Những tử tù được ân giảm nhờ biết quay đầu về nẻo thiện

Bài 2: Trùm Minh 'sứt'- cố sống đúng vì có những người tốt với mình

08:14 01/03/2015
Giữa nắng xuân ấm áp của Trại giam Hoàng Tiến, tôi bắt gặp một gương mặt phạm nhân “quen” đang mải miết quét dọn sân vườn để trang hoàng ngày Tết trong trại. Người đàn ông đó loẹt xoẹt từng nhát chổi, gương mặt vui tươi, dường như đã bỏ lại quá khứ sau lưng. Nếu không phải đã biết thì chắc khó đoán đó là phạm nhân Ngô Đức Minh, tức Minh “sứt”, một trùm ma túy nổi tiếng những năm 2000, đàn anh kết nghĩa với trùm giang hồ Dung “Hà” một thời. 
=> Bài 1: Trùm ma túy Đỗ Thị Ngọc - được sống là có ngày về

Minh “sứt” từng bị tuyên phạt án tử hình, cũng từng có những lúc giật mình với tiếng leng keng của chìa khóa cửa lúc rạng sáng ở Trại tạm giam của Bộ Công an. Thế nhưng, do được Chủ tịch nước ân giảm nên Minh “sứt” mới được thoát chuyến đò về với thế giới bên kia. Được sống, đối với những người cận kề cái chết như Minh “sứt”, khỏi nói niềm vui sẽ lớn như thế nào. Và Minh càng thấm một điều, biết quay đầu về nẻo thiện, khai báo thành khẩn thì sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật…

Trước khi gặp Minh “sứt”, tôi đã từng được các cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) kể cho nghe về chuyên án đấu tranh với băng nhóm tội phạm do Minh “sứt” và Ngô Xuân Phương (Việt kiều Nhật) cầm đầu. Đây là một đường dây mua bán ma túy có tính chất quốc tế cực lớn với hơn 150 đối tượng liên quan. Cả Minh và Phương đều là dân anh chị đất Cảng. Sau đó, Phương vượt biên sang Nhật định cư bất hợp pháp, còn Minh đi tù 2 năm vì buôn lậu hàng kim khí điện máy qua cảng biển.

Sau khi mãn hạn tù, Minh gặp Phương lúc đó là Việt kiều Nhật về nước làm ăn. Chúng đã nhanh chóng chập vào nhau để lập đường dây mua bán ma túy từ Việt Nam sang Nhật tiêu thụ. Liên tục từ năm 1993 đến năm 2002, Phương và Minh cùng mua gom ma túy tại Việt Nam và Campuchia, rồi thuê các thủy thủ công ty vận tải biển Hà Nội cùng một số đối tượng khác vận chuyển sang Nhật Bản cho Phương tiêu thụ.

Phạm nhân Ngô Đức Minh tại Trại giam Hoàng Tiến.

Ngoài ra, Phương còn tổ chức mua thuốc lắc từ Hà Lan chuyển về Việt Nam bán cho John Nguyễn tiêu thụ tại TP HCM. Thủ đoạn hoạt động của chúng vô cùng tinh vi. Với các tay chân là thủy thủ tàu viễn dương, tiếp viên hàng không có điều kiện qua lại cửa khẩu quốc gia, chúng dễ dàng vận chuyển ma túy trong các bình gas, đế giầy với số lượng lớn.

Tính từ năm 1993 đến khi bị bắt (2002), đường dây của Phương- Minh đã mua bán tổng cộng 103 bánh heroin, 50kg cần sa, 15kg ma túy tổng hợp và 6.000 viên thuốc lắc.

Minh “sứt” bị bắt khi đang là một ông chủ doanh nghiệp vận tải biển khá lớn tại TP HCM. Trước đây từng công tác trong lực lượng vũ trang, lại sẵn tính “lì” của giang hồ Hải Phòng, lúc đầu, Minh nhất định không thừa nhận hành vi.

Đại tá Phạm Văn Chình, Cục phó Cục C47, lúc đó là Phó phòng Điều tra về ma túy Cục Cảnh sát điều tra, trực tiếp cùng điều tra viên vào hỏi cung đối tượng. Với kinh nghiệm và chiến thuật của người chỉ huy đơn vị điều tra ma túy, cái tâm của người làm án, anh Chình đã “hóa giải” được Minh “sứt”. Trước khi khai, gã chỉ hỏi anh Chình: “Tôi khai, tôi được gì?”.

“Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong đó cá nhân tôi hứa sẽ kiến nghị cho anh hưởng các chính sách khoan hồng của pháp luật” Anh Chình khẳng định. Thế là gã trùm khai hết, khai tất. Bởi Minh bảo: “Đối tượng ma túy một là không khai, còn khi đã khai ra là phải khai hết mới mong nhận được sự khoan hồng, bởi nếu chẳng may sau này có đối tượng khác trong đường dây bị bắt, nó khai ra mình thì sẽ lỡ dở hết”.

Minh khai cả những vấn đề không liên quan đến đường dây mua bán ma túy của gã (nhiều vấn đề liên quan đến băng nhóm Năm Cam vì trước đó, khi Dung “Hà” bị giết, Minh đã âm thầm tìm hiểu vì xác định băng nhóm của Năm Cam gây ra việc này).

“Anh có nhớ cán bộ Chình của Cục CSĐT tội phạm về ma túy không?” - tôi bắt đầu câu chuyện với phạm nhân Ngô Đức Minh

“Nhớ chứ! Chính cán bộ Chình đã giữ lời hứa, kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét việc khoan hồng cho tôi. Cuộc đời này, chị biết, tôi sợ gì nhất không? Sợ người tốt! Những người tốt như cán bộ Chình khiến tôi không dám làm gì sai. Mình còn phải sống tử tế hơn vì nhớ đến những người tốt như họ”.

Câu chuyện giữa tôi và Minh “sứt” diễn ra khá sôi nổi, cũng bởi cái tính hoạt ngôn của anh ta. Minh đã thụ án được hơn 12 năm 8 tháng. Chuyện gia đình riêng của Minh cũng lắm ngoắt ngoéo. Ai theo dõi vụ án cũng biết được chuyện tình của Minh với một người đàn bà cũng là chủ doanh nghiệp khá nổi tiếng trong Nam. Họ đã có với nhau một đứa con.

Để được sống với người đàn bà mình yêu, Minh đã làm hẳn một tờ đăng ký kết hôn của 2 người (sau này khi Minh bị bắt, mới xác định được tờ đăng ký kết hôn trên là không đúng, Minh vẫn đang tồn tại hôn nhân với người vợ cả và có 3 đứa con đã lớn ở Hải Phòng).

Có lẽ giận việc “lừa hôn thú” của Minh nên người vợ hai đã không đến thăm Minh, cũng không một lần cho con gái vào thăm bố. Nhắc đến câu chuyện này, Minh khá buồn, giọng chùng xuống. Minh bảo: “Cô ấy hiểu lầm tôi. Cô ấy bắn tin đến tôi là nếu tôi có cơ hội được giảm án ra trại, cô ấy sẽ trao lại con gái cho tôi rồi lên chùa đi tu”.

Phạm nhân Ngô Đức Minh và các phạm nhân khác đang quét dọn, sơn sửa lại phòng giam đón Tết Nguyên đán.

Khi cuộc đời xuống dốc, khi phải trả giá những năm tháng trong trại giam, Minh mới thấm hiểu được giá trị của 2 chữ “gia đình”. Người vợ cả tảo tần và 3 đứa con một thời bị Minh bỏ quên để chạy theo tình yêu mới những năm tháng sau này mới thực sự là điểm tựa tinh thần cho Minh. Ba đứa con của Minh đều đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học. Cô con gái lớn hiện đang làm quản lý cho một công ty nước ngoài, hai đứa con sau mở một công ty may thời trang khá nổi tiếng ở Hải Phòng.

Công ty thời trang của các con lấy tên Minh Ngô (đảo họ tên bố). Chúng vẫn thường đến Trại giam Hoàng Tiến thăm, động viên tinh thần bố và vẫn thường hỏi ý kiến bố về những dự định, kế hoạch trong cuộc sống. Những đứa con hiếu thảo vẫn động viên bố: “Bố phải cải tạo thật tốt, được giảm án càng sớm càng tốt để về giúp chúng con phát triển kinh doanh”.

Minh cười xòa: “Nếu có một ngày tôi được ra trại giam, tôi và chị gặp nhau ở bên ngoài, lúc đó chị sẽ thấy những điều tôi nói với chị là sự thật. Tôi sẽ sống tử tế, không vi phạm pháp luật. Bởi tôi đã quá thấu hiểu cái giá mình phải trả cho sự sai lầm, hiểu những tấm lòng của mọi người với mình và hơn bao giờ hết, tôi hiểu rằng các con tôi và gia đình tôi đang rất cần tôi, một người cha tốt để dạy bảo chúng”.

Trước đây, phạm nhân Ngô Đức Minh thụ án tại Trại giam Đắc Trung. Từ năm 2012, Minh được chuyển ra cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến. Ban đầu, anh ta cũng có những tư tưởng tiêu cực nhưng được sự động viên của các cán bộ quản giáo Trại giam Hoàng Tiến, Minh đã thay đổi và tiến bộ rõ rệt trong cải tạo. Năm 2014, kết quả cải tạo của Minh là khá.

“Nếu ra trại, anh có gặp cán bộ Chình không?

“Nhất định, nếu có cơ hội!”. Nghe tiếng cười rổn rảng của người đàn ông ấy, tôi có cảm giác như tâm hồn Minh đã được gột rửa những tội lỗi của quá khứ. Tôi cũng mong rằng, khi hết thời gian thụ án (nếu được giảm án) thì trùm ma túy “nổi tiếng” một thời Minh “sứt” sẽ có cuộc sống đúng với những gì mà anh đã hứa: Một cuộc sống nhất định tử tế!

T. Hòa- P. Thủy

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文