉnh Everest (cao 8.850m).
Linh, Nhiên, Ngợi và lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Everest. |
Nhỏ bé nhất trong ba thành viên, Bùi Văn Ngợi lại được tiếng là "lợi khẩu" và khỏe mạnh, dẻo dai. Ngợi khoe gia đình mình có đến 7 anh chị em và có khá nhiều người theo nghiệp thể thao. Thế nên, khác với Nhiên, dù đã ở năm thứ 4 của Đại học Thể dục thể thao II, việc tham gia chương trình chinh phục đỉnh Everest của Ngợi gần như được gia đình ủng hộ, trừ mẹ. Nhớ lại cảm giác được đứng giữa biển mây, tuyết trắng xóa một màu, Ngợi bảo cứ như đang trong giấc mơ.
Riêng với thành viên lớn tuổi nhất, Nguyễn Mậu Linh, đó lại là ấn tượng khi anh đặt bước chân đầu tiên lên vùng đất chết (cao 8.000m đến 8.850m). Dù đã kinh qua rèn luyện 3 năm trong quân ngũ, đã được chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng cảm giác cô độc, chơi vơi trên vách tuyết mênh mông, dựng đứng khi đối mặt với những xác người không còn nguyên vẹn ngay sát đường lên, anh không khỏi rùng mình ớn lạnh. Thế nên, trước đó phải hoàn toàn quyết tâm, nếu chỉ thoáng một chút ý nghĩ bỏ cuộc, bàn chân sẽ tự động quay về…
Cho đến hôm nay, mọi thử thách của hành trình đã qua, ba vận động viên đã trở lại với những vội vã, những lo toan của nhịp sống thường nhật. Cả ba đều cho rằng, họ tự hào vì đã thêm một lần khẳng định được con người Việt Nam, đất nước Việt Nam trước bạn bè quốc tế, nhưng Everest không phải ngọn núi cao nhất họ cần phải vượt qua.
Những ngọn núi cao nhất chính là những khó khăn của cuộc sống trong tương lai mà họ cần phải vượt qua để có thể tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương đất nước, giúp ích cho đời