Bạc Liêu: Bức xúc của người dân từ những dự án tiền tỷ
Cụ thể, ông Phạm Văn Ba (88 tuổi) có diện tích đất 17.660m2 được cấp sổ đỏ năm 1995 đã cho hai con là Phạm Văn Thống, Phạm Văn Mười quản lý, sử dụng. Năm 2010, thực hiện dự án mở đường, chính quyền thu hồi của ông Phạm Văn Thống 7.800m2, ông Phạm Văn Mười khoảng 1.000m2 nhưng không bồi thường. Hộ ông Trịnh Hoài Phương bị thu hồi trên 1.200m2; hộ ông Trần Văn Dũng bị thu hồi trên 5.500m2; hộ ông Nguyễn Phú Hanh bị thu hồi trên 2.300m2… tất cả đều không có quyết định thu hồi đất, không thực hiện việc đền bù cho bà con theo qui định của pháp luật.
Đoạn đầu và đoạn cuối tuyến đường Giá Rai – Gành Hào thi công xong đúng thiết kế bề ngang 10 mét ... |
Khi bà con khiếu nại, UBND huyện Đông Hải cho rằng: Đất đoạn đường này do nhà nước quản lý, không ảnh hưởng đến đất sản xuất của hộ dân nên không thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ(!?). Không chỉ vậy, UBND huyện Đông Hải cũng cho rằng, việc không thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ là “Chủ trương của UBND tỉnh Bạc Liêu”.
Đưa cho chúng tôi xem sổ đỏ, các hộ Phạm Văn Ba, Nguyễn Phú Hanh, Trần Văn Dũng… khẳng định: “Đất này cha ông chúng tôi đã khai phá, quản lý, sử dụng hợp pháp từ năm 1945 cho đến nay, không tranh chấp với ai, đã được Nhà nước cấp sổ đỏ. Theo qui định của pháp luật, muốn thu hồi đất thì huyện phải có quyết định thu hồi đất chứ không thể thu hồi bằng miệng được. Đồng thời phải thực hiện bồi thường, đền bù cho bà con”.
...nhưng khi đến đoạn xã Long Điền Tây lại “vận động” người dân cho thi công 6,5 mét. |
Ngoài ra, bà con còn khiếu nại việc cán bộ địa phương kê khai gian lận, kê khống diện tích thu hồi đất khi thực hiện Dự án “Phát triển những vùng đất ngập nước ven biển Bạc Liêu”. Cụ thể, theo Quyết định thu hồi đất số 1326/QĐ-UB, ngày 25/12/2004 của UBND huyện Đông Hải, có 103 hộ dân bị thu hồi 2.056.107m2 đất phục vụ dự án có đền bù. Thế nhưng, trong danh sách 103 hộ này, bà con phát hiện có hộ không thiệt hại vẫn được kê khai thiệt hại nhiều để nhận đền bù. Cụ thể, hộ ông Đỗ Văn Hưng 63.000m2; ông Trịnh Út Ba 2.427m2; ông Trần Văn Thắng A 1.200m2; bà Trương Thị Hằng 13.000m2; ông Trần Việt Quân (Trưởng ấp Bình Điền) 52.340m2; ông Nguyễn Thống Nhất 20.000m2… Thế nhưng, trong danh sách nhận tiền bồi thường, ông Hưng chỉ nhận bồi thường cho diện tích 4.000m2 với số tiền 40 triệu đồng; ông Trịnh Út Ba nhận bồi thường 24.270.000 đồng; ông Trần Văn Thắng A nhận 21 triệu đồng; bà Trương Thị Hằng nhận 10,5 triệu đồng; ông Trần Việt Quân nhận 92.133.000 đồng; ông Nguyễn Thống Nhất nhận 90.127.500 đồng…
Điều khiến bà con bức xúc là khi thu hồi đất, địa phương có sự hoán đổi từ đất nông nghiệp sang đất lâm nghiệp để áp giá đền bù nhưng khi thực hiện đền bù, cán bộ địa phương lại không thực hiện, gây thiệt hại cho bà con, trục lợi cho các hộ. Cụ thể, hộ ông Trần Văn Đủ có diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại sau khi chuyển đổi sang đất lâm nghiệp là 30.000m2 được đền bù 210 triệu đồng nhưng cán bộ lại cho nhận đền bù trên diện tích 6.500m2 với số tiền 45,5 triệu đồng. Như vậy, ông Đủ mất đứt 164,5 triệu đồng; hộ ông Trịnh Văn Thống, Phạm Văn Ba thay vì nhận đền bù 210 triệu đồng thì chỉ được cán bộ cho nhận 70 triệu đồng, mất 140 triệu đồng; hộ ông Phạm Văn Mười nếu nhận đúng là 210 triệu đồng nhưng cán bộ chỉ cho nhận 46,2 triệu đồng, mất 163,8 triệu đồng; hộ ông Trần Văn Dũng thay vì nhận 210 triệu thì chỉ được nhận 35 triệu đồng, mất 175 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại đi về đâu?
Ông Phạm Văn Mười, cho biết: “Địa phương nói đất mở đường không nằm trong sổ đỏ của chúng tôi nhưng lại vận động chúng tôi cho thi công trong phạm vi 6,5m chứ không phải 10m như dự án. Rõ ràng có sự khuất tất ở đây. Hơn nữa, toàn tuyến đường dài cả chục cây số, đoạn đầu và đoạn cuối đã cơ bản làm xong, bề ngang 10m. Riêng đoạn qua đất chúng tôi chỉ xin mở 6,5m thì quá khó coi, hóa ra con đường này bị thắt cổ chai”