Bài 1: Nhiều bất hợp lý tại nơi tiếp dân
Dù từ lâu Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã thực hiện liên kết với bưu điện để thực hiện đăng ký kinh doanh tại nhà, tiếp nhận và trả hồ sơ qua đường bưu điện; thực hiện hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng, qua điện thoại… Đồng thời để giảm tải, cơ quan này cũng đã mở thêm quầy tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn thủ tục lên tới con số 19. Nhưng trong khi mỗi ngày vẫn có ít nhất vài trăm lượt người tập trung về đây và với khuôn viên rộng vài ngàn m2, phần sân còn trống của cơ quan này cũng còn có thể tận dụng cơi nới để mở rộng thêm diện tích phục vụ DN. Thì khu vực dành để phục vụ đại diện DN chỉ rộng chưa đầy 200m2. Quá oải sau nhiều lần phải tới đây làm thủ tục, ông Hòa, một đại diện DN phàn nàn: Nhét hàng trăm đại diện DN vào cái phòng chật chội này rồi bắt phải chen lấn, chờ đợi cả buổi thì sao gọi là ưu ái cho DN.
Những ngày theo chân anh Tuyên đi làm thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh tại Sở KH - ĐT, tôi đã nhiều lần được quan sát cách làm việc còn bất hợp lý tại đây. Bởi trong khi lượng người ngồi chờ khá đông, thì số người đang được giải quyết tại các quầy lại rất ít. Nguyên do, tại đây áp dụng hình thức giải quyết hồ sơ theo dây chuyền, nên toàn bộ những người đến làm thủ tục đều phải nộp hồ sơ tại quầy số 1; chờ chuyên viên kiểm tra hồ sơ bước đầu và sắp xếp người giải quyết, sau đó mới được gọi tới các quầy kế tiếp để nhận số thứ tự. Có số thứ tự, người làm thủ tục tiếp tục phải ngồi chờ tới lượt gọi mới có thể tới quầy gặp chuyên viên phụ trách, lúc đó mới biết chính xác hồ sơ có phải bổ sung, sửa chữa gì không. Khi tôi và anh Tuyên còn loay hoay chưa tìm được chỗ ngồi, chuyên viên ngồi quầy tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đã gọi tên DN.
Chỉ sau câu hỏi: “Bản chính giấy phép kinh doanh đâu?” của cán bộ tiếp nhận và câu trả lời “Tôi không mang theo” của anh Tuyên, lập tức hồ sơ bị trả lại với yêu cầu về mang bản chính đến nộp kèm. Thất vọng khiến anh Tuyên tỏ ra bực bội: đã có bản sao giấy phép kinh doanh, có đơn đề nghị đóng dấu DN và những giấy tờ khác. Giấy phép do chính đơn vị này cấp ra, ở đây phải có trách nhiệm tự kiểm tra, sao lại buộc phải nộp kèm? Trường hợp phải thu hồi để cấp mới, lần sau khi DN đến nhận kết quả bắt nộp cũng chưa muộn, sao cứ buộc người dân phải đi tới đi lui…
Cùng chung tình trạng này, nhiều đại diện DN cũng đã phải ôm hồ sơ quay về do quên mang CMND, giấy ủy quyền hay giấy giới thiệu… chứ tuyệt nhiên không được cho hẹn bổ sung sau để người dân đỡ tốn công đi lại, DN đỡ mất thêm thời gian chờ đợi. Do Sở KH – ĐT bố trí tiếp nhận hồ sơ theo kiểu dây chuyền, nên tất cả hồ sơ đều phải nộp qua quầy số 1; áp lực dồn về quầy này rất lớn nên vị chuyên viên ngồi đây luôn tiếp xúc với người dân bằng nét mặt lạnh, ít biểu cảm. Các quầy khác cũng vậy, áp lực công việc liên tục nên chẳng mấy khi người dân thấy được các chuyên viên tươi cười.
Là phường trọng điểm của khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh với hơn 2,7 vạn dân; phải giải quyết chừng 170 loại thủ tục, hồ sơ giấy tờ thuộc 23 lĩnh vực khác nhau. Nhưng có mặt tại bộ phận một cửa của phường Tân Định, quận 1, tôi đã thực sự ngạc nhiên khi đây chỉ là căn phòng rộng chưa tới 40m2. Trừ đi phần đặt quầy và dành cho các cán bộ, nhân viên ngồi tiếp nhận, trả hồ sơ đã chiếm gần 10m2 nên diện tích còn lại chỉ đủ chỗ cho tối đa trên 20 người dân.
Trong căn phòng bé tẹo, tôi được hướng dẫn lấy số thứ tự một cách lịch sự. Nhưng do phải làm việc liên tục, một số cán bộ thậm chí không còn đủ hơi sức, thời gian để biểu cảm thái độ vui vẻ hay ngẩng mặt lên nhìn người dân. Ngược lại, khu vực làm việc của các bộ phận thuộc UBND phường và các tổ chức mặt trận, đoàn thể cũng như phòng làm việc của các lãnh đạo phường này có nguyên một khối nhà 3 tầng to đùng phía sau. Tại xã thuộc top đông dân nhất thành phố là Bình Hưng của huyện Bình Chánh cũng vậy.
Theo Ông Trương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã, trụ sở làm việc của xã này rộng tới 2.400m2. Khuôn viên rộng nên còn dư cả mặt bằng để bố trí chỗ làm dịch vụ photocopy và căng tin ngay trong trụ sở. Song tận mắt chứng kiến căn phòng được gọi là bộ phận một cửa chúng tôi cũng hết sức bất ngờ khi diện tích mà xã này dành để giải quyết các yêu cầu hành chính của 7 vạn dân địa phương chỉ rộng hơn 30m2. Phần đặt quầy, tủ lưu hồ sơ giấy tờ và diện tích bố trí cho cán bộ ngồi làm việc đã chiếm gần 2/3; diện tích còn trống để cho người dân ngồi chờ làm thủ tục chỉ là dãy ghế với 15 chỗ ngồi. Bình quân mỗi ngày tại bộ phận này phải giải quyết chứng thực, sao y cho khoảng 200 người dân nên cứ lúc đông là quá tải, nhiều người dân phải tìm chỗ ngồi tạm hoặc vạ vật bên ngoài. Ngược hẳn với khu vực một cửa, diện tích các phòng làm việc, phòng hội họp dành cho công bộc của xã này lại quá thoải mái.
Tình trạng trụ sở và phòng làm việc của cán bộ chuyên viên thì rộng rãi; nơi dành để tiếp xúc, giải quyết yêu cầu của người dân, DN thì chật hẹp, nhếch nhác không đủ chỗ ngồi này còn phổ biến tại nhiều phường, xã; cơ quan bảo hiểm xã hội; phòng lao động - thương binh - xã hội các quận huyện trên địa bàn… Về phía người dân, do lâu lâu mới có việc phải đến làm thủ tục nên đa số đều thông cảm, chịu đựng cho xong việc. Nhưng cũng vì người dân ít phàn nàn, phản ứng về thực trạng trên, nhiều cơ quan, đơn vị hành chính tiếp tục quên một điều: phải dành chỗ tiện lợi, rộng rãi nhất trong trụ sở để làm nơi phục vụ người dân.
Ông Trương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh: Nơi làm việc hiện tại của xã chỉ là trụ sở tạm do nằm trong quy hoạch của khu Nam. Còn tạm bợ đến bao giờ phụ thuộc vào chủ đầu tư dự án bất động sản, cho dù người dân có phải chịu cảnh bức bối khi tới đây. Diện tích dành cho bộ phận một cửa đã quá chật hẹp nên xã cũng đã có dự định cơi nới ra phía trước để mở rộng thêm. Song cũng lại còn phải lên phương án và chờ duyệt kinh phí. Về khu vực giữ xe cho người dân đến làm thủ tục, nếu quá tải xã sẽ tận dụng thêm một đoạn vỉa hè nữa làm bãi xe. |
Để giảm tải tại Sở KH – ĐT TP Hồ Chí Minh, từ cách đây mấy năm, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở đã thông tin trước HĐND thành phố rằng nơi giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ được bố trí ở địa điểm khác rộng hơn. Nhưng bao giờ có thể chuyển đi còn chưa rõ, chỉ biết rằng tình trạng quá tải ở đây đang diễn ra từng ngày, từng giờ hành chính. Mỗi ngày vẫn có cả ngàn lượt người phải mệt mỏi chờ đợi. |